Đối tượng tham gia BHTN dần được mở rộng

11/07/2019 06:58 AM



(ảnh minh họa)

Đó là những công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Với quy định đóng 1% tiền lương từ người lao động và 1% tổng quỹ lương của những người lao động tham gia BHTN mà doanh nghiệp đóng vào Quỹ BHTN, không quy định mức đóng khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp đã thật sự thể hiện sự chia sẻ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa người có trình độ lao động cao, ít rủi ro với người lao động có trình độ thấp và nguy cơ thất nghiệp cao. Chính sách BHTN đã thể hiện nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, qua đó thúc đẩy gắn kết xã hội.

Nhờ vậy, số người người tham gia BHTN gia tăng qua các năm. Nếu năm 2009, mới chỉ có gần 6.000 người tham gia thì đến năm 2015 tăng lên hơn 10,3 triệu người và năm 2018 tăng lên gần 12,7 triệu người (bằng 87,7% so với tổng số người tham gia BHXH bắt buộc). Đến thời điểm hiện nay, số người tham gia BHTN đã cán đích hơn 13 triệu người.

Số người thụ hưởng chính sách BHTN cũng ngày càng tăng. Năm 2010 có 162.711 người nộp hồ sơ hưởng chế độ thất nghiệp, trong đó: 156.765 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 125.562 người được tư vấn giới thiệu việc làm và 270 người được hỗ trợ học nghề. Đến năm 2018 có 773.387 người nộp hồ sơ, trong đó có 763.573 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Đánh giá về chính sách BHTN, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm khẳng định, thời gian qua chính sách BHTN đã được thực hiện với phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”, khi giải quyết các chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; trợ cấp thất nghiệp và BHYT, đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Trước đây, người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết để hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng thời gian qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng được các trung tâm dịch vụ việc làm chú trọng, đa dạng hóa hình thức và cải tiến quy trình. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có xu hướng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (hơn 96% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp). Năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt, tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của 63 trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng. Thống kê cho thấy, năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, năm 2015 có 24.363 người; năm 2018 có 37.977 người được hỗ trợ học nghề. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðồng Nai, Bình Dương...

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách BHTN thời gian qua vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là, nhiều người sử dụng lao động, người lao động chưa hiểu rõ về chính sách BHTN, nên chưa thực hiện đúng quy định, dẫn đến thiệt thòi khi chẳng may mất việc làm. Tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động chưa được khắc phục triệt để. Nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn trong thời gian dài dẫn đến việc xác nhận sổ (chốt sổ) BHXH chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động...

Ðể thực hiện các mục tiêu và đạt hiệu quả việc thực hiện BHTN theo Nghị quyết số 28-NQ/TW (ngày 23/5/2018) của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH (năm 2021 đạt khoảng 28%, đến năm 2025 là 35%, đến năm 2031 là 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN), hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Theo Phó Cục trưởng Lê Quang Trung, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, đó là: sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp; đào tạo nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm đến mức thấp nhất tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.

Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt công tác tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia BHTN. Và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời./.


Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ngay sau khi Luật Việc làm được thông qua, BHXH Việt Nam đã bám sát nội dung của Luật và thực tiễn triển khai tích cực, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; từ đó, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ. BHXH Việt Nam cũng ban hành các văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các quy định của Luật Việc làm trong các nghiệp vụ liên quan của Ngành; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện chính sách BH thất nghiệp tại địa phương.

Hằng năm, BHXH Việt Nam đều ban hành Chương trình truyền thông chính sách BHXH nói chung, BHTN nói riêng cũng như các Chương trình truyền thông trọng điểm về BHTN… Từ hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn triển khai được ban hành đã tạo điều kiện cho cơ quan BHXH tổ chức thu và chi trả; cơ quan lao động giải quyết các chế độ BHTN cho người lao động. Thủ tục đóng BHTN ngày càng được đơn giản, thuận tiện cho tham gia. Số người tham gia BHTN đều tăng qua các năm. Tốc đố tăng bình quân số người tham gia BHTN năm 2015 đến năm 2018 gần 6%/năm. Bên cạnh đó, số thu BHTN luôn vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Số nợ BHTN giai đoạn 2015 - 2018 giảm đáng kể so với giai đoạn 2009 - 2014, đặc biệt là khi ngành BHXH được giao thêm chức năng thanh tra đóng BHTN. Cơ quan BHXH cũng tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng (ATM) hoặc nhận tiền mặt tại đại lý chi trả, tạo thuận lợi cho người hưởng.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội