Thực hiện chính sách BHYT theo Nghị quyết số 68/2013/QH13: Những kết quả ấn tượng

16/08/2019 07:42 AM




63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu

Trong giai đoạn 2018-2019, BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đều đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Hàng tháng tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp phát triển đối tượng hiệu quả.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp ngành BHXH đạt nhiều kết quả ấn tượng

BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm và giai đoạn 2016-2020 đối với địa bàn cấp huyện, trong đó cân đối nguồn tài chính hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng nguồn kết dư quỹ KCB hàng năm và nguồn huy động khác để hỗ trợ thêm phần kinh phí thuộc trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT. Tăng cường truyền thông chính sách, tiếp tục cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin về quản lý đơn vị, người tham gia BHXH, BHYT; tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống đại lý thu. Tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động của đại lý thu; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, xử lý và chấn chỉnh kịp thời sai sót. Tính đến ngày 31/12/2018, toàn quốc đã có 12.141 đại lý thu đang hoạt động với 36.384 điểm thu.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định pháp luật tại BHXH các địa phương; đồng thời tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng; xử phạt các đơn vị trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc tham gia và giảm tỉ lệ nợ đọng BHXH, BHYT... Phối hợp với những địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp bàn giải pháp phát triển đối tượng nên tỉ lệ bao phủ BHYT tại những địa phương này tăng lên rõ rệt.

Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2013/QH13. Trong đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với năm 2017. Đến hết tháng 6/2019, toàn quốc đã có 84,74 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89,3% dân số, vượt 1,2% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1167/QĐ-TTg.

Điểm sáng về cải cách TTHC

Thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, BHXH Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, trong đó đề xuất đơn giản quy trình, thủ tục, hồ sơ cho người dân, tổ chức trong thực hiện các giao dịch về BHYT phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách TTHC. Các sáng kiến, giải pháp này đã được điều chỉnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đem lại những kết quả rất tích cực. Cụ thể: Trong giai đoạn 2018-2019, ngành BHXH đã bãi bỏ một số thành phần hồ sơ như đơn, công văn đề nghị, xác nhận; một số thủ tục chỉ còn quy định về tờ khai và danh sách; giảm số lần lập, kê khai hồ sơ, chỉ yêu cầu đơn vị SDLĐ lập, kê khai lần đầu và khi có thay đổi thông tin. Đến nay, số TTHC thuộc lĩnh vực BHYT đã giảm xuống còn 4 thủ tục.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng chủ động giảm thời gian thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT. Luật BHYT 2014 quy định thời gian cấp thẻ BHYT là 7 ngày nhưng đã được rút ngắn chỉ còn 3 ngày (1 ngày đối với trường hợp cấp cứu, chuyển công tác hoặc không thay đổi thông tin). Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC với 3 hình thức gồm: Giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ Bưu chính và giao dịch trực tiếp tại bộ phận “Một cửa”. BHXH Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giúp các cơ quan, đơn vị giảm thời gian đi lại, chờ đợi. Từ 1/3/2017, ngành BHXH triển khai giao dịch điện tử trên tất cả lĩnh vực: Thu, cấp thẻ BHYT; giải quyết và chi trả chế độ BHYT đối với cả tổ chức và cá nhân. Hiện, BHXH Việt Nam đang tiến tới cấp thẻ BHYT điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB cũng như trong việc quản lý quỹ BHYT...

Tiến tới bao phủ BHYT toàn dân

Cũng theo BHXH Việt Nam, hiện nay, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn coi công tác tuyên truyền về BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH; hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ SDLĐ xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong khi Luật BHYT chưa quy định rõ giải pháp xử lý đối với những trường hợp nợ tiền BHYT.

Cán bộ BHXH các địa phương cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân
tham gia BHXH, BHYT

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, một số điểm còn mâu thuẫn gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cụ thể: Luật BHYT quy định BHYT là hình thức bắt buộc đối với các đối tượng tham gia nhưng  chưa quy định chế tài cụ thể đối với một số nhóm đối tượng không tham gia BHYT (HSSV, hộ gia đình...). Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xác định đối tượng tham gia của các địa phương chưa thống nhất, nhất là đối với các nhóm đối tượng sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, vùng bãi ngang ven biển, các xã thuộc vùng 30a… nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân…

Vì vậy, BHXH Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tham gia BHYT thấp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật BHYT; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT và các luật khác có liên quan. Đặc biệt là việc ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết những vướng mắc phát sinh trong Nghị định số 146/2018/NĐ-CP...

Cũng theo BHXH Việt Nam, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành Thông tư quy định việc xác định đối tượng tham gia BHYT do ngành GD-ĐT quản lý theo quy định tại Luật BHYT. Theo đó, các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT; phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT cũng như chỉ đạo các cơ sở giáo dục và tổ chức Đoàn cùng cấp phối hợp triển khai công tác tuyên truyền tới HSSV, đưa chỉ tiêu tham gia BHYT trong nhà trường vào chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của Sở GD-ĐT và các trường học.

HĐND và UBND các địa phương cần tăng cường thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hàng năm; giao chỉ tiêu tham gia BHYT đến từng xã để tổ chức thực hiện, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, huyện trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, lấy chỉ tiêu phát triển đối tượng làm chỉ tiêu xét thi đua hàng năm, đảm bảo lộ trình đến năm 2020 tối thiểu phải đạt được bằng chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời phê duyệt kinh phí hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT và giám sát tổ chức thực hiện việc này.

Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội