Ngành BHXH Việt Nam: Vượt qua đại dịch Covid-19 bằng sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng
22/10/2021 06:31 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội; đồng thời tạo áp lực không nhỏ tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, với việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và sáng tạo từ Trung ương đến địa phương, toàn Ngành đã khắc phục những khó khăn, thách thức, cố gắng vượt bậc nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân, NLĐ
Kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị. Từ đó, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước. Song hành với việc nâng cao tỷ lệ bao phủ số người tham gia, hoạt động đầu tư từ quỹ cũng được BHXH Việt Nam tiến hành an toàn, hiệu quả, cân đối bền vững trong dài hạn để phòng ngừa rủi ro, đảm bảo ASXH cho nhân dân và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả các chế độ.
Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT luôn được đảm bảo
Với quan điểm đặt an toàn lên trên hết, Luật BHXH đã quy định các hình thức đầu tư an toàn và hiệu quả là: Mua trái phiếu Chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của NHNN Việt Nam; cho NSNN vay. Tính đến tháng 8/2021, số dư đầu tư lũy kế các quỹ BHXH đạt gần 950.000 tỷ đồng, tăng 218% so với thời điểm ngày 31/12/2015 (với số dư là 435.219 tỷ đồng). Tiền lãi thu từ đầu tư tài chính năm 2020 đạt trên 47.487 tỷ đồng, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (46.850 tỷ đồng).
Việc đảm bảo an toàn, cân đối, bền vững trong quản lý, đầu tư quỹ cũng góp phần giúp công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện chính xác, đầy đủ, phục vụ kịp thời tới từng người tham gia và hưởng chế độ. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, thiên tai, quỹ đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống NLĐ bị mất việc làm, thu nhập; đảm bảo các hoạt động KCB, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong năm 2020, đối mặt với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, BHXH Việt Nam đã đa dạng, linh hoạt các phương thức chi trả (chi trả gộp 2 tháng, chi trả tại nhà); đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt (hiện tại có khoảng 50% số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao). Năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã chi trả đầy đủ, nhanh gọn, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến tận cấp xã; trên 1,8 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 17 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK và BHXH một lần; thanh toán KCB BHYT cho trên 258,9 triệu lượt người. Tổng số chi các chế độ lên tới 594.457 tỷ đồng (chi BHXH, BH thất nghiệp 430.804 tỷ đồng; chi KCB BHYT 163.653 tỷ đồng).
Quyết liệt thu hồi nợ đọng
Song hành với các chỉ tiêu về vận động tham gia BHXH, BHYT, công tác thu hồi nợ đọng trong năm 2020 của toàn Ngành cũng đạt được nhiều kết quả. Trong đó, tổng số thu năm 2020 là 392,87 nghìn tỷ đồng, đạt 100,92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ số phải thu tăng bình quân hàng năm đều trên 10%.
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đóng BHXH phát huy hiệu quả
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, toàn Ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, toàn diện. Trong đó, thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình hoạt động của DN để có biện pháp, giải pháp đôn đốc đối với các DN mới phát sinh nợ, không để nợ kéo dài hoặc nợ với số tiền lớn. Đối với những địa phương đang thực hiện giãn cách, hạn chế tập trung đông người để phòng chống dịch, thì cơ quan BHXH thực hiện gửi văn bản đôn đốc thu; nếu đơn vị có dấu hiệu chây ỳ, cơ quan BHXH sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành hoặc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý theo quy định.
Đối với những địa phương không phải thực hiện giãn cách, cơ quan BHXH cử cán bộ trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc thu kịp thời khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, lập biên bản yêu cầu đơn vị đóng BHXH, BHYT đúng quy định. Phối hợp cùng các cơ quan như: Công an, Thuế, LĐ-TB&XH, LĐLĐ… thành lập các đoàn thanh tra liên ngành thực hiện thanh tra tại các đơn vị có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài. Tăng cường kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất, phát hiện kịp thời tình trạng trốn đóng, cương quyết xử phạt hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH 2014.
Đồng thời, công khai danh sách các DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; chia sẻ thông tin về nợ BHXH của DN với cơ quan Thuế theo Quy chế phối hợp. Chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện Quyết định, Kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với số tiền nợ của các đơn vị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, đơn vị dừng hoạt động, BHXH Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ LĐ-TB&XH và đề xuất với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về xử lý nợ đối với các DN này khi không còn khả năng trả nợ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ (Công văn số 3840A/BC-BHXH ngày 14/10/2019). Ngoài ra, hằng năm vấn đề nợ BHXH, BHYT đều được BHXH Việt Nam chú trọng báo cáo, đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH và giải trình với Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Công tác thanh tra, kiểm tra phát huy hiệu quả
Trong tổng số 8.619 cuộc thanh tra, kiểm tra về BHXH được tiến hành trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam thực hiện được 8.567 cuộc. Qua đó, đã phát hiện 11.185 NLĐ chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với tổng số tiền truy đóng 80 tỷ đồng; 24.086 NLĐ đóng thiếu mức quy định với số tiền truy đóng 68 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 5,2 tỷ đồng; thu hồi về quỹ BH thất nghiệp số tiền 2,4 tỷ đồng.
Nhiều NLĐ đã nhận được hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP
Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, theo hướng kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra điện tử, tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra (giảm khoảng 48%- từ 20 giờ xuống còn 10,5 giờ). Qua đó, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu nợ, lan tỏa mạnh mẽ ý thức chấp hành của các đơn vị, DN, cơ sở KCB. Đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, người dân.
Từ tháng 6/2016, với việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, cơ quan BHXH đã khẳng định hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm so với giai đoạn trước đây. Tính chung giai đoạn 2016-2020, BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 75.785 đơn vị; phát hiện, xử lý, yêu cầu khắc phục 240.245 trường hợp sai phạm và đã truy thu được 664 tỷ đồng. Bên cạnh đó, góp phần tăng số người tham gia, tăng thu và quản lý thu nợ…
Trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai phức tạp, BHXH Việt Nam xây dựng 121 tiêu chí để nhận diện các hành vi vi phạm, trục lợi và phương thức kiểm tra, phát hiện; xây dựng phần mềm, khai thác các CSDL sẵn có, phân tích đánh giá, đưa ra cảnh báo, đôn đốc đơn vị, DN; ra quyết định thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ… Qua đó, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao, thời gian thanh tra, kiểm tra được rút ngắn. Đây cũng là tiền đề để Ngành có thể thực hiện được tốt công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chi trả nếu được Quốc hội, Chính phủ giao.
Chuyển đổi số lấy quyền lợi người dân làm trung tâm
Công tác chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được BHXH Việt Nam đẩy mạnh, đi trước một bước, tạo ra những đột phá để phục vụ người dân, DN. Có thể nói, việc xây dựng, hoàn thiện CSDL hơn 98 triệu dân- là nền tảng CSDL quốc gia về BH (là một trong 6 CSDL quốc gia và Chính phủ giao BHXH Việt Nam là cơ quan chủ quản) và luôn sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý chung như với CSDL của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT, Tổng cục Thuế…
Trong 4 năm liên tiếp, từ 2017 đến 2020, Bộ TT-TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, DVC trực tuyến, được xếp hạng 2 trong khối bộ, ngành và đứng thứ nhất Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ. Một số kết quả nổi bật, như: Triển khai thành công ứng dụng VssID, giúp người dùng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng cũng như thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng. Tính đến nay, cả nước đã có gần 25 triệu người cài đặt, sử dụng VssId; từ 1/6/2021 sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB, đăng ký nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP; xây dựng hệ thống phần mềm liên thông trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ; đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, đã kịp thời cung cấp các thông tin, dữ liệu để phục vụ hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
Cũng trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC được BHXH Việt Nam triển khai quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa. Cùng với đó, giao dịch điện tử được đẩy mạnh (người dân, DN có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7). Bộ TTHC được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) đến nay chỉ còn 25 thủ tục, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 (trừ thủ tục ủy quyền lĩnh chế độ, trợ cấp phải gặp trực tiếp); các thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ NLĐ, chủ SDLĐ, nhất là khi triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc. Thông qua giao dịch điện tử đã tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân, vừa đảm bảo kịp thời quyền lợi, vừa hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp để phòng chống dịch.
Từ ngày 1/10/2021, khi triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương xây dựng một quy trình, thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận tiện với người thụ hưởng nhờ nền tảng CSDL và ứng dụng CNTT. Điều này là yếu tố quan trọng giúp chính sách hỗ trợ tiếp cận nhanh chóng đến NLĐ và chủ SDLĐ. Bên cạnh đó, chỉ sau 7 ngày, toàn Ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN theo Nghị quyết 68 cho 375 nghìn đơn vị SDLĐ, tương ứng 11,238 triệu NLĐ và số tiền được điều chỉnh giảm khoảng 4.322 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2021, đã giải quyết cho 371 đơn vị SDLĐ với 63.467 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 437,4 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 598.550 NLĐ của 25.470 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chi tiết để nhanh chóng, kịp thời đưa gói hỗ trợ đến NLĐ và chủ SDLĐ. Với sự khẩn trương và quyết liệt, chỉ sau 5 ngày thực hiện (từ ngày 1 đến ngày 5/10/2021), BHXH Việt Nam đã hoàn thành thông báo giảm đóng cho hơn 350.000 đơn vị SDLĐ, tương ứng với 9,8 triệu NLĐ và số tiền giảm đóng khoảng 7.800 tỷ đồng. Đối với NLĐ, đã gửi danh sách NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp cho 157.004 đơn vị với 4,3 triệu NLĐ. Đến nay toàn Ngành đã có trên 3 triệu NLĐ nhận được hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc