Toàn ngành BHXH Việt Nam tập trung cao độ để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021

03/12/2021 10:30 PM


Sáng 3/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban tháng 12/2021. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Việt Nam Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH TP.Hà Nội.

“Tiệm cận” các chỉ tiêu, kế hoạch

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 11/2021, toàn quốc có 15.909.860 người tham gia BHXH, đạt 31,96% lực lượng lao động trong độ tuổi và đạt 89,91% kế hoạch được giao. Trong đó gồm: 14.624.240 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 91,7% kế hoạch; 1.285.620 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 73,56% kế hoạch; 12.931.492 người tham gia BH thất nghiệp, đạt 25,98% lực lượng lao động. Đáng chú ý, toàn quốc có 83.717.784 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 85,77% dân số và đạt trên 93% kế hoạch. Cùng với đó, tổng số thu BHXH, BHYT được 343.590 tỷ đồng, đạt 84,58% kế hoạch được Chính phủ giao (từ nay đến hết năm, toàn Ngành còn phải thu 62.633 tỷ đồng); số nợ BHXH, BHYT là 27.143 tỷ đồng, bằng 6,79% so với số phải thu.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị

Đánh giá về kết quả này, BHXH Việt Nam cho biết, số người tham gia BHXH, BHYT có sự tăng trưởng “vượt bậc” so với tháng 10/2021. Tuy nhiên, ước tính từ nay đến cuối năm, số người cần phải phát triển để đạt kế hoạch đề ra rất lớn (BHXH còn trên 1,7 triệu người, BHYT còn trên 6,2 triệu người). Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm. Đáng chú ý, so với thời điểm cuối năm 2020, số người tham gia BHXH đến hết tháng 11/2021 giảm 306.864 người, số tham gia BHYT giảm 3.808.404 người, trong khi số người nhận BHXH một lần tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong thời gian qua, BHXH Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố giải quyết vướng mắc trong việc thu BHXH, BHYT đối với NLĐ trong thời gian ngừng việc có hưởng tiền lương ngừng việc; đồng thời bám sát các kế hoạch thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam để tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2021…

Cùng với đó, BHXH các địa phương đã tập trung vào một số giải pháp phát triển đối tượng như: Nắm bắt tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn để thông tin đến NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt HĐLĐ quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; phối hợp, đôn đốc cơ quan Tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng; tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào DTTS; triển khai các giải pháp phát triển BHYT HSSV; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...

Tập trung cao độ để đạt chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, hiện chỉ còn gần một tháng chạy nước rút, nên các đơn vị phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm còn tồn đọng. Theo Tổng Giám đốc, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong tháng 11 có chuyển biến rất tích cực. Đáng chú ý, đến tháng 11, chúng ta đã tăng gần 500.000 người tham gia BHXH so với tháng 10/2021- điều này thể hiện sự quyết tâm, tích cực vào cuộc của toàn Ngành. Tuy nhiên, đối với BHYT, chúng ta phải đạt tỷ lệ bao phủ tối thiểu 91% dân số theo đúng cam kết với Chính phủ và Quốc hội. “Nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong tháng này là phải tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao ở mức cao nhất”- Tổng Giám đốc lưu ý.

Toàn Ngành quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao

Liên quan đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho rằng, thời gian qua, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đã phân công cán bộ chuyên trách cũng như tổ chức Hội nghị trực tuyến thu với các địa phương để đảm bảo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong 2 tháng cuối năm. Hiện nay, các địa phương tập trung rà soát dữ liệu từ cơ quan Thuế; đôn đốc thu nợ và thanh tra đột xuất các đơn vị nợ, nên nhiều đơn vị đã khắc phục được nợ BHXH, BHYT. Trong tháng 12/2021, BHXH Việt Nam tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường vận động đảm bảo chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT; đồng thời rà soát, vận động những NLĐ đã nghỉ việc tham gia tiếp BHXH.

“Dự kiến, số người tham gia bắt buộc trong tháng 12 sẽ tăng từ 400.000-450.000 người, đưa tổng số người tham gia BHXH bắt buộc lên khoảng 15,3-15,5 triệu người, tăng so với năm 2020 từ 200.000-220.000 người. BHXH tự nguyện đạt 1.350.000 người, tăng so với năm 2020 khoảng 350.000 người. Như vậy, tổng số người tham gia BHXH khoảng 16,8 triệu người và tiệm cận độ bao phủ. Tuy nhiên, số người tham gia BHYT khoảng 86,8 triệu người- hụt so với kế hoạch khoảng 2,3 triệu người do tác động của Quyết định 861, dù BHXH các địa phương đã vận động được khoảng 700.000 người ở nhóm này tham gia tiếp BHYT”- ông Hào thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, do dịch bệnh Covid-19, nên công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng- đây là nguyên nhân khách quan chúng ta không dự báo trước được. Song, được sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, công tác này đã có chuyển biến mạnh mẽ. Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai linh động, BHXH các tỉnh cũng cố gắng nỗ lực rất lớn. Tuy vậy, để hoàn thành chỉ tiêu được giao, trong tháng 12 này, trên cơ sở nắm bắt số lượng HSSV tham gia BHYT, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cần phải đánh giá còn bao nhiêu em chưa tham gia và tập trung ở nhóm nào, để tập trung tuyên truyền, vận động- bởi hiện nay HSSV các địa phương đang học online nên công tác thu nộp BHYT HSSV chưa đạt cao. Bên cạnh đó, cũng phải tổng hợp những NLĐ tạm dừng đóng, tạm hoãn, chấm dứt HĐLĐ... tiếp tục tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, với các nhóm đối tượng khác phải mở hội nghị tuyên truyền, vận động phù hợp với tình hình các địa phương...

Luôn đảm bảo an sinh cho NLĐ

Trong tháng qua, ngành BHXH Việt Nam đã phát huy vai trò của cơ quan thực hiện chính sách, được người dân, cộng đồng đánh giá cao, cũng như được Chính phủ và cả hệ thống chính trị ghi nhận. Nổi bật là những kết quả tích cực trong việc triển khai gói hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP. BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh giải quyết một số vướng mắc liên quan đến hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ điều trị Covid-19; hướng dẫn bổ sung một số nội dung về triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 126/NQ-CP; kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh; đảm bảo thống nhất trong toàn Ngành về quy trình thực hiện, về đối tượng, thời gian tính hưởng, quy trình chi trả và phần mềm hỗ trợ để triển khai thực hiện chính sách thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời đến NLĐ và chủ SDLĐ. Hết tháng 11/2021, toàn Ngành đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.287.220 NLĐ, đạt 93,84% số đề nghị hưởng (đang tham gia BH thất nghiệp có 11.400.720 người; đã dừng tham gia BH thất nghiệp có 886.500 người) với tổng số tiền hỗ trợ 29.094 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng thống nhất với Bộ Y tế giải quyết một số vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT của các đơn vị phòng chống dịch Covid-19; việc thanh toán theo chế độ BHYT đối với thuốc đã mua bằng nguồn ngân sách phục vụ công tác chống dịch. Báo cáo, đề xuất Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép BHXH Việt Nam được chủ động điều tiết nguồn kinh phí trong phạm vi dự toán Chính phủ giao năm 2021 từ địa phương không sử dụng hết dự toán sang địa phương bị thiếu hụt dự toán. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện hợp đồng và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 và trạm y tế lưu động; thực hiện việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT cho cơ sở KCB sau khi có Thông tư tạm dừng thực hiện phương thức thanh toán theo định suất.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết. Tại một số địa phương, công tác truyền thông còn chưa thực sự phát huy hiệu quả; nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách BHXH, BHYT còn chưa đầy đủ; một số NLĐ chưa được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về các chính sách hỗ trợ. Tình trạng chi vượt dự toán kinh phí KCB BHYT vẫn xảy ra ở một số tỉnh; việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cả về phía người bệnh và cơ sở y tế vẫn chưa được kiểm soát toàn diện và đầy đủ. Cùng với đó, việc triển khai thanh kiểm tra theo hình thức điện tử, rà soát, khai thác, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ để cảnh báo, đôn đốc, nhắc nhở tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự được quan tâm, nên chưa phát huy hiệu quả cao...

Sau khi nghe ý kiến lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ cũng như ý kiến của các Phó Tổng Giám đốc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, trong tháng 11/2021, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT có sự khởi sắc, song cùng với đó cũng mang lại nhiều áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của toàn Ngành. Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, cán bộ ngành BHXH Việt Nam còn phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP. “Mỗi cán bộ phải làm gần bằng 2 người. Dù áp lực như vậy, nhưng lãnh đạo Ngành vẫn kiên định mục tiêu kế hoạch, bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch đặt ra và đã đạt kết quả khả quan. Các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với tháng liền kề, chỉ tiêu về thu, bao phủ BHXH đều tăng, nợ đọng giảm so với cùng kỳ- đã thể hiện dự báo của Ngành rất chính xác”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Giám đốc, các chế độ cho NLĐ theo Nghị quyết 116/NQ-CP được thực hiện rất tốt, cơ bản không có gì “gợn”, không có phản ánh gì về thái độ phục vụ của cán bộ BHXH đối với NLĐ và chủ SDLĐ. “Dù số tiền chi từ quỹ BH thất nghiệp cho NLĐ và DN rất lớn, nhưng chúng ta không bị sai sót và được các ngành đánh giá cao. Tôi đánh giá cao các kết quả đạt được, các cán bộ BHXH đã cố gắng làm việc, làm ngày, làm tối, làm ngoài giờ để hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, đã thể hiện tâm huyết của mình với Ngành, với công việc được giao, nên cần có động viên kịp thời, nhất là những CBVC ở tuyến đầu”- Tổng Giám đốc nói.

Đồng thời, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cùng BHXH các địa phương xây dựng kịch bản thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH theo diễn biến của dịch Covid-19 ở từng địa phương; chỉ đạo vận động dứt điểm số HSSV còn lại chưa tham gia BHYT. Tuyên truyền về việc các địa phương đã có những hỗ trợ kịp thời từ ngân sách mua BHXH, BHYT cho người dân… Đặc biệt, hiện số người rút BHXH một lần tăng, nên cần đánh giá lại tác động, xem có bao nhiêu người khó khăn thực sự phải rút một lần, bao nhiêu người không hiểu chính sách; tăng cường các giải pháp phòng chống trục lợi chính sách BHXH, BHYT những tháng cuối năm; tăng cường thanh tra thu hồi nợ đọng…

Tạp chí BHXH