10 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022
15/01/2022 04:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo các nghị quyết của Quốc hội, đồng thời hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tập trung triển khai thực hiện.
Ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh cải cách TTHC và chuyển đổi số (ảnh minh họa)
Theo đó, mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho DN và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh...
Mục tiêu cụ thể năm 2022 là cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch; về cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) theo xếp hạng của WEF: Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1); nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 1 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 2-3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về DN đổi mới sáng tạo (B9) lên 2-3 bậc...
Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tiếp tục tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm: Cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
Chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế; tạo lập kênh phối hợp để cung cấp, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin nhằm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác. Chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chế độ báo cáo, theo dõi tình hình, kết quả cải thiện đối với các bộ chỉ số, chỉ số được phân công; cập nhật trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh tiếp tục thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN, bao gồm: Khởi sự kinh doanh; nộp thuế và BHXH; cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tiếp cận tín dụng; bảo vệ nhà đầu tư; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; giao dịch thương mại qua biên giới; giải quyết tranh chấp hợp đồng; và giải quyết phá sản DN.
Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu thống kê công bố trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo để bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghị quyết nêu rõ 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể phân công. Cụ thể gồm:
1. Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.
2. Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
3. Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai.
5. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện CCHC.
6. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.
7. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững.
8. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
9. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo.
10. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc