Toàn Ngành BHXH Việt Nam: Quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT

17/02/2022 10:55 PM


Ngày 17/02/2022, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn Ngành (kết nối đến toàn bộ BHXH cấp huyện) về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 2/2022. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương cùng sự tham dự của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.

Triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Quản lý Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, mặc dù phải đối mặt khó khăn tuy nhiên, toàn Ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp đem lại kết quả tích cực về phát triển BHXH, BHYT trong năm 2021

Theo đó, số người tham gia BHXH đạt 16,5 triệu người, tăng 358 nghìn người (2,2%) so với năm 2021. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,45 triệu người, tăng 325,3 nghìn người (28,9%) so với năm 2020. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,01%.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương 

Nhiều giải pháp đã được triển khai hiệu quả. 61/63 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho người cận nghèo, 15/63 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng cho học sinh sinh viên; tổng số tiền đã huy động hỗ trợ từ ngân sách các địa phương là khoảng 43,4 tỷ đồng, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ được 6,9 tỷ đồng mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.Thông qua rà soát dữ liệu thuế đã phát triển được 313 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc; thu hồi được 1.338 tỷ đồng thông qua thanh tra đột xuất; phát triển được 140,5 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, 213,8 nghìn người tham gia BHYT thông qua các hội nghị khách hàng, ông Hào nói.

Ngay trong tháng 1/2022, ông Hào cũng cho biết, có nhiều tín hiệu khá lạc quan như số người tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước đạt 15,2 triệu người, tăng 103 nghìn người (0,7%) so với thực hiện năm 2021). Số người tham gia BH thất nghiệp đạt 13,502 triệu người, tăng 107 nghìn người (0,8%) so với thực hiện năm 2021.

Trong năm 2022, Trưởng Ban Quản lý thu- sổ, thẻ Dương Văn Hào cho biết, các chỉ tiêu được Chính phủ giao cho toàn Ngành tăng cao. Cụ thể như, chỉ tiêu về BHXH bắt buộc tăng khoảng 11,4% so với thực hiện năm 2021 (cao gấp 2 lần so với bình quân hằng năm). Chỉ tiêu BHXH tự nguyện tăng khoảng 53,6% so với thực hiện năm 2021 (cao gấp 1,8 lần so với bình quân hằng năm). Chỉ tiêu BHYT tăng khoảng 3,2% so với thực hiện năm 2021 (cao gấp 1,5 lần so với bình quân hằng năm). Chỉ tiêu thu tăng khoảng 6,6% so với năm 2021.

Ông Hào đề nghị BHXH các tỉnh phải tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Trong đó, tăng cường rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, phân loại, lập danh sách đơn vị chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT.

Về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, thực hiện linh hoạt các hình thức thông tin, tuyên truyền, đảm bảo thông tin đến được với đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người mới thoát nghèo để vận động tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Tổ chức linh hoạt các hình thức vận động theo nhóm nhỏ, các hội nghị khách hàng đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiềm năng...

Bàn về giải pháp thanh tra, kiểm tra, ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra- kiểm tra (BHXH Việt Nam) đề nghị triển khai tập huấn để đảm bảo bổ sung ngay lực lượng thanh tra chuyên ngành tại BHXH các tỉnh, thành phố. Tại các địa bàn huyện có quy mô quản lý BHXH, BHYT lớn (về số người tham gia, số thu- chi), cần nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép Giám đốc BHXH cấp huyện tham gia vào công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cần quan tâm chú trọng đào tạo, xây dựng nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác này trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ năm 2022, ngay từ thời điểm này, tranh thủ điều kiện tình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, BHXH các tỉnh, thành phố phải khẩn trương triển khai thanh tra các DN nợ đọng kéo dài; lưu ý chọn để thanh tra đơn vị phù hợp, đảm bảo cả yêu cầu về chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng, ông Hiệp đề nghị.

Sự chủ động từ BHXH các địa phương

Tại hội nghị, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn thuận lợi và đề nghị các giải pháp đẩy mạnh thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022.

Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, đã tạm giao kế hoạch thu, phát triển đối tượng, tổ chức hội nghị khách hàng cho BHXH các quận, huyện ngay từ đầu tháng 1. Cùng với đó, BHXH TP cũng đã sớm chủ động tham mưu UBND TP chỉ đạo và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao, giao chỉ tiêu sớm cho các quận, huyện, thành phố trên địa bàn.

Về truyền thông, ông Mến khẳng định đã xây dựng các kịch bản tương ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kết hợp cả hình thức hội nghị trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo đạt yêu cầu.

Thời gian tới đây, cùng với sự chuyển biến tích cực trong phòng chống, dịch, quá trình phục hồi kinh tế tốt hơn, số NLĐ trở lại TP. HCM ngày càng lớn, phát triển BHXH, BHYT sẽ thuận lợi hơn. Qua tháng 1, BHXH TP đã thu tăng thêm khoảng 60.000 người tham gia BHXH bắt buộc; số thu cũng đạt tốt, tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,9% kế hoạch cả năm.

Giám đốc BHXH TP.Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cũng chia sẻ một số thông tin lạc quan. Cụ thể, số tham gia BHXH bắt buộc có chiều hướng tăng lên ngay trong tháng đầu năm. Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã giao chỉ tiêu BHXH, BHYT tới các quận, huyện thị xã và giao tới các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; đồng thời có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.

Về tổ chức các hội nghị tuyên truyền, BHXH TP. Hà Nội sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng, chú trọng rà soát để mời đúng đối tượng tiềm năng, chọn báo cáo viên, tuyên truyền viên có kinh nghiệm. BHXH TP cũng đã làm việc chặt chẽ với Bưu điện TP để bàn các giải pháp phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2022, ông Hòa nói.

Trên cơ sở ý kiến của BHXH các tỉnh, thành phố, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu sự chủ động trong việc triển khai các giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong bối cảnh chỉ tiêu nhiệm vụ tăng cao, nguồn lực con người có hạn, buộc chúng ta phải đổi mới, sáng tạo trong cách làm để đạt mục tiêu đề ra; bố trí nhân lực linh hoạt, cân đối giữa các bộ phận nghiệp vụ, trong đó ưu tiên, chú trọng để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ thu, phát triển BHXH, BHYT năm 2021, Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các giải pháp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, toàn Ngành đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong năm 2021 với bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

Chúng ta đã biến áp lực, thành động lực, xây dựng các kịch bản, linh hoạt các giải pháp, bảo đảm vẫn duy trì sự tăng trưởng số thu, số người tham gia BHXH, BHYT. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, biểu dương, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Một số điểm cầu tham dự hội nghị

Về yêu cầu nhiệm vụ năm 2022, trước những khó khăn, thách thức, Tổng Giám đốc chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động triển khai từ sớm, từ xa các giải pháp, bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, chủ động đề xuất với cấp ủy, chỉnh quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chú trọng tham mưu chỉ đạo, giao chỉ tiêu đến từng xã, phường. Tích cực đề xuất ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, kế hoạch- đầu tư và nhất là chính quyền các xã. Xây dựng các kịch bản linh hoạt, thay đổi theo từng tình huống, từng thời kỳ, phù hợp với từng địa phương, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Mỗi một cấp cơ quan BHXH, từng bộ phận, lĩnh vực nghiệp vụ, đều phải có kịch bản cụ thể.

Tiếp tục chuẩn hóa, làm giàu dữ liệu, phân tích dữ liệu người chưa tham gia BHXH, BHYT để xác định các biện pháp hiệu quả, chính xác, đúng, trúng nhóm đối tượng tiềm năng; ưu tiên các nhóm dễ trước. Chú ý vận động nhóm tham gia bền vững, dài hạn.

Về công tác truyền thông, phải chủ động thông tin, đi trước một bước để người dân nắm được những thay đổi. Chú trọng truyền thông đến nhóm nhỏ, có tính đặc thù, có kế hoạch chung cho toàn Ngành, trên cơ sở đó, các đơn vị cơ sở triển khai. Truyền thông phải rõ kết quả đầu ra, rõ tiêu chí đánh giá, cụ thể là số người tham gia BHXH, BHYT. Cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ truyền thông ở cơ sở.

Về các tổ chức tham gia làm đại lý thu, BHXH các tỉnh rà soát để xây dựng các quy chế phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương, họp thống nhất để mục tiêu, rõ cách làm để cùng triển khai nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Về thanh tra, kiểm tra, nhấn mạnh đây là vừa là công cụ vừa là giải pháp quan trọng, Tổng Giám đốc yêu cầu quá trình thực hiện phải hết sức linh hoạt, đạt mục tiêu cuối cùng là giảm nợ, thu đúng, thu đủ. Bên cạnh đó, quy trình thanh tra, kiểm tra cũng cần được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với thực tiễn công tác của Ngành hiện nay, thực hiện chủ động ngay với các đơn vị có nguy cơ nợ lớn, nợ đọng lâu, phát huy dữ liệu điện tử, thu hồi nợ bằng các phương pháp gắn với ứng dụng CNTT. Cùng với đó là phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an, khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT.  

Với những bài học kinh nghiệm quý báu từ năm 2021, cùng khí thế, quyết tâm trong năm 2022, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng rằng, toàn Ngành sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT được Chính phủ giao.