“BHXH tự nguyện - Của để dành cho người lao động tự do ”

21/03/2022 10:10 AM


“BHXH tự nguyện - của để dành cho người lao động tự do ” là Chương trình đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình do BHXH tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh vừa tổ chức vào chiều ngày 20/3/2022.

Dù chỉ diễn ra trong gần 1 tiếng đồng hồ, nhưng Chương trình đã thu hút 16 câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề này. Điều này cho thấy, chính sách này đã và đang tạo được sức hút mạnh mẽ với người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trà - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng cho biết, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện, nhất là quy định về mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP). Vì vậy, BHXH tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh quyết định tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp trên sóng truyền hình, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.

Chia sẻ tại buổi đối thoại, Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Chế độ BHXH cho biết, theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật. Về mức đóng, theo Luật BHXH, mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng)

Cũng theo Bà Hằng, người dân có thể linh hoạt lựa chọn một trong các phương thức đóng như: Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu và chế độ tử tuất, không được hưởng chế độ thai sản.

Tham gia buổi đối thoại, có rất nhiều câu hỏi liên tục được người dân đặt ra như về cách thức tham gia, mức đóng BHXH tự nguyện, trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện không may mất thì có được chế độ gì không, quy đổi lương hưu khi đã nghỉ việc và có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ cho hộ cận nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện…. và đã được 02 khách mời trả lời thỏa đáng.

Trong năm 2021, tỉnh Đắk Lắk có trên 18.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp so với tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để tăng số người tham gia, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục chủ động tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, lãnh đạo phát triển người tham gia một cách bền vững; đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào chỉ tiêu kinh tế-xã hội tại địa phương; tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương, tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn sớm được tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng tập trung đổi mới, đa dạng hóa công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền đối thoại trực tiếp vào các nhóm đối tượng tiềm năng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc./.

Phạm Loan