Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Tạo hành lang pháp lý nâng cao chất lượng dịch vụ KCB

26/05/2022 09:57 PM


Thảo luận tại tổ chiều 26/5, nhiều ĐBQH cho rằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho người dân.

Nâng cao chăm sóc sức khỏe người dân

Góp ý Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc sửa luật là cần thiết bởi luật liên quan rất lớn đến vấn đề sức khoẻ của người dân. Đặc biệt là việc bảo vệ, chăm lo sức khoẻ trẻ em. Tuy nhiên, trong luật chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành Y tế trong KCB đối với trẻ em. Thống kê hiện nay, trẻ em Việt Nam chiếm gần 1/3 dân số cả nước do đó cần chăm lo sức khoẻ cho trẻ em hôm nay vì tương lai của đất nước.

Chủ tịch nước cho rằng, Luật Khám chữa bệnh đã ban hành từ năm 2009 và đến nay rất lạc hậu, không bắt kịp với thực tiễn và nhu cầu đời sống của người dân. Vì vậy, cần phải bổ sung một số điều liên quan tới quyền trẻ em. Lần sửa đổi, bổ sung này cần đồng bộ, cụ thể hoá quyền được chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Theo đó, đối tượng trẻ em cần được mở rộng nghĩa là người dưới 16 tuổi theo Luật Trẻ em 2016, thay vì quy định dưới 6 tuổi. Trẻ em ngoài việc được ưu tiên khám, xét nghiệm, điều trị trước, còn được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như bị tàn tật, mồ côi, người dân tộc thiểu số, trẻ em bị một số bệnh hiểm nghèo cần được quan tâm đặc biệt.

ĐB Trần Thị Nhị Hà- Hà Nội cho biết, hệ thống y tế chưa bao giờ phải chịu áp lực và khối lượng công việc lớn như 3 năm qua. Dịch Covid-19 đã chỉ ra không ít những bất cập, hạn chế, đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho người dân.

Góp ý về một số nội dung cụ thể, ĐB Hà cho biết, về hệ thống cơ sở KCB, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng chia thành 3 cấp (KCB ban đầu; KCB cơ bản; KCB chuyên sâu) là phù hợp. Tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp bởi đây là cấp thực hiện KCB ban đầu cho người dân. “Mặc dù chúng ta phân thành 3 cấp chuyên môn nhưng người bệnh không lựa chọn cấp cơ sở, chọn tuyến tỉnh, Trung ương vì được thông tuyến BHYT. Điều này tạo ra tình trạng quá tải ở Trung ương, còn địa phương thì vắng. Vì thế, việc sửa đổi cần hướng đến việc giảm quá tải tuyến trên trong khi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại chưa được quan tâm. Cùng với đó, cần chú trọng thực hiện mã định danh của cá nhân để thuận tiện trong theo dõi quá trình KCB của người dân từ khi sinh ra đến khi chết đi, giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, phân tuyến tốt hơn”- ĐB Hà nêu.

Về sử dụng ngôn ngữ trong KCB của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, cần quy định rõ ràng và cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các bác sĩ nước ngoài có trình độ chuyên môn cao làm việc tại Việt Nam. Bởi trên thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài KCB, trong khi nhiều bác sĩ giỏi nước ngoài sang Việt Nam làm việc thì chúng ta lại không sử dụng thì rất lãng phí. Vì thế, việc xác định trách nhiệm pháp lý của phiên dịch, nâng cao chất lượng đội ngũ này, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra là hết sức cần thiết.

Còn nhiều băn khoăn

Góp ý dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Thanh Phương- Cần Thơ cho biết, trong những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển rất mạnh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 52.000 cơ sở KCB. Trong đó có 306 bệnh viện và 37.350 phòng khám tư nhân, chiếm 72,4%- con số này chứng tỏ hệ thống cơ sở y tế tư nhân phát triển rất mạnh. Vì vậy, khi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần đặc biệt quan tâm đến phát triển hệ thống y tế tư nhân, để y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng y khoa quốc gia. Tuy nhiên, chỉ giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KCB, còn giao các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế thực hiện việc cấp phép hành nghề. “Rõ ràng, Hội đồng Y khoa Quốc gia làm về công tác chất lượng, giờ yêu cầu cấp Giấy phép hành nghề thì không hợp lý. Trong khi việc thu hồi Giấy phép hành nghề lại được quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật, tức là giao cho đơn vị chuyên môn như Bộ Y tế, Sở Y tế thu hồi. Đơn vị nào cấp thì đơn vị đó có thẩm quyền thu hồi chứ không có chuyện một đơn vị cấp, một đơn vị khác lại thu hồi”- ĐB Phương nói.

Dưới góc độ khác, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung- Thái Bình cho rằng, trong sửa đổi Luật Khám chữa bệnh thì vấn đề quan tâm đang xin ý kiến là cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan soạn thảo có đề nghị ngừng cấp chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2025 đối với đối tượng y sĩ, chỉ để y sĩ trong lực lượng vũ trang. Do đó, cần tính toán lại vì đối tượng y sĩ này đang công tác ở tuyến y tế cơ sở là chính, qua đại dịch Covid-19 vừa rồi chúng ta thấy y tế cơ sở đang yếu cả về số lượng và chất lượng, những người y sĩ là những người hoạt động tích cực ở tuyến này. Không những như thế, các cơ quan, xí nghiệp, trường học cũng đang thiếu nhân lực y tế và đối tượng y sĩ phù hợp với các đơn vị này. ĐB Dung cũng nhận định, y sĩ được đào tạo 2- 3 năm như trước thì không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhu cầu KCB của nhân dân cũng như thực tế. Vấn đề ở đây đặt ra không phải là ngừng cấp chứng chỉ hành nghề với đối tượng này, đồng nghĩa bỏ mã chức danh này. “Chúng ta phải xem xét nâng cao trình độ đào tạo đối với chức danh y sĩ để họ đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Đây là lực lượng cần thiết cho y tế cơ sở khi chúng ta không đảm bảo bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở hiện nay”- ĐB Dung kiến nghị.

Tạp chí BHXH