Việt Nam xây dựng nhiều giải pháp để chuyển đổi số toàn diện
09/06/2022 10:50 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu rất rõ ràng, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, DN và toàn dân không ngừng được nâng cao.
Theo số liệu của Bộ TT-TT, đến thời điểm hiện tại các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai Chính phủ số. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 23 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 4,5 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 3,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. Tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3% (chiếm 52,33% tổng số TTHC); tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ là 17,17%, tương đương quý 1/2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 24,75%, tăng 8,82% so với Quý 1/2021.
Cổng DVC quốc gia đã tích hợp với 3.552 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân, DN truy cập thuận tiện (một cửa) đến DVC trực tuyến của cơ quan nhà nước các cấp.
Trong Quý I/2022, Cổng DVC quốc gia đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Trong quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.
Mới đây, tại Lễ Công bố Chương trình hợp tác hỗ trợ kỹ thuật trong hiện đại hóa hành chính gắn kết với chuyển đổi số giai đoạn 2022-2023 giữa VPCP và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn cho biết, VPCP cùng các Bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai quyết liệt Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
“VPCP cũng đang đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC và đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng các bộ công cụ phục vụ cải cách quy định, đánh giá chỉ số phục vụ người dân, DN và phát triển Cổng DVC quốc gia, các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực”- Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay.
Nhận định về xu thế chuyển đổi số, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nhấn mạnh, những công cụ và giải pháp chuyển đổi số hiện nay đang phát triển rất nhanh trên thế giới và đã tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất, kinh doanh. Điều này khiến nhiều quốc gia có quan điểm mới, tầm nhìn mới trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách công. Các cơ quan Nhà nước nhờ chuyển đổi số cũng phối hợp dễ dàng hơn, các dịch công được đưa vào phục vụ đã tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Đại sứ Nicolas Warnery nêu ý kiến, Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh chương trình, đề án chuyển đổi số với các mục tiêu lớn trong phát triển, trong đó có mục tiêu hoàn thiện Chính phủ số đến năm 2025, tạo thuận lợi cho phát triển hệ sinh thái DN số tại Việt Nam, phấn đấu nằm trong 30 nước trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc về Chính phủ số. Theo Đại sứ Cộng hoà Pháp, đây là mục tiêu lớn Việt Nam đặt ra và để đạt mục tiêu này Việt Nam đang phối hợp với nhiều nước để phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số…
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc