BHXH tỉnh Đắk Lắk: hướng dẫn mức đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 01/7/2022
24/06/2022 10:46 PM
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Công văn 1106/BHXH-QLT gửi đến đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kể từ ngày 01/7/2022.
1. Mức lương tối thiểu tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ
1.1. Đối tượng áp dụng
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:
+ Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
+ Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.
1.2. Mức lương tối thiểu tháng
Vùng I: tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng;
Vùng II: tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng;
Vùng III: tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng;
Vùng IV: tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
(Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP).
Tại tỉnh Đắk Lắk áp dụng:
- Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (vùng III);
- Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các đơn vị hoạt động trên các địa bàn còn lại (vùng IV).
1.3. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó;
- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó;
- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất;
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới;
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất;
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ, BNN
Chính sách giảm mức đóng quỹ BHTNLĐ, BNN bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 12 tháng, từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Do đó, kể từ 01/7/2022, đơn vị sử dụng lao động thực hiện đóng quỹ BHTNLĐ, BNN mức đóng bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ BHTNLĐ, BNN.
3. Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động
- Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ;
- Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Tại khoản 4 Điều 4 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: “Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự”./.
Phạm Loan
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc