BHXH Việt Nam: Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm 2022
31/08/2022 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 30/8, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành tháng 9/2022 dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh. Hội nghị có sự tham gia của Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc; lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và 726 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố, quận, huyện trên toàn quốc...
Khởi sắc trong mở rộng bao phủ BHXH, BHYT
Báo cáo tổng hợp của BHXH Việt Nam cho thấy, kết quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong 8 tháng năm 2022 đang cho thấy những tín hiệu lạc quan. Ước đến hết tháng 8/2022, toàn quốc đã có trên 17,16 triệu người tham gia BHXH (đạt 34,67% LLLĐ), đạt 89,47% kế hoạch của Ngành năm 2022- tăng trên 2,36 triệu người so với cùng kỳ năm 2021 (tương ứng tăng 15,96%). Số người tham gia BH thất nghiệp đã đạt gần 13,95 triệu người (đạt 28,18% LLLĐ), đạt 91,77% kế hoạch- tăng trên 2,04 triệu người so với cùng kỳ năm trước (tăng 17,14%). Số người tham gia BHYT trên toàn quốc đạt trên 86,94 triệu người (bao phủ 87,86% dân số), đạt 94,76% kế hoạch năm- tăng trên 1,73 triệu người so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 2,03%). Tuy nhiên, số lượng này vẫn giảm trên 1,88 triệu người so với thời điểm cuối năm 2021 (giảm 2,13%). Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Ngành cũng đã đạt 63,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, số thu BHXH đạt 66,02%; BHYT đạt 61,29%. BH thất nghiệp đạt 39,14% ...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: Với nhiệm vụ trọng tâm là mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, trong tháng 8/2022, toàn Ngành đã triển khai nhiều hoạt động tháo gỡ các khó khăn tại từng địa phương. BHXH Việt Nam đã thành lập các Đoàn công tác của BHXH Việt Nam do Lãnh đạo Ngành chủ trì, làm việc để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác khám, chữa bệnh BHYT tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Giám đốc yêu cầu, trong thời gian còn lại của năm 2022, BHXH các địa phương cần quyết tâm triển khai nước rút, dồn toàn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Bên cạnh đó, cần phân tích cụ thể, nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững. Trong công tác thu, BHXH địa phương cần nhận diện rõ 3 chỉ tiêu tổng thể song hành nhau là chặn nợ, thu nợ và tổng nợ của địa phương phải giảm.
Đánh giá công tác phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ nhận định: Tháng 8 đã ghi nhận nỗ lực hiệu quả của BHXH các địa phương, kết quả thực hiện nhiệm vụ này có nhiều khởi sắc. Ước tính toàn ngành BHXH Việt Nam đã phát triển thêm 103.000 người tham gia BHXH bắt buộc; 360.000 người tham gia BHYT và gần 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều giải pháp thu hút sự ủng hộ của chính quyền địa phương được BHXH các địa phương triển khai. Nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo trích ngân sách địa phương hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, nông dân- ngư dân- diêm nghiệp thu nhập thấp tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ cũng chỉ rõ, để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022, cần nỗ lực hơn nữa. Đề nghị BHXH các địa phương bám sát các chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Tăng cường các giải pháp tăng số người tham gia BHXH bắt buộc bởi "so với tiềm năng thì số phát triển hiện na vẫn chưa khai thác hết hiệu quả”. Bên cạnh đó khẩn trương kiện toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ thu theo hướng dẫn mới của BHXH Việt Nam. Đặc biệt, BHXH các địa phương cần lưu ý chủ động tham mưu chính quyền địa phương có chỉ đạo trực tiếp về thực hiện các chính sách này, bởi đây là điều kiện quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT...
Đảm bảo quyền ASXH cho mọi người dân
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT đã được toàn Ngành triển khai hiệu quả. Trong 8 tháng năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã chi trên 173.549 tỷ đồng cho người hưởng chính sách BHXH, tăng 18.150 so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 11,68%); chi BH thất nghiệp trên 11.144 tỷ đồng, tăng 498 so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,68%). Thống kê cũng cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc đã có trên 91,19 triệu lượt người KCB BHYT với số chi từ quỹ KCB BHYT là 65.344 tỷ đồng. Mặc dù số lượt KCB BHYT giảm 139.834 lượt người so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số chi lại tăng 4.612 tỷ đồng...
Nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị riêng về nội dung này với sự tham dự Bộ Y tế, sở y tế và một số bệnh viện, cơ sở KCB. Bên cạnh đó, thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam chủ trì làm việc với 8 Cụm BHXH các địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc trong KCB và thanh toán chi phí KCB thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đã từng bước được giải quyết, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT. Đồng thời, quán triệt, chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ sở KCB tiếp tục rà soát các chi phí KCB BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021 để xử lý dứt điểm; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ.
Thực hiện Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 (tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid từ quỹ BH thất nghiệp), toàn Ngành đã phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, chú trọng thông tin, tuyên truyền để NLĐ, NSDLĐ; đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của BHXH các địa phương để số tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp đến đúng- đủ- kịp thời tới NLĐ. Tính đến 28/8/2022, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện chi trả 967 tỷ đồng cho khoảng 348.000 NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 24.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH, ngành BHXH Việt Nam đang cập nhật bổ sung số định danh cá nhân/CCCD của người tham gia BHXH, BHYT trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý và cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng Vss-ID. Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ từ 90%-100% người tham gia BHXH, BHYT được cập nhật số ĐDCN/CCCD trong cơ sở dữ liệu do BHXH quản lý và sẽ có khoảng 35 triệu người được phê duyệt, sử dụng ứng dụng Vss-ID, trong đó bao phủ ứng dụng Vss-ID tới 100% nhóm người cùng tham gia tại các đơn vị sử dụng lao động…
Tập trung “chạy nước rút” trong 4 tháng cuối năm
Tại Hội nghị, BHXH các địa phương cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Nguyễn Đức Hòa- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết: Để tăng số người tham gia BHXH, BHYT, địa phương này đang rà soát lại các nhóm tiềm năng (HSSV, hộ gia đình...) phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở GD-ĐT, LĐ-TB&XH... Từ sự tham mưu của cơ quan BHXH, quận Long Biên là địa phương đầu tiên trên địa bàn Hà Nội hỗ trợ tối đa mức đóng BHXH tự nguyện cho người nghèo, cận nghèo. Từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và hỗ trợ theo cơ chế đặc thù của TP.Hà Nội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ toàn bộ phần người dân phải đóng thêm theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Hiện nay, người dân thuộc địa bàn Hà Nội khi tham gia BHXH tự nguyện, ngoài mức hỗ trợ chung từ ngân sách Trung ương, ngân sách Thủ đô hỗ trợ thêm 30% mức đóng với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo (tổng hỗ trợ 60%); thêm 25% với người tham gia BHXH tự nguyện với người thuộc diện hộ cận nghèo (tổng hỗ trợ 50%); thêm 10% với những người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng còn lại (tổng hỗ trợ 20%).
Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM chia sẻ, BHXH Thành phố tích cực phối hợp các Sở, ngành, địa phương vận động được một số đơn vị kinh tế mua sổ BHXH tự nguyện cho hơn 2.000 thân nhân của NLĐ của đơn vị. Mô hình này đang được tích cực triển khai và nhân rộng. Số BHXH tự nguyện trên địa bàn đang đi vào quỹ đạo “tăng bền vững”, BHXH TP.HCM đang chú trọng mở rộng các tổ chức dịch vụ thu để nâng cao hiệu quả công tác này...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ rõ: Những khởi sắc trong kết quả thực hiện nhệm vụ tháng 8/2022 có yếu tố quan trọng nhất là sự quyết liệt của từng cá nhân, lãnh đạo BHXH các đơn vị, địa phương trên toàn quốc. Duy trì được đà tăng trưởng này, ngành BHXH sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định phải đối diện với nhiều khó khăn tiềm ẩn từ diễn biến khó lường của bức tranh kinh tế- xã hội trong 4 tháng cuối năm...
Theo Tổng Giám đốc, ngành BHXH Việt Nam thực hiện các chính sách an sinh, nên quá trình triển khai sẽ có nhiều vướng mắc phát sinh không thuộc thẩm quyền của Ngành. Do đó, các đơn vị phải xác định vai trò quan trọng của công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cùng chính quyền các địa phương. Cụ thể, cần chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho phù hợp với thực tiễn. BHXH các địa phương cần sớm tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp xã trên địa bàn, nhằm huy động cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc.
Toàn ngành cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; chú trọng thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị...
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu BHXHVN 2021 TIENG ANH
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc