Phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam

20/09/2022 06:22 PM


Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam- phiên bản 2.0. Theo đó, thực hiện xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Ngành- phiên bản 2.0 trên cơ sở cập nhật, bổ sung, phát triển từ phiên bản 1.0.

Theo đó, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam- phiên bản 2.0 được xây dựng, nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại BHXH Việt Nam và làm cơ sở tham chiếu cho Kiến trúc CNTT của BHXH các địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Ngành, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp DVC tốt hơn cho người dân và DN, hướng tới BHXH số, Chính phủ số và nền kinh tế số.

Mục đích cụ thể trong việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam là nhằm xác định Quy hoạch tổng thể ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam, trong đó có các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần, gắn liền ứng dụng CNTT với các hoạt động nghiệp vụ. Định hướng và triển khai tin học hóa quy trình nghiệp vụ trong BHXH Việt Nam một cách có hệ thống và thực thi chương trình cải cách TTHC, nghiệp vụ hành chính theo hướng công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Theo Quyết định số 1038/QĐ-BHXH, ngành BHXH Việt Nam cần đạt các mục tiêu sau: Triển khai thành công CSDL quốc gia về bảo hiểm, đáp ứng nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu. 100% DVC trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% người dân, DN sử dụng DVC trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại tại CSDL quốc gia và CSDL chuyên ngành...

Cùng với đó, định hình mô hình kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tái cấu trúc cơ sở hạ tầng thông tin. Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế.

Đây cũng là cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử tại BHXH Việt Nam. Đồng thời, qua đó làm căn cứ đề xuất và triển khai các nhiệm vụ, dự án về ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam. Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của các cơ quan, đơn vị.

Việc hình thành và triển khai áp dụng hiệu quả, chặt chẽ, đồng bộ Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam- phiên bản 2.0 sẽ giúp đạt được các mục tiêu như: Tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong nội bộ Ngành cũng như giữa BHXH Việt Nam với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của BHXH Việt Nam, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và DN, coi người dân và DN là trung tâm.

Bên cạnh đó, tăng cường khả năng giám sát, đánh giá việc đầu tư CNTT; hướng tới triển khai Chính phủ điện tử của BHXH Việt Nam đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp. Tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử.

Đồng thời, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam- phiên bản 2.0 còn là căn cứ để định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2020-2025, hướng tới một hệ thống quản lý số toàn diện, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của BHXH Việt Nam.

Ngoài ra, Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam- phiên bản 2.0 cũng định hướng về mặt nguyên tắc, thiết kế và các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư về CNTT của Ngành, hoàn chỉnh hạ tầng CNTT và truyền thông, ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tăng năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, tiếp tục đơn giản hóa TTHC và nâng cao sự tiện lợi cho DN và người dân...

Việc phát triển Chính phủ điện tử BHXH Việt Nam nhằm từng bước chuyển đổi dần sang Chính phủ số; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số để phát triển, hình thành “Hệ sinh thái số 4.0 ngành BHXH” của BHXH Việt Nam. Theo đó, lấy người dân và DN làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và DN vào hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm bớt TTHC. Phát triển, hoàn thiện hệ thống DVC trực tuyến; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng DVC...

Tạp chí BHXH