Đắk Lắk: Bàn giải pháp tăng tốc phát triển người tham gia BHXH, BHYT

17/10/2022 10:50 PM


Ngày 17/10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Bà H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; Văn phòng UBND tỉnh; Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các huyện, thị xã, thành phố…

Thay mặt Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh, ông Nguyễn Khắc Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo về kết quả, tình thực hiện chính sách BHXH, BHYT 9 tháng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Đắk Lắk có 105.031 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 96,3% kế hoạch, tăng 5.246 người so với cùng kỳ năm trước, tăng 2.954 người so với cuối năm 2021. Về BHXH tự nguyện có 17.861 người tham gia, đạt 60% kế hoạch, tăng 2.310 người so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 185 người so với cuối năm 2021. Về BH thất nghiệp có 93.709 người tham gia, đạt 96,13% kế hoạch, tăng 5.651 người so với cùng kỳ năm trước, tăng 3.310 người so với cuối năm 2021. Về BHYT có 1.610.648 người tham gia, đạt 95,5% kế hoạch, đạt tỷ lệ bao phủ 84,37% dân số, tăng 106.936 người so với cùng kỳ năm trước, tăng 66.066 người so với cuối năm 2021...

Để có được những kết quả trên, theo ông Tuấn, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT năm 2022 cho từng địa phương và chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, tham mưu đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp các ngành liên quan thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT theo quy định.

Đáng chú ý, mới đây, BHXH tỉnh và Công an tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Cụ thể: Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức thanh tra đột xuất 3 đơn vị; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Thanh tra tỉnh thanh tra 4 đơn vị; phối hợp với LĐLĐ tỉnh thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch 16 đơn vị. Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 2 đợt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; qua đó phát triển được 3.098 người tham gia BHYT hộ gia đình và 716 người tham gia BHXH tự nguyện…

Toàn cảnh Hội nghị

Ông Nguyễn Khắc Tuấn cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn một số huyện, thị xã có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp so với bình quân chung như: Huyện Cư M’gar (69,92%), huyện Cư Kuin (79,52%), huyện Ea H’Leo (77,71%), TX.Buôn Hồ (83,93%), huyện Krông Pắk (85,04%), huyện Ea Kar (87,47%), huyện Krông Búk (87,22%). Vì vậy, cần phải có những giải pháp và sự nỗ lực trong những tháng còn lại của năm 2022.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, việc triển khai chính sách tại Đắk Lắk thời gian qua còn gặp một số khó khăn, trở ngại. Đơn cử: Đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế; hầu hết DN có quy mô nhỏ, phát triển chậm, chưa tạo được nhiều việc làm NLĐ, chưa có chính sách riêng biệt để thu hút lao động nên đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc rất ít. Cũng vì vậy, công tác phát triển người tham gia BHXH có tăng nhưng chậm và thiếu bền vững.

Đáng chú ý, tại Đắk Lắk, việc thay đổi chính sách đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Cụ thể, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn từ 700.000 đồng/tháng lên 1.500.000 đồng/tháng theo Nghị định số 07/2021/NQ-CP, đã gây khó khăn trong việc duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, dịch bệnh kéo dài, mức giá sinh hoạt tăng cao cũng ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa không thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT. Điều này dẫn đến toàn tỉnh giảm 274.506 thẻ BHYT (tỉnh đã rà soát, cấp lại được 124.902 thẻ BHYT theo các nhóm đối tượng khác, còn lại 149.604 người cần vận động tham gia BHYT hộ gia đình). Trong khi đó, chính quyền địa phương lại chưa có chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, mới chỉ hỗ trợ BHYT cho các nhóm nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình, hộ cận nghèo và HSSV…

Tại Hội nghị, ngoài đề xuất các giải pháp, ông Nguyễn Khắc Tuấn đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian hỗ trợ BHYT giai đoạn 2022-2025 cho 274.506 người DTTS ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg), để giúp người dân có cơ hội được thụ hưởng chính sách BHYT. Đồng thời, đề xuất Tỉnh ủy sớm ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh; xác định công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ngoài ra, đề xuất UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các cơ quan, đơn vị, DN; cân đối ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho một số nhóm đối tượng vừa thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tỉnh H’Yim Kđoh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà H’Yim Kđoh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thời cho rằng, việc này là do tác động của những nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau. Trong đó, riêng công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT dù có sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, song đến nay số người tham gia vẫn đạt thấp so với kế hoạch. Cũng theo bà H’Yim Kđoh, để đạt chỉ tiêu bao phủ, thì về BHYT, tỉnh phải đạt 1.686.617 người tham gia, còn về BHXH phải tăng mới khoảng 16.030 người tham gia...

"Tôi yêu cầu cần phải tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh; từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp để triển khai kế hoạch đạt kết quả. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc nhìn lại những việc đơn vị mình đã làm được, chưa làm được, với tinh thần trách nhiệm cao đóng góp ý kiến, xây dựng giải pháp phù hợp, khả thi nhằm đạt được chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần cùng hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao”- bà H’Yim Kđoh yêu cầu.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT, Huyện ủy Krông Búk, UBND TX.Buôn Hồ và UBND huyện Cư M’gar cũng đã có các bài tham luận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong 3 tháng cuối năm một cách có hiệu quả nhất./.

Phạm Loan