Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tính toán kỹ lưỡng khi sửa Luật Việc làm, Luật BHXH

08/01/2024 08:20 AM


Sáng 6/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng tiếp xúc cử tri chuyên đề là công nhân, viên chức, NLĐ trên địa bàn Thành phố.

Bảo đảm tốt hơn đời sống của công nhân lao động

Tại Hội nghị, cử tri đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng nói riêng, đặc biệt là các quyết sách của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay liên quan trực tiếp tới công nhân, NLĐ. Cử tri viên chức của TP đánh giá cao việc Quốc hội đã xem xét, sửa đổi nhiều luật có liên quan trực tiếp đến công nhân, viên chức, NLĐ như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...

Đặc biệt, việc sửa đổi Luật BHXH do tính chất rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến NLĐ cả nước. Theo cử tri Phạm Thị Thơ, lần sửa đổi này Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu, cụ thể hoá rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đó có công nhân lao động về các vấn đề rất quan trọng của dự thảo luật như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; về quyền khởi kiện của cơ quan BHXH khi người SDLĐ chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc; về điều kiện hưởng lương hưu; về vấn đề rút BHXH một lần...

Quan tâm đến vấn đề lương tối thiểu của công nhân lao động, cử tri Trần Thị Hằng- Công đoàn (LĐLĐ quận Dương Kinh) cho rằng, hiện nay mức thu nhập trung bình của NLĐ là 7 triệu đồng/tháng, nhưng phải chi rất nhiều khoản tối thiểu cho sinh hoạt gia đình. Chính vì vậy, việc xác định mức sống tối thiểu theo vùng làm căn cứ xác định tiền lương tối thiểu hiện nay rất thấp, chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ khái niệm mức sống tối thiểu của NLĐ theo vùng thực tế hiện nay để có cơ sở quy định mức lương tối thiểu hợp lý, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Trả lời câu hỏi của cử tri, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, từ ngày 1/7 này chúng ta cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Theo đó, sẽ có 5 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực doah nghiệp Nhà nước. Nhà nước không can thiệp vào việc ban hành thang bảng lương của các doanh nghiệp nữa nhưng Nhà nước có trách nhiệm để đảm bảo đưa ra mức lương tối thiểu: Tối thiểu theo tháng, theo tuần theo ngày, theo giờ, để làm căn cứ để giữa chủ SDLĐ với NLĐ hương thảo, thỏa thuận, làm sao không được thấp hơn mức lương tối thiểu này. Chúng tôi cũng sẽ tính toán sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6% trong năm 2024.

Trả lời ý kiến cử tri Đỗ Thanh Phượng, cán bộ công đoàn thuộc LĐLĐ quận Hồng Bàng về tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài và giải pháp khắc phục tình trạng này như thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Vấn đề trốn đóng BHXH được Quốc hội rất quan tâm và các cơ quan của Quốc hội cũng vậy. Trong Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 vừa rồi thì cũng có đề cập đến vấn đề này, Quốc hội sẽ tăng cường việc giám sát và cũng khuyến nghị Chính phủ có các giải pháp cũng như cố gắng để cơ quan cảnh sát điều tra và Tòa án để đưa vụ việc vi phạm về trốn đóng nợ đóng BHXH ra xét xử, để răn đe, cảnh tỉnh trong thời gian tới. Trong đấy có quyền khởi kiện của Công đoàn cũng như khởi kiện của cơ quan BHXH với tư cách là bị hại theo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán.

Sửa đổi Luật Việc làm, Luật BHXH phải tính rất kỹ lưỡng

Về các ý kiến cử tri nêu ra, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều vấn đề đã được Quốc hội xem xét, nghiên cứu, giải quyết trong các luật, nghị quyết được ban hành vừa qua. Hoàn toàn nhất trí với yêu cầu của cử tri về việc cần sớm có hướng dẫn, quy định chi tiết để thực thi hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội. Năm 2023, lần đầu tiên, Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về triển khai thi hành các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành để đốc thúc vấn đề tổ chức thực thi pháp luật. Tới đây, các cơ quan của Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ, một trong những sáng kiến rất quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực lao động, việc làm là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, từ từ từng năm, không làm xáo trộn thị trường lao động. Sáng kiến này được nhiều nước bạn bè trên thế giới đánh giá cao, bởi có những nước sau khi tăng tuổi nghỉ hưu đã tạo ra những bất ổn rất lớn trong xã hội và phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết.

Về tăng lương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây luôn là vấn đề rất khó nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan, vì tiền lương là thu nhập của NLĐ nhưng lại là chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh quan điểm xây dựng chính sách tiền lương hài hòa lợi ích của các bên liên quan để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ lao động, thị trường lao động. “Tiền lương tối thiểu là mức sàn Nhà nước đặt ra để yêu cầu doanh nghiệp không được trả cho NLĐ thấp hơn mức này. Còn thực tế, doanh nghiệp thoả thuận với NLĐ và đa phần là trả lương thực tế cao hơn tiền lương tối thiểu. Từ 1/7 năm nay, chính sách tiền lương sẽ được cải cách đồng bộ trong cả khu vực công và khu vực tư, hướng tới tiền lương khu vực công tiệm cận với tiền lương khu vực sản xuất”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong điều kiện quan hệ lao động rất phong phú và đa dạng như hiện nay thì việc sửa đổi Luật Việc làm tới đây và Luật BHXH đang được sửa đổi sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng. Quốc hội sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri, trong đó có nhiều ý kiến rất xác đáng đã được cử tri công chức, viên chức, NLĐ TP.Hải Phòng đưa ra.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao 200 suất quà tặng các đoàn viên Công đoàn, NLĐ có thành tích xuất sắc và đoàn viên Công đoàn, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.Hải Phòng.

Tạp chí BHXH