BHXH Việt Nam: Chủ động và nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

03/04/2024 10:50 PM


Chiều 3/4, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 4/2023. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam…

Khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết quý I/2024, số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 17,392 triệu người tham gia BHXH (tăng 1,6%), 14,243 triệu người tham gia BH thất nghiệp (tăng 1,67%) và 90,168 triệu người tham gia BHYT (tăng 0,28%). Bên cạnh đó, số thu cũng tăng 2,18% so với cùng kỳ năm 2023…

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Để đạt kết quả trên, toàn Ngành đã triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án, kịch bản điều hành cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan rà soát dữ liệu phát triển người tham gia. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã; ban hành chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình từ các nguồn lực của địa phương; kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, toàn Ngành cũng đối mặt nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Theo chia sẻ của BHXH những địa phương cố số lao động lớn (Bình Dương, Đồng Nai…), sự phục hồi chậm chạp của các DN khiến số lao động sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, kéo theo sự sụt giảm số người tham gia BHXH bắt buộc, và có dấu hiệu khởi sắc hơn từ tháng 3/2024. Đáng chú ý, rất nhiều giải pháp tăng số người tham gia BHXH, BHYT cũng đang được các địa phương triển khai, tập trung vào công tác truyền thông, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Phân tích rõ những khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết: “Mặc dù số người tham gia tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng so với thời điểm cuối năm 2023, hầu hết các địa phương vẫn trong tình trạng sụt giảm số người tham gia BHXH bắt buộc, chỉ riêng Hà Nội có chỉ số này gia tăng. Tình trạng cũng tương tự với số tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”.

Theo ông Hào, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay, đó là các BCĐ đã và đang được kiện toàn đến cấp xã, nhưng lại thiếu sự gắn kết, trong khi đây là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính trị này. Đồng thời, còn khuyết thiếu mối quan hệ giữa các BCĐ với hệ thống tổ chức dịch vụ thu, nên chưa tối ưu hóa được hiệu quả của cả hai hệ thống này. Bên cạnh đó, BHXH nhiều địa phương chưa thực hiện đúng hướng dẫn về rà soát dữ liệu thuế, chưa hoàn thành kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT…

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam

Nhấn mạnh quyết tâm tăng tốc trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ông Hào đề nghị BHXH các địa phương cần quan tâm đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở có giải pháp khắc phục các hạn chế nêu trên. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng các tổ chức dịch vụ thu; tập trung rà soát dữ liệu thuế; tăng cường kiểm soát rủi ro liên quan…

Chỉ đạo trực tiếp lĩnh vực này, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, qua nắm bắt thực tế hoạt động của các BCĐ cho thấy, vẫn đang thiếu kiểm tra, giám sát ở địa phương, cũng như thiếu sự hỗ trợ, tập huấn cho các BCĐ cấp xã trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân. Do đó, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu các bộ phận nghiệp vụ của BHXH địa phương cần hướng dẫn đến từng xã đảm bảo sát với thực tế; cũng như cần làm rõ trách nhiệm của từng thành viên BCĐ trong thực hiện nhiệm vụ.

Ưu tiên đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT

Giữa bối cảnh khó khăn trong 3 tháng đầu năm, ngành BHXH Việt Nam vẫn có điểm sáng, đó là đã giải quyết, chi trả các chế độ đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; qua đó góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của NLĐ. Toàn Ngành cũng kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết hưởng các chế độ; kịp thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng, gây thất thoát quỹ BHXH. Bên cạnh đó, số chi BHXH một lần, BH thất nghiệp và hỗ trợ học nghề giảm so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Lũy kế đến hết tháng 3/2024 có 308.120 người hưởng BHXH một lần (giảm 189 người); 154.114 người hưởng BH thất nghiệp (giảm 1.777 người).

Đại biểu tham dự tại các điểm cầu BHXH tỉnh, thành phố

Nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều chỉnh lương hưu thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu Trung tâm CNTT sẵn sàng, kịp thời điều chỉnh dữ liệu đảm bảo phù hợp với hiệu lực của thông tư. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ được giao và các đơn vị liên quan phải tích cực vào cuộc thực hiện hiệu quả.

Riêng với số lượt KCB và số chi KCB BHYT gia tăng so với cùng kỳ năm trước (tỷ lệ tăng lần lượt là 5,28% và 12,64%)- qua đó cho thấy sự quan ngại của ngành BHXH Việt Nam về khả năng bội chi quỹ và chi phí vượt dự toán được giao. Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT chỉ rõ: “Ngay trong tháng đầu năm 2024, số chi KCB BHYT đã tăng 12,6% so với cùng kỳ 2023, có 10 địa phương tăng cao từ 20% trở lên… trong khi mức dự toán được xây dựng chỉ tăng 10-12%...”.

Chỉ đạo lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương nâng cao hiệu quả công tác giám định. “Với tốc độ gia tăng chi phí KCB BHYT hơn 10.000 tỷ đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước, BHXH các địa phương phải thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát chi phí; đồng thời kiên quyết bảo vệ quyền lợi người tham gia, không để xảy ra trường hợp cơ sở y tế lạm thu…”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các Phó Tổng Giám đốc phụ trách. Đồng thời, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm; bám sát chỉ đạo của chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Cùng với đó, chủ động nắm bắt, đánh giá rõ vướng mắc trong tổ chức thực hiện để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

“Toàn Ngành cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận mọi thông tin về BHXH, BHYT. Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả CNTT, CSDL của Ngành để kiểm soát rủi ro; kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả. Phát huy tính chủ động của từng đơn vị; chú trọng đào tạo, tập huấn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ…”- Tổng Giám đốc lưu ý thêm.

Tạp chí BHXH