Ngành BHXH Việt Nam triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023

20/05/2024 08:20 PM


Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam vừa ban hành Chương trình hành động số 883-CTr/BCSĐ ngày 14/5/2024 thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Mục đích của Chương trình nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (gọi tắt là Nghị quyết số 42) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của Ngành BHXH Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành BHXH trong tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, thu- chi BH thất nghiệp.

Bên cạnh đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và kế hoạch hành động nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 42.

Đồng thời, đây là căn cứ để Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức đảng trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam và Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chương trình, kế hoạch công tác, kịp thời triển khai theo chức năng, nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 42 ngay tại từng tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân.

Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam yêu cầu các cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân tổ chức quán triệt Nghị quyết số 42 và Chương trình hành động này đến từng cán bộ, đảng viên, CCVC và NLĐ làm việc tại các đơn vị; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 42 đảm bảo thực chất, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ, hài hòa các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ trương của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, CCVC nhất là người đứng đầu gắn với phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.

Cán bộ, đảng viên, CCVC và NLĐ trong Ngành BHXH Việt Nam phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng về chủ trương, định hướng chính sách nêu tại Nghị quyết số 42 và Chương trình hành động này gắn với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm, từ đó tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững, phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Các mục tiêu cụ thể

Giai đoạn đến năm 2025

- Phấn đấu đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; 95% dân số tham gia BHYT, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 98%; mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT đạt mức 85%.

- Số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị trên 68%.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: (1)100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; (2)95% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật của nhà nước); (3)100% người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT có tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt ứng dụng VssID- BHXH số để theo dõi quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; (4)100% người dân tham gia BHYT được cấp căn cước công dân có thể sử dụng thay thế thẻ BHYT khi đi khám bệnh.

Giai đoạn đến năm 2030

-Phấn đấu đạt 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp; trên 97% dân số tham gia BHYT; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT đạt mức 90%.

- Số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hằng năm luôn tăng trưởng bền vững, trong đó tại khu vực đô thị đảm bảo đạt trên 75%.

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển hệ thống công nghệ thông tin của Ngành BHXH Việt Nam để đạt các yêu cầu trong tình hình mới, tích hợp, liên thông, liên kết, xử lý tập trung: (1)Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; (2)Kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành khác để triển khai dịch vụ công và tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị sử dụng lao động và triển khai kiểm tra, kiểm soát dựa trên dữ liệu lớn; (3)100% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tái cấu trúc và ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; (4)100% hồ sơ công việc của Ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Tầm nhìn đến năm 2045

Từ năm 2031 trở đi, phấn đấu hàng năm đảm bảo tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững lực lượng lao động tham gia BHXH, BH thất nghiệp, dân số tham gia BHYT, số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT và số người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt năm sau cao hơn năm trước.

Đề đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 8 nhóm giải pháp cụ thể:

(1) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;

(2) Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các chính sách, pháp luật khác có liên quan;

(3) Sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành BHXH;

(4) Rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định quản lý, quy trình nghiệp vụ thu-chi và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;

(5) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm;

(6) Xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;

(7) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp;

(8) Tham mưu, đề xuất các cấp ủy đảng, cơ quan có thẩm quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tạp chí BHXH