Năm 2021 đạt mục tiêu 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH

29/09/2020 02:53 PM


Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên số người tham gia BHXH năm 2020 sụt giảm. Do đó, các ngành, các cấp cần tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng độ bao phủ, để đến năm 2021 sẽ đạt mục tiêu 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực như: Giảm đơn hàng mới, giảm đơn hàng xuất khẩu, bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm, bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tình trạng thất nghiệp tăng (trong 8 tháng đầu năm 2020 có hơn 1 triệu lao động bị mất việc làm); thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đời sống của nhân dân...

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên; 17,6 triệu người giảm thu nhập; 72% lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng; 67,8% lao động khu vực công nghiệp và xây dựng; 25,1% lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Ngoài ra, hiện nay cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo. Với tác động của dịch Covid-19 đến lao động, việc làm và thu nhập, thì nguy cơ số hộ nghèo, cận nghèo sẽ gia tăng.

Có thể thấy, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng những tháng đầu năm 2020, các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn được đẩy mạnh. Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước đã có 15,443 triệu người tham gia BHXH (giảm 331.000 người so với cuối năm 2019); 12,876 triệu người tham gia BH thất nghiệp (giảm 345.000 người so với cuối năm 2019). Ước đến cuối năm 2020, có khoảng 32,7% số lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Tuy nhiên, các chính sách phát triển thị trường lao động thiếu đồng bộ, chưa thống nhất giữa các chính sách tăng trưởng kinh tế và việc làm; chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động. Bộ phận lao động không có giao kết hợp đồng chính thức trong thị trường lao động Việt Nam lớn, hầu như chưa tiếp cận tới các định chế kết nối cung-cầu lao động (khoảng 39,9 triệu lao động không có giao kết hợp đồng chính thức, bao gồm khoảng 19 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, phi nông nghiệp). Đối tượng tham gia BHXH 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; nhiều nơi tỷ lệ giải quyết BHXH một lần cao ảnh hưởng tới khả năng nhận lương hưu của NLĐ khi về già, tạo gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

Chính vì vậy, trong năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ “hậu Covid”; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội... Đặc biệt, cả nước phấn đấu đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 28% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp.

Đáng chú ý, gia tăng nhanh số lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, tập trung thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, các chế độ an sinh xã hội để kết nối và chia sẻ với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ, người SDLĐ và các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, triển khai đo lường chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH…

Báo Bảo hiểm xã hội