Nghị quyết số 28-NQ/TW - Mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an sinh xã hội

01/07/2021 07:55 PM


Sau 3 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH đã có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân. Điều đó góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống với diện bao phủ được mở rộng và tạo động lực tốt hơn trong việc chăm lo an sinh xã hội tới mỗi người dân, người lao động.

Những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại Nghị quyết số 28 không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Mục tiêu BHXH Việt Nam đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Từ Nghị quyết số 28-NQ/TW, chúng ta có thể khẳng định rằng, nền an sinh xã hội đất nước ta đang theo đuổi có mục tiêu rất rõ ràng là bao phủ các chế độ BHXH lên toàn bộ các thành viên trong xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về phía các địa phương, thực hiện sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, 100% BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 tại địa phương và kiến nghị để Hội đồng nhân dân các cấp đưa chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHXH, BHYT thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ở Đắk Lắk, các kết quả đạt được cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ người lao động tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện) so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 10,8%, cụ thể: Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 1,25% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 8,43%. Chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với số người tham gia BHYT chiếm 90,23% dân số toàn tỉnh, vượt 0,23% so với chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk năm 2020 (90%). Công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN được ngành BHXH thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo chặt chẽ về quy trình, thủ tục. Qua đó đã góp phần chấn chỉnh, khắc phục được phần lớn tình hình vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị. Đến cuối tháng 6/2021, toàn tỉnh có 116.596 người tham gia BHXH. Trong đó, 101.436 người tham gia BHXH bắt buộc, 15.160 người tham gia BHXH tự nguyện, 89.650 người tham gia BHTN. Tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 31%.

Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định: Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia (chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...); chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia…

Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, như: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm;

Tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản...)… nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện, để ngày càng có nhiều người dân tham gia và thụ hưởng chính sách, qua đó đảm bảo an sinh xã hội bền vững./.

Lê Xuân Khánh