Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số

10/12/2020 07:00 PM


Đúng 14 giờ 30 phút chiều nay (10-12), Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: VssID - Bảo hiểm xã hội số: Đơn giản, tiện ích và bảo mật cho người dùng.

 

 

Chương trình có sự tham gia của ba khách mời từ các cơ quan chủ quản, nhằm giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dùng, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) về ứng dụng VssID.

Các diễn giả gồm: ông Nguyễn Hoàng Phương (Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam); TS Trần Tùng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế); ông Lê Đình Quảng (Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Việt Nam).

Bạn đọc quan tâm về chủ đề này có thể đặt câu hỏi trực tiếp với các diễn giả qua email nhandandientutiengviet@gmail.com hoặc tại Fanpage của Báo Nhân Dân điện tử Tiếng Việt https://www.facebook.com/nhandandientutiengviet.

 14:35
 Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử phát biểu khai mạc buổi giao lưu

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trước hết, thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, tôi xin trân trọng cảm ơn các khách tham dự chương trình hôm nay.

Kính thưa quý vị

Ngày 23-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã ban hành riêng một Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Tại Lễ công bố "Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động", do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá "Ứng dụng này có lợi cho người dân, mà việc gì có lợi cho người dân thì nên làm, từ việc nhỏ nhất...”.

Việc đưa các tiện ích, thông tin đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiến tới tích hợp, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên thiết bị di động là bước đi phù hợp xu hướng chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, quốc gia số hiện nay.

Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của đất nước, việc ứng dụng VssID và các ứng dụng khác của ngành phát huy tối đa hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu BHXH Việt Nam cần phải duy trì hoạt động ổn định của ứng dụng VssID; nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tích hợp dịch vụ công, tiện ích thanh toán trực tuyến vào ứng dụng. Phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu triển khai đầy đủ thẻ BHYT trên ứng dụng vừa bảo đảm tiện ích, vừa phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

Để đưa ứng dụng VssID đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, Báo Nhân Dân phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến này, với mong muốn các vị khách mời cung cấp thêm thông tin, giúp bạn đọc hiểu rõ về ứng dụng Bảo hiểm xã hội số này sẽ đem đến những giá trị “Đơn giản, tiện ích và bảo mật” cho người dùng - người thụ hưởng. Từ đó, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Một lần nữa, thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, tôi xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay.

Xin chúc quý vị sức khỏe và chúc buổi giao lưu trực tuyến thành công tốt đẹp!

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

 14:38
 Bạn đọc Trương Anh Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi: Thưa ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, xin ông cho biết, ứng dụng VssID là gì? Ứng dụng này được phát triển như thế nào trong thời gian qua và hướng tới mục tiêu nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam:

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

VssID BHXH số là một sản phẩm trong hệ sinh thái về ứng dụng công nghệ thông tin của BHXH nhằm thiết lập các kênh thông tin giao tiếp và tạo điều kiện để những người sử dụng bảo hiểm xã hội có thể tiếp cận thông tin và thực hiện các dịch vụ công một cách đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng. Chúng tôi cũng hướng đến mục đích là sẽ từng bước thay thế sổ BHXH và thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) theo lộ trình sắp tới. Trước mắt, được sự đồng thuận của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm tại 10 tỉnh miền trung vừa chịu ảnh hưởng của thiên tai thời gian vừa qua. 

Mục tiêu lớn nhất của BHXH Việt Nam là thông qua tiện ích của công cụ này, chúng tôi sẽ thiết lập một kênh triển khai được các dịch vụ công của BHXH Việt Nam trên đó. BHXH Việt Nam đã triển khai được 19/27 thủ tục hành chính đối với đơn vị ở mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của ngành. Tuy nhiên, với dịch vụ công cho cá nhân, chúng tôi hiện vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Ứng dụng VssID - BHXH số này là một trong những nền tảng quan trọng để triển khai được các dịch vụ công thiết yếu đối với người dân khi giao tiếp với cơ quan BHXH. Đặc biệt là những dịch vụ công mang tính chất đòi hỏi mức độ xác thực và định danh cao như các dịch vụ công liên quan đến thanh toán và dịch vụ công đòi hỏi mức độ bảo mật thông tin cao đối với từng cá nhân.
 

 14:43
 Bạn đọc Trịnh Phương Dung (Thành phố Thanh Hóa) Hỏi TS Trần Tùng, Cục CNTT, Bộ Y tế: Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng VssID trong khám, chữa bệnh BHYT. Bộ Y tế có tham gia như thế nào với BHXH Việt Nam để xây dựng ứng dụng này? Theo ông, việc ứng dụng công nghệ thông tin như trên có góp phần minh bạch quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế của người dân như thế nào?

TS Trần Tùng, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế: 

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

Trong quá trình phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Bộ Y tế có vai trò là cơ quan xây dựng chính sách, còn BHXH là đơn vị triển khai. 

Về VssID, như anh Phương vừa trình bày, đây là một ứng dụng trên nền tảng thiết bị điện thoại thông minh cung cấp các tiện ích và thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. VssID còn cho phép người dân tra cứu một số thông tin như mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

Hơn nữa, VssID cho phép người dân thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (NLĐ) của người sử dụng lao động (NSDLĐ), góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp.

Ngoài ra, ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh cung cấp hình ảnh thẻ BHYT thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT. Khi người dân đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, người dân có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT hiển thị trên màn hình điện thoại thông minh đưa cho cơ sở khám, chữa bệnh để làm các thủ tục hưởng quyền lợi BHYT của mình, nếu có nhu cầu.

Theo định hướng VssID sẽ thay thế thẻ giấy BHYT - đã bộc lộ nhiều điểm bất tiện trong quá trình sử dụng như dễ hư hỏng, mã code dễ bị mờ...

 14:46
 Bạn đọc Bùi Mai Dung (Hà Đông, Hà Nội): Thưa ông Lê Đình Quảng, ông đánh giá như thế nào về những tính năng, tiện tích trên ứng dụng VssID với góc nhìn của người lao động? Theo ông, liệu người lao động liệu có gặp khó khăn gì khi đăng ký sử dụng ứng dụng này? 

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam:

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

Ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng di động VssID của BNXH Việt Nam nhằm thiết lập kênh giao tiếp tiếp cận thông tin cho người lao động và sử dụng dịch VssID. Người lao động khi sử dụng ứng dụng này sẽ có nhiều quyền lợi:

Đầu tiên, người dân được cung cấp thông tin như thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), quá trình tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp, thông tin các chế độ BHXH mà họ đang và sẽ được hưởng như chế độ bảo hiểm một lần, chế độ thai sản, tai nạn, bệnh nguy hiểm, lịch sử khám BHYT. 

Thêm nữa, họ được cung cấp dịch vụ tiện ích, tra cứu sổ BHXH, thông tin các cơ sở khám chữa bệnh, cấp giấy nghỉ, chế độ, thông tin cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng với cơ quan BHYT để sử dụng thẻ khám chữa bệnh BHYT. Họ nắm bắt được chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán.

Có thể nói, các dịch vụ VssID cung cấp là hết sức thiết thực và cần thiết, giúp người lao động nắm bắt tình hình thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, từ đó họ giám sát bảo vệ quyề lợi của mình cũng như thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN.

Đây là dịch vụ mới, nên khi nghiên cứu, chúng tôi thấy có vài khó khăn đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện: 

Thứ nhất, khó khăn về thiết bị. Để triển khai VssID, bắt buộc người lao động phải có điện thoại thông minh, mà không phải tất cả người lao động hiện nay đều sử dụng thiết bị này, nhất là lao động có độ tuổi nhất định. 

Thứ hai, khó khăn về thủ tục để đăng ký. Muốn sử dụng thủ tục đăng ký thì sau thủ tục khai, người sử dụng mở tài khoản dịch vụ. Mặc dù, các quy định này đã cố gắng đơn giản hóa nhưng vì nguyên tắc bảo mật nên phải có thủ tục sau khi khai báo xong, người lao động phải in bản đăng ký và đưa đến cơ quan BHXH mới đăng ký được. Quy trình thủ tục như vậy sẽ khó khăn với những người lao động trực tiếp trong nhà máy.  

Ngoài ra, trong quá trình triển khai, có thể có nhiều vấn đề phát sinh cần điều chỉnh. Đây là chính sách ban hành tốt nhưng sẽ có vướng mắc. Do đó, cần tiếp tục cần điều chỉnh để ứng dụng này đi vào cuộc sống một cách thuận lợi nhất. 
 

 14:51
 Bạn đọc Trần Thị Thắng (Tiên Lữ, Hưng Yên) hỏi: Điều kiện để sử dụng ứng dụng VssID là gì? Làm thế nào để có tài khoản đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID? Đến thời điểm này, đã có bao nhiêu lượt tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng? BHXH Việt Nam có kế hoạch gì để vận động người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng này? BHXH Việt Nam đặt mục tiêu về con số sử dụng VssID trong năm 2021 là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam:

Để sử dụng ứng dụng, yêu cầu thiết bị di động phải có hệ điều hành Android hoặc iOS. Đồng thời, để sử dụng các tính năng, tiện ích nâng cao như: Sử dụng thẻ BHYT, tra cứu quá trình tham gia hay lịch sử khám, chữa bệnh BHYT thì quý vị cần phải có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH.

 

Để đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, người dùng truy cập đường dẫn https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn và làm theo các bước sau:

Bước 1: Chọn hình thức đăng ký giao dịch dành cho “cá nhân”, nhấn “Tiếp tục” để hiển thị màn hình kê khai đăng ký.

Bước 2: Tại màn hình kê khai, bạn tải lên ảnh chân dung (3x4) và ảnh Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, điền đầy đủ và chính xác các thông tin đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử với cơ quan BHXH.

Bước 3: Hoàn thành việc kê khai thông tin đăng ký.

Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao phải bắt buộc nộp bản kê khai đó, hay xuất trình CMND tại quầy? Tôi xin chia sẻ, BHXH số đồng thời là tin khác liên quan đến nhạy cảm, dữ liệu cần bảo mật cao, gắn liền với người dân; vì vậy, cần có giấy tờ tùy thân của mỗi người để chứng minh định danh. Bên cạnh đó, khi người dân chấp nhận ký vào bản khai đồng nghĩa với việc cam kết thỏa thuận chúng ta cho phép hiển thị thông tin lên ứng dụng. Bởi chúng ta biết rằng, về luật định danh, hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Nhưng mọi thông tin riêng tư cá nhân đều được bảo mật tuyệt đối. 

Có thể nói, thêm một bước như vậy dù gây chút phiền hà với người đăng ký, nhưng sẽ tăng tính bảo mật cao cho dữ liệu thông tin của người dùng. Hiện nay, chúng tôi dự kiến triển khai nhiều giải pháp kế hoạch triển khai. Chúng tôi sẽ kết hợp Bưu điện, họ sẽ thay mặt chúng tôi đến tận nơi xác nhận thông tin bản khai, đối chiếu CMND và bên BHXH sẽ xác minh lại thông tin bên Bưu điện cung cấp để thực hiện xác nhận quy trình.

Trong đó, lưu ý các nội dung như hướng dẫn, điều kiện để cài đặt, đăng ký tài khoản và sử dụng ứng dụng; các tiện ích, tính năng cơ bản của ứng dụng và lợi ích của việc sử dụng VssID...; triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, linh hoạt, thiết thực với quyết tâm chính trị cao nhất để hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH và sử dụng VssID...

Hiện tại, theo thống kê của chúng tôi, có gần 120.000 lượt tải ứng dụng. 

Về kế hoạch vận động cài đặt, chúng tôi đang thực hiện bài bản, huy động yêu cầu phối hợp các cơ quan, sở, ban, ngành để triển khai có hiệu quả.

Mục tiêu, năm 2021, chúng tôi sẽ triển khai thẻ BHYT. Đăng ký thí điểm tại 10 tỉnh, thành phố. Sau đó sẽ triển khai rộng khắp cả nước.

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

 14:54
 Bạn đọc Vũ Lê Thanh (Hàm Yên, Hà Giang) hỏi: Thưa TS Trần Tùng, ông có thể chia sẻ những nét nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin năm 2020 của ngành y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khám, chữa bệnh BHYT?

TS Trần Tùng:

Xin được thông tin thêm với bạn đọc là việc triển khai ứng dụng CNTT phải cần một quá trình kéo dài. Bộ Y tế đã triển khai việc ứng dụng CNTT trong thời gian dài trước đây, đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả như sau:  

Về hạ tầng kỹ thuật: Bộ Y tế đã bước đầu xây dựng trung tâm dữ liệu y tế của Bộ, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung, bảo đảm hạ tầng cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu của Bộ Y tế, vừa qua bộ đã phối hợp với Bộ TT-TT và BHXH để tích hợp đồng bộ thông qua tích hợp dữ liệu quốc gia. Đây là điểm nhấn, thể hiện sự phối hợp giữa ba bên về đồng bộ chia sẻ dữ liệu, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về triển khai Chính phủ điện tử: Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước. 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.

Bộ Y tế đã khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào năm 2019. Đến 30-6-2020, đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Về ứng dụng CNTT trong ngành y tế: Ngành y tế đã tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo trong y tế, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy. Hàng năm, các bệnh viện đã đánh giá mức độ ứng dụng CNTT theo bảy mức quy định tại Thông tư 54/2017/TT-BYT, là cơ sở và mục tiêu để các bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Những cơ sở khám chữa bệnh thực hiện điều này được chi trả phí hình ảnh, in phim, người bệnh không cần phải mang phim về, vừa giúp giảm chi phí của người bệnh, bảo vệ môi trường.

Thứ hai, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99.5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Gần 13 nghìn cơ sở khám bệnh, gần 1.400 bệnh viện, hơn 11 nghìn trạm y tế xã kết nối, trong đó có nhiều trạm y tế xã vùng sâu vùng xa (khoảng 66 trạm) chưa triển khai được ứng dụng CNTT, kết nối để thanh toán BHYT.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch xây dựng Dự án y tế từ xa. Ngày 25-9-2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa Telehealth.

Thời gian qua, ngành y đã triển khai ứng dụng robot trong y tế. Ngành y tế hiện đang có bốn hệ thống robot nổi bật được ứng dụng trong y học hiện đại. Robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, rô-bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa.

Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ngành y tế đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ ung thư tại một số bệnh viện. Cụ thể là, Bệnh viện K năm 2017, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ năm 2018, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh năm 2018. Ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện.

Bộ Y tế cũng xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử. Ngành y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12-11-2019 ở tám tỉnh, đang triển khai và nếu được sẽ liên thông với VssID để người dân dễ dàng theo dõi.

Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Phú Thọ, Bình Dương….

Cùng với đó, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12-8-2020 của Bộ trưởng Y tế.

Bộ Y tế cũng tổ chức triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn quốc.

Bộ cũng đã phối hợp với các cơ quan để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam health declaration), Bluezone, An toàn Covid….

Ngoài ra, ngành y tế đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam, hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.

 14:59
 Bạn đọc Nguyễn Xuân Minh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: Vì sao tôi đã hoàn thành việc kê khai vào tờ khai đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH mà tôi chưa nhận được thông tin về tài khoản? 

Ông Nguyễn Hoàng Phương:

Sau khi kê khai xong tờ khai, người dùng cần phải in, ký và nộp tờ khai tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH (bạn đã chọn tại mục “Chọn cơ quan BHXH tiếp nhận” khi kê khai), khi nộp tờ khai bạn cần xuất trình CMND/Căn cước công dân/hộ chiếu để xác minh thông tin.

Với trường hợp hồ sơ hợp lệ, Hệ thống thực hiện cấp và kích hoạt tài khoản sử dụng phương thức giao dịch điện tử với cơ quan BHXH. Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam gửi thông báo chấp thuận kèm thông tin về tài khoản giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử vào địa chỉ thư điện tử (nếu có) và gửi tin nhắn tới số điện thoại đã được đăng ký sau khi nhận đủ hồ sơ đăng ký. Cá nhân sẽ có trách nhiệm đổi mật khẩu tài khoản đã được cấp lần đầu và thay đổi mật khẩu ít nhất sáu tháng một lần để bảo đảm an toàn, bảo mật.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam gửi thông báo về việc không chấp nhận đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử vào địa chỉ thư điện tử (nếu có) và gửi tin nhắn tới số điện thoại đã đăng ký sau khi nhận được hồ sơ, cá nhân căn cứ thông báo không chấp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử của cơ quan BHXH để hoàn chỉnh thông tin đăng ký hoặc liên hệ với cơ quan BHXH nơi gần nhất.

 15:02
 Bạn đọc Vũ Minh Anh (Vinh, Nghệ An) hỏi: Thưa ông Lê Đình Quảng, sử dụng ứng dụng VssID, người dùng còn có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động. Theo ông, người lao động cần quan tâm, chú ý điều gì để có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi cài đặt ứng dụng VssID? Liệu tăng cường sử dụng VssID có góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp?

Ông Lê Đình Quảng:

Hiện nay, chúng tôi có thể thấy rõ nhiều trường hợp người sử dụng lao động, doanh nghiệp có tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, người lao động thường hay không biết về tình trạng này. Chỉ khi phát sinh vấn đề, người lao động mới biết.

Mặc dù pháp luật, Luật Bảo hiểm xã hội quy định rất rõ. Điều 18 quy định, 6 tháng định kỳ, người lao động phải cung cấp thông tin về BHXH của mình, định kỳ hằng năm người sử dụng lao động phải báo cáo về tình hình BHXH ở doanh nghiệp mình.

Nhưng trong thực tiễn, người lao động và người sử dụng sử dụng lao động đều không thực hiện. Từ đó, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. 

Bằng việc sử dụng VssID, người lao động có thể trực tiếp quản lý thông tin BHXH của mình, đã được đóng hay chưa, biết được tình trạng người sử dụng lao động có minh bạch, thực hiện chính sách BHXH đầy đủ không. Tất cả thông tin cần thiết về BH sẽ có trên VssID. 

Ngoài ra, người lao động cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng doanh nghiệp của mình, quyền lợi của mình. Nếu phát hiện doanh nghiệp cố tình trốn hay nợ đóng BH, người lao động có thể có biện pháp đấu tranh trực tiếp, phản ánh với công đoàn, hoặc báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ kịp thời. 

Qua đó, tổ chức công đoàn phải vào cuộc và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Tôi cho rằng, VssID là một phần quan trong trong việc nắm bắt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, từ đó bảo đảm quyền lợi người lao động. 

Giao lưu trực tuyến về VssID - Bảo hiểm xã hội số -0 

 15:07
 Bạn đọc Vũ Hồng Hà (Quế Võ, Bắc Ninh) hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: Khi tham gia BHXH, việc cài đặt VssID có phải là bắt buộc không? Nếu có VssID thì còn phải dùng sổ BHXH giấy nữa hay không? Tôi có thể biết thông tin về mã số BHXH của mình ở đâu?

Ông Nguyễn Hoàng Phương:

Hiện nay, việc cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID chưa bắt buộc đối với người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, nếu là người đang tham gia hay thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, chúng tôi khuyến khích bạn nên cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Ứng dụng này giúp chúng ta ngăn ngừa việc trốn đóng BHXH, mặt khác cũng giúp cho chính ngành BHXH hoàn thiện cơ sở dữ liệu vì cũng có thể vẫn có những sai sót, khi chúng ta kiểm tra lại thông tin của chính mình và phản hồi lại với cơ quan BHXH, giúp minh bạch hóa thông tin. Đồng thời qua đây người dân cũng có thể kiểm tra lại các hoạt động của ngành BHXH xem đã chuẩn chưa, còn những điểm nào chưa hợp lý về dữ liệu không. 

Quy định hiện hành về sử dụng sổ BHXH bằng giấy hiện nay vẫn còn. Trong lộ trình sắp tới chúng tôi cũng hướng tới việc sử dụng ứng dụng này để thay thế cho thẻ và sổ BHXH. Mục tiêu mà Luật BHXH và Luật BHYT có đặt ra là sử dụng thẻ BHYT và thẻ BHXH điện tử thay cho thẻ giấy, thì đây chính là hình thức đó.

Ứng dụng VssID cung cấp cho bạn các thông tin về: Thẻ Bảo hiểm y tế, Quá trình tham gia BHXH, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT; Thông tin hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (một lần, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); Lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tra cứu mã số BHXH... và nhiều tiện ích khác. 

Còn để biết được mã số thông tin của mình có nhiều cách, nhanh nhất là nhìn dãy số trên thẻ BHYT. 10 ký tự cuối trong dãy 15 ký tự là mã thẻ. Còn sắp tới thẻ BHYT triển khai từ năm 2021 sẽ có 10 ký tự, tất cả các loại thẻ, sổ chỉ sử dụng duy nhất một mã số BHXH.

Có thể nhìn số BHXH trên mã thẻ BHYT, và có thể tra cứu thông tin trên cổng thông tin của BHXH Việt Nam. 

Cách cuối cùng, có thể gọi điện đến tổng đài 1900 9068 sẽ có tổng đài viên hỗ trợ tra cứu mã số.

 15:10
 Bạn đọc Vương Phương Ly (Thủy Nguyên, Hải Phòng) hỏi: Thưa ông Nguyễn Hoàng Phương, tôi rất quan tâm đến vấn đề bảo mật của ứng dụng VssID. Tôi có thể có nhiều tài khoản đăng nhập để sử dụng ứng dụng VssID không? Tôi có thể cùng lúc sử dụng một tài khoản để đăng nhập vào ứng dụng VssID ở từ hai thiết bị trở lên không?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: 

Ứng dụng VssID sử dụng tài khoản (tên) đăng nhập là mã số Bảo hiểm xã hội. Mỗi cá nhân chỉ có một mã số Bảo hiểm xã hội duy nhất. Vì vậy, bạn chỉ có một tài khoản (tên) đăng nhập duy nhất ứng với mã số Bảo hiểm xã hội của mình để sử dụng ứng dụng.

Ứng dụng VssID chỉ cho phép đăng nhập một tài khoản trên một thiết bị ở cùng một thời điểm.

Khi đăng nhập tài khoản vào thiết bị thứ hai, ứng dụng sẽ có cảnh báo, nếu người dùng lựa chọn tiếp tục đăng nhập ở thiết bị thứ hai, ứng dụng sẽ yêu cầu nhập mã OTP được gửi đến số điện thoại của người dùng đã đăng ký trước đó.

Đồng thời tài khoản này sẽ bị thoát khỏi ứng dụng trên thiết bị thứ nhất để tránh việc sử dựng một BHYT cùng lúc tại nhiều địa điểm khác nhau.

 15:15
 Bạn đọc Bùi Minh Nguyệt (Xuân Trường, Nam Định) hỏi: Thời gian quan, người dân tại 10 tỉnh miền trung và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bão, lũ đã được thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trong ứng dụng VssID thay thế thẻ giấy để khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, khi họ có nhu cầu? Vậy sự phối hợp của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam trong hoạt động này như thế nào? Đã có được kết quả ban đầu ra sao?

TS Trần Tùng:

Như ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ, ứng dụng VssID cung cấp nhiều tiện lợi cho người dân tra cứu tình trạng BHYT, BHXH của mình.

Thời gian qua, tình trạng bão lũ tại các tỉnh miền trung - Tây Nguyên đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân khu vực miền trung.

Để kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại 10 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão, lũ, BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp Bộ Y tế triển khai thực hiện thí điểm việc người dân tại 10 địa phương trên sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trong ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh, thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế.

Giải pháp này có ý nghĩa thiết thực với người dân vùng lũ, trong bối cảnh đa phần thẻ BHYT bằng giấy của người dân có thể bị lũ cuốn trôi hoặc bị mất, hỏng, thất lạc.

Người dân có thể tải ứng dụng VssID và cài đặt trên điện thoại thông minh. Ứng dụng VssID sẽ cung cấp hình ảnh thẻ BHYT thay thế thẻ BHYT giấy trên màn hình điện thoại, nếu họ có nhu cầu. Khi người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, người bệnh có thể đưa hình ảnh thẻ BHYT này cho cơ sở khám, chữa bệnh để làm các thủ tục hưởng quyền lợi BHYT của mình.

Bộ Y tế có văn bản gửi cơ sở khám chữa bệnh tại 10 tỉnh miền trung phối hợp với BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh triển khai thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên điện thoại thông minh trong khai báo BHYT khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

 15:18
 Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hải (Mê Linh, Hà Nội) hỏi: VssID có được bảo mật giống như các App ứng dụng của ngân hàng. Trong trường hợp tôi bị mất điện thoại đã cài VssID của mình, tôi cần xử lý như thế nào để không bị mất thông tin cá nhân? Nếu tôi nhập sai mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID, tài khoản của tôi có bị khóa không? Nếu quên mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID, người dùng cần làm gì? 

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: 

Nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho người dùng, VssID của BHXH Việt Nam đang áp dụng các giải pháp bảo mật tiên tiến, tương tự như các app của Ngân hàng.

Như tôi đã chia sẻ, việc thực hiện quy trình định danh ở mức độ 3 theo tiêu chuẩn Viện Khoa học - Công nghệ Mỹ, là mức độ xác định định danh cao nhất. Bên cạnh đó, các thông tin của người dùng đều được mã hóa, chỉ khi đăng nhập đúng tài khoản và mật khẩu mới có thể tra cứu được các thông tin này.

Trường hợp bạn bị mất điện thoại, nhằm bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân trên ứng dụng, bạn cần phải đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) để thực hiện ngay việc đổi mật khẩu hoặc liên hệ với cơ quan BHXH để được hỗ trợ.

Nếu quên mật khẩu, bạn có thể lựa chọn chức năng “Quên mật khẩu” trên ứng dụng hoặc trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) điền các thông tin theo yêu cầu để lấy lại mật khẩu.

 15:23
 Vẫn liên quan đến tiện ích của ứng dụng VssID, bạn đọc Phạm Minh Hưng (Thị xã Tân Uyên, Bình Dương) xin được hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: Tôi 42 tuổi và đang tham gia BHXH tự nguyện. Tôi muốn biết, nếu sử dụng ứng dụng VssID, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ có những thuận lợi gì? Tôi có thể nộp tiền đóng BHXH tự nguyện qua ứng dụng này không? Thủ tục như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phương: Như chúng ta đã thấy, đại dịch Covid-19 làm giảm số lượng người tham gia BHXH, đồng thời tác động lớn đến hoạt động của Bảo hiểm Việt Nam.  

Do đó, mục tiêu của ngành đặt ra là tăng trưởng số người tham gia BHXH tự nguyện. Việc đưa vào sử dụng ứng dụng VssID chính là một trong những mục tiêu chúng tôi hướng đến.

Trước mắt chỉ có VssID có những tính năng cơ bản nhất, những tính năng được áp dụng sắp tới sẽ phục vụ cho người dân tham gia bảo hiểm tự nguyện. Những tính năng này là nhắc nộp khi đến gần hạn, đồng thời tích hợp dịch vụ thanh toán như dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hiện tại trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chúng tôi đã thực hiện hai dịch vụ công là gia hạn thẻ bảo hiểm y tế của gia đình và đóng tiếp bảo hiểm tự nguyện. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai hoàn toàn hai dịch vụ này trên VssID để người tham gia BHXH có thể trực tiếp sử dụng các thủ tục này đơn giản nhất.

Sắp tới, tất cả các việc ghi danh, thanh toán sẽ được thực hiện trên điện thoại di động, chứ không phải đến cơ quan BHXH nữa. Dù khó khăn ban đầu là phải đăng ký nhưng sau này mọi thủ tục sẽ được thực hiện đơn giản hơn.  

 15:26
 Bạn đọc Võ An Minh (Thường Tín, Hà Nội) hỏi: Thưa ông Nguyễn Hoàng Phương, tôi có thể sử dụng những tính năng, tiện ích gì trên ứng dụng VssID? Qua tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia khác, đã có nhiều quốc gia sử dụng ứng dụng này không và họ triển khai mô hình này như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam:

Hiện nay, ứng dụng VssID đang cung cấp một số tính năng, tiện ích như:

Cung cấp thông tin: thẻ Bảo hiểm y tế, quá trình tham gia (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế); thông tin hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (một lần, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Cung cấp các tiện ích tra cứu: mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở khám, chữa bệnh cấp giấy nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội; điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế…

Hỗ trợ trực tuyến 24/7: Chatbot - trả lời tự động, tổng đài hỗ trợ 1900.9068, email, câu hỏi thường gặp)

Các tin tức hoạt động ngành BHXH được lấy từ Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam; các thông tin về chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn sử dụng ứng dụng; hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến...

Sắp tới chúng tôi hướng đến tích hợp dịch vụ công, tiện ích thanh toán trực tuyến.

Theo tôi được biết, hiện tại có nhiều quốc gia sử dụng ứng dụng tương tự của BHXH Việt Nam. Mỗi quốc gia có đặc điểm riêng, phụ thuộc nhiều vào nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, dân trí, hạ tầng viễn thông... Tuy nhiên, an sinh xã hội ở quốc gia nào cũng được quan tâm, đặc biệt là việc triển khai chuyển đổi số cho hệ thống an sinh xã hội. Quan trọng nhất trong hệ thống này là xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý.  

 15:31
 Bạn đọc Lê Hoàng Sơn (Phủ Lý, Nam Định) hỏi TS Trần Tùng, Cục CNTT, Bộ Y tế: Được biết, chúng ta đã ban hành quy định về việc triển khai xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế? Đến thời điểm hiện tại, công tác này đã được triển khai như thế nào? Nguồn cơ sở dữ liệu về mã định danh y tế có kết nối với VssID không? 

TS Trần Tùng:

Ngày 25-5-2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2153/QĐ-BYT về Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế. Theo đó, mã định danh y tế của người dân chính là mã số BHXH, mỗi người dân có duy nhất một mã định danh y tế và tồn tại suốt đời. Hiện tại, ứng dụng VssID dùng mã BHXH của người dân để làm mã ID.

Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế này để liên kết, trao đổi, chia sẻ thông tin sức khỏe của người dân giữa các hệ thống thông tin y tế như hồ sơ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử…   Thời gian qua,  Bộ Y tế cũng sử dụng cơ sở dữ liệu này của BHXH Việt Nam.

Để triển khai mã định danh y tế cho người dân, Cục CNTT đã có buổi làm việc ba bên, gồm Cục CNTT (Bộ Y tế), Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) để thống nhất phương án đồng bộ nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thông qua trục kết nối quốc gia (NGSP).

Hiện nay, Cục CNTT đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm việc kết nối, đồng bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT từ BHXH Việt Nam.

 15:34
 Bạn đọc Hoàng Thùy Ly (Gia Nghĩa, Đắk Nông) hỏi: Thưa ông Lê Đình Quảng, làm thế nào để ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số thật sự trở thành một công cụ hữu hiệu gắn bó với người lao động?

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, TLĐLĐ Việt Nam:

Đây là một công cụ rất tốt đối với người lao động. Để sử dụng dịch vụ này tốt hơn trong tương lai, chúng ta phải thực hiện mấy vấn đề. Trước hết, chúng ta vẫn tiếp tục cải thiện các thủ tục đăng ký sử dụng VssID để người lao động tiếp cận dịch vụ này thuận lợi nhất.  

Thứ hai, chúng ta vẫn mong VssID vẫn tiếp tục được bổ sung, tăng cường tiện ích, theo hướng mở rộng thêm dịch vụ. Trước mắt, VssID không chỉ thay thế thí điểm mà còn phải trên diện rộng thẻ BHYT, sổ BHXH. Phải tăng cường tích hợp các dịch vụ công, thông tin, làm tiện lợi cho người lao động. 

Tiến tới, chúng ta phải có các tiện ích thanh toán trực tuyến, nếu càng tích hợp vào đây nhiều dịch vụ công thì càng thuận lợi cho người lao động, từ đó họ sẽ tham gia tích cực hơn vào các chính sách BHXH, BHYT và các vấn đề liên quan đến người lao động. Từ đó, sẽ có tác dụng ngược trở lại, tức là người lao động được tham gia đầy đủ, đúng đắn, họ được bảo đảm quyền lợi, thì họ sẽ có tính lan tỏa và mở rộng đối tượng thực hiện các chính sách về an sinh xã hội nói chung. Nhờ đó, chúng ta lại có điều kiện để áp dụng ngày càng hiệu quả ứng dụng VssID. Đây là việc mà chúng ta rất kỳ vọng trong thời gian tới.

Trước mắt, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ về VssID và các thủ tục để họ tham gia tích cực.

Thứ hai, các cơ quan BHXH, BHYT, các cơ quan chức năng không những phải theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, thấy có vướng mắc gì còn tháo gỡ. Chủ trương chính sách tốt nhưng cũng cần đi vào đời sống. 

Cuối cùng, để thực hiện VssID, bên cạnh những việc cụ thể thì những chính sách liên quan đến an sinh xã hội nói chung, đặc biệt là liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng tiếp tục cần được cải cách, bổ sung theo tinh thần của Nghị quyết 28, sao cho các chính sách này hấp dẫn, đa dạng, đa tầng và bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động. Điều này sẽ giúp việc thực hiện các chính sách ngày càng minh bạch công khai, giúp cả người lao động và người sử dụng lao động đều có ý thức cao nhất. Như vậy, VssID sẽ đi vào cuộc sống.
 

 15:39
 Bạn đọc Dương Xuân Anh (Thành phố Vinh) hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam Nam: Thời gian gần đây, số hồ sơ về BHXH, BHYT được giải quyết trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ và Cổng dịch vụ công của BHXH đã đạt được kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Phương:

BHXH Việt Nam hiện đang cung cấp 19/27 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công (DVC) BHXH Việt Nam. Tính đến nay, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên Cổng DVC của BHXH Việt Nam là hơn 70 triệu hồ sơ. 

Trong các dịch vụ công BHXH cung cấp trên Cổng Dịch vụ công có hai dịch vụ được thực hiện nhiều nhất đó là Gia hạn thẻ Bảo hiểm Y tế và thiết lập Bảo hiểm xã hội công nghệ. Bình thường để gia hạn thẻ BHYT, chúng ta phải đến đại lý để làm hồ sơ, rồi đại lý chuyển về cơ quan bảo hiểm, rồi đến cán bộ cơ quan bảo hiểm nhập dữ liệu vào hệ thống...

Tuy nhiên khi sử dụng dịch vụ qua cổng dịch vụ công quy trinh thực hiện rất đơn giản và giảm tải cho cán bộ cơ quan bảo hiểm do có hệ thống tự động. Thường thì chỉ 15 phút sau khi khai báo đầy đủ hồ sơ, người khai đã nhận được thông báo kết quả.

 15:44
 Bạn đọc Nguyễn Châu Thanh (Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh): Theo quy định mới, các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác. Người dân cũng băn khoăn về khả năng bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin về khám, chữa bệnh và sức khỏe của mình? Làm như thế nào để bảo đảm các cơ sở y tế có trách nhiệm quản lý mã định danh y tế của người bệnh bảo đảm tính riêng tư, an toàn và bảo mật thông tin?

TS Trần Tùng: 

Cảm ơn câu hỏi của độc giả đã đi vào đúng vấn đề. Đó là khi liên thông các hệ thống thì vấn đề an toàn bảo mật đặt ra như thế nào. Khi nhà mở cửa, chắc chắn sẽ có bụi nhưng chúng ta cố gắng có ít bụi thôi.

Việc sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác sẽ giúp người dân có đầy đủ lịch sử khám, chữa bệnh của mình. Các bác sĩ cũng có bức tranh đầy đủ tình trạng bệnh, đưa ra chẩn đoán, quyết định điều trị chính xác hơn, qua đó có phương án điều trị tốt hơn.

Theo quy định tại Quyết định số 2153/QĐ-BYT ngày 15-5-2020 của Bộ trưởng Y tế ban hành Quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế, các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế này để liên kết, trao đổi, chia sẻ thông tin sức khỏe của người dân trên các hệ thống thông tin y tế như hồ sơ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử… Công việc được thực hiện từ người có thẩm quyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như lãnh đạo bệnh viện, hoặc người được ủy quyền thực hiện.

Ngoài ra, theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh trong hồ sơ bệnh án là dữ liệu được bảo vệ theo chế độ mật. Do đó, người dân không được phép tiếp cận thông tin, dữ liệu này. Người dân chỉ được phép tiếp cận thông tin tóm tắt hồ sơ bệnh án, nhưng với điều kiện là phải có yêu cầu bằng văn bản và phải được Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép.

Do đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi triển khai mã định danh y tế để liên kết, chia sẻ thông tin sức khỏe của người dân giữa các hệ thống thông tin y tế, thì phải xây dựng các cơ chế, phương án cũng như triển khai các kỹ thuật CNTT (xác thực người dùng, mã hóa dữ liệu, mã OTP, …) nhằm ngăn chặn việc tiếp cận dữ liệu sức khỏe trái phép, bảo đảm tính riêng tư, bảo mật và an toàn thông tin sức khỏe của người dân.

Khi liên kết, chia sẻ dữ liệu chỉ có người đứng đầu hoặc người được Thủ trưởng cơ sở y tế cấp quyền chia sẻ dữ liệu các cơ quan với nhau. Bên cạnh đó, đối với hồ sơ sức khỏe, nếu người chủ sở hữu hồ sơ không cho phép bất kỳ ai tiếp cận hoặc chia sẻ thì kể cả bác sĩ điều trị cũng không thể xem được hồ sơ.

Để bảo đảm được tính riêng tư, còn có giải pháp khác như giải pháp bằng mã OTP xác thực người truy cập. Bên cạnh đó, có sự phối hơp giữa các bên đưa ra giải pháp chống tấn công xâm nhập dữ liệu với nhau như mã hóa trên kênh truyền, tạo kênh truyền riêng với nhau.

 16:05
 Bạn đọc Quang Lê (Đức Cơ, Gia Lai) hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam:  Tôi có thể nhận được hỗ trợ như thế nào nếu tôi gặp vướng mắc khi sử dụng ứng dụng VssID? Liệu có mất phí hay không?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam:

Khi có bất kỳ vướng mắc trong quá trình sử dụng ứng dụng VssID, bạn có thể liên hệ hotline 24/7 theo số điện thoại 1900 9068 hoặc đến cơ quan BHXH gần nhất để được hỗ trợ.

Theo đó, trong ứng dụng, có tính năng liên hệ. Trong đó, có thông tin rất cụ thể về cơ quan BHXH, bao gồm: Địa chỉ, số điện thoại, đường đi gần nhất... dành cho người dân.

Cước phí khi gọi đến tổng đài 1900 9068 là 1.000 đồng/phút (trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông).

 16:10
 Bạn đọc Bùi Thị An (Thành phố Bắc Giang) hỏi: Thưa ông Lê Đình Quảng, VssID - Bảo hiểm xã hội số còn là một kênh truyền thông trực tiếp đến người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước. Ông mong muốn mục tiêu truyền thông của ứng dụng này sẽ hướng tới điều gì?

Ông Lê Đình Quảng:

Chúng ta biết rằng một trong những tính năng của ứng dụng VssID là cung cấp các thông tin liên quan chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, các chế độ chính sách an sinh xã hội khác. Đặc biệt, qua kênh này người lao động có thể đặt câu hỏi trực tiếp và sẽ đều được giải đáp kịp thời.

Có thể nói rằng là chính sách BHXH, BHYT, BHTN, an sinh xã hội của chúng ta lâu nay rất nhân văn, được thiết kế để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng tham gia. Song người lao động chưa được tiếp cận đầy đủ nên chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của các chính sách an sinh xã hội.

Chúng tôi hy vọng bên cạnh các cơ quan chức năng đẩy mạnh truyền thông và sửa đổi chế độ chính sách để làm cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn nữa, việc thực hiện VssID giúp người lao động tiếp cận được thông tin về chính sách an sinh xã hội đầy đủ, đúng đắn, từ đó tạo ra được sự lan tỏa của chính sách.

Như ông Phương, ông Tùng vừa trao đổi, khi mà chúng ta thực hiện tốt được các chính sách này thì mở rộng được các đối tượng tham gia và sau đó chúng ta có điều kiện để thực hiện được các chính sách an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, mở rộng tiếp cận được tới người lao động, giúp lan tỏa các chính sách an sinh xã hội nhân văn của chúng ta tới người lao động.

 16:15
 Bạn đọc Lưu Văn Hà (Tân Kỳ, Nghệ An) hỏi ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc ứng dụng CNTT, hiện đại hóa quản lý BHXH đã được BHXH Việt Nam triển khai khá thành công thời gian qua. Vậy ông có thể nêu một số kết quả bước đầu và đánh giá, ứng dụng CNTT đã mang lại hiệu quả như thế nào đối với ngành trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam:

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT, xây dựng được các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của ngành.

Đặc biệt, từ năm 2019, BHXH Việt Nam đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH, nên đã rút ngắn được thời gian giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa hành chính như: Thiết lập các hệ thống thông tin, hệ thống giám định BHYT, cơ sở dữ liệu chuyên ngành... Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như tạo nền tảng dữ liệu giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và DN.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC của BHXH Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực. Có thể kể đến như: đã giảm gần 90% số TTHC, từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 thủ tục (giai đoạn 2012-2014) và giảm xuống còn 27 thủ tục (năm 2019). Trong số 27 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 19 TTHC, trong đó 15 TTHC đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Ngoài ra, ngành cũng đã triển khai hệ thống chăm sóc khách hàng qua số hotline 1900 9068; hệ thống Chatbot hỗ trợ trả lời khách hàng tự động bằng trí tuệ nhân tạo hay hệ thống tương tác đa phương tiện...

Mới đây nhất chính là việc đưa ứng dụng VssID vào hoạt động chính thức, cung cấp các tính năng, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Với những nỗ lực trên của ngành, người dân và doanh nghiệp đã nhận được nhiều lợi ích trong việc tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT; tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, người dân với cơ quan BHXH.

Những kết quả này được Chính phủ và người dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT năm 2019 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố cho thấy, trong khối cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị dẫn đầu với chỉ số 0,904 điểm (điểm tối đa là 1 điểm).

 16:25
 Bạn đọc Trần Hà Thu (Thanh Miện, Hải Dương) hỏi đại diện ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam: Hiện nay, người dân có thể tự tra cứu trực tuyến thông tin về thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phương:

Người dân hiện nay có nhiều lựa chọn để tra cứu trực tuyến thông tin về thẻ BHYT. Cụ thể, người dân có thể tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc tra cứu trực tiếp trên ứng dụng VssID.

Đặc biệt, khi sử dụng ứng dụng VssID, ngoài việc được cung cấp thông tin về thẻ BHYT, người dân còn có thể theo dõi, quản lý quá trình tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, lịch sử thụ hưởng chế độ BHXH, lịch sử khám chữa bệnh... và nhiều tiện ích khác.

 16:30
 Kết luận của Trưởng Ban Nhân Dân điện tử

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Ban Nhân Dân điện tử kết luận tọa đàm:

Kính thưa các vị đại biểu, kính thưa quý vị bạn đọc của Nhân Dân điện tử!

Sau gần hai giờ thực hiện tọa đàm giao lưu trực tuyến, các vị đại biểu đã làm rõ rất nhiều về VssID. Việc đưa vào sử dụng ứng dụng VssID đã đáp ứng xu thế về chính phủ điện tử, quốc gia số của Việt Nam, rút ngắn các quy trình thực hiện dịch vụ công truyền thống.

Ứng dụng công nghệ là cần thiết, tuy nhiên để ứng dụng đi vào cuộc sống, theo tôi, chúng ta vẫn cần tăng cường tổ chức nhiều loại hình hướng dẫn để người dân ngày càng nắm bắt được các tính năng quan trọng của ứng dụng VssID.

Trân trọng cảm ơn.