Nghị quyết 116/NQ-CP: Khi chính sách “chạm” đến những trái tim
29/10/2021 10:40 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bài 1 Quyết sách kịp thời giữa đại dịch Covid-19 Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, việc làm của NLĐ cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Nhận thấy những điều này, ngay những ngày cao điểm của đại dịch, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có ngay một chủ trương kịp thời- được xem là chưa từng có tiền lệ, đó là hỗ trợ NLĐ và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp.
Cụ thể hóa cho chủ trương hỗ trợ NLĐ và DN, Chính phủ đã đề nghị sử dụng 30.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư quỹ BH thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ một lần bằng tiền; chủ SDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ BH thất nghiệp trong thời gian 12 tháng với tổng số tiền khoảng 8.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, chính sách này “chưa từng có tiền lệ” và là chính sách rất nhân văn, cấp thiết trong bối cảnh hiện tại, nhằm hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ.
NLĐ nộp hồ sơ nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp
Ngày 24/9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp. Ngay trong ngày hôm đó, Chính phủ đã lập tức ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP; và chỉ 6 ngày sau (ngày 1/10), Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg quy định cụ thể về việc thực hiện chính sách.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện, ngày 1/10, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành tổ chức triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị trực tuyến đến 718 điểm cầu với khoảng 5.000 CBVC của Ngành. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, đồng thời ban hành văn bản số 3068/BHXH-CSXH ngày 1/10/2021 về triển khai thực hiện.
Như một phản xạ tự nhiên, những chủ trương trên đã ngay lập tức được dư luận NLĐ và DN trong cả nước đón nhận với sự phấn khởi, tin tưởng và đánh giá rất cao.
Nhận diện khó khăn, thách thức
Sau 5 tháng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19, lượng hồ sơ gửi đến BHXH các địa phương phía Nam, trong đó có TP.HCM, tăng đột biến. Hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp một lần, hưu trí, tử tuất, thanh toán chi phí KCB BHYT, trợ cấp thất nghiệp… chất “cao như núi”, đã tạo áp lực đè nặng lên các CBVC trong toàn Ngành.
Áp lực công việc đè nặng lên những CBVC ngành BHXH Việt Nam
Trong bối cảnh đó, ngày 1/10, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP. Một quyết sách chưa từng có trong tiền lệ được yêu cầu tiến hành rộng khắp, kịp thời để đảm bảo nhanh chóng chia sẻ khó khăn do đại dịch gây ra. Điều này cũng có nghĩa, áp lực tăng theo cấp số nhân đối với những người làm công tác BHXH. Cán bộ nghiệp vụ tại các quận, huyện ở nhiều địa phương đều ghi nhận lượng hồ sơ điện tử trên hệ thống tiếp nhận hồ sơ, đã lập kỷ lục lên đến hàng trăm, hàng nghìn hồ sơ mỗi ngày.
Trong Hội nghị trực tuyến toàn Ngành, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã yêu cầu BHXH các địa phương phải thống nhất, đồng lòng, triển khai quyết liệt, đảm bảo hoàn thành sớm nhất, hiệu quả nhất mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, từ người đứng đầu cho đến từng viên chức trực tiếp xử lý công việc.
Nhận định rõ trọng trách được giao, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM đã chỉ đạo toàn bộ CBVC trong đơn vị bố trí làm việc ngoài giờ, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng số người, đúng thời gian quy định. Theo ước tính, số NLĐ trong diện được hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp tại TP.HCM là khoảng 3 triệu người, với kinh phí chi hỗ trợ hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 23% so với toàn quốc. Trong khi đó, số CBVC thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ tại BHXH Thành phố chỉ khoảng hơn 1.000 người. Như vậy, trung bình một CBVC của BHXH Thành phố phải giải quyết khoảng 3.000 hồ sơ liên quan. Đặc biệt, họ phải rà soát toàn bộ quá trình tham gia của từng trường hợp cụ thể, không được phép để xảy ra sai sót, nhầm lẫn.
Khó khăn đầu tiên mà các CBVC BHXH TP.HCM gặp phải trong quá trình giải quyết hồ sơ, đó là tình trạng NLĐ có nhiều số sổ, nên cần thực hiện chuyển nhiều quá trình tham gia về một sổ gốc cho NLĐ. Các trường hợp trùng quá trình đóng, trùng thông tin cá nhân phần lớn do cho mượn thông tin tham gia BHXH cũng phải làm hồ sơ khắc phục mất nhiều thời gian xử lý. Khó khăn nữa là nhiều NLĐ không có hoặc “ngại” sử dụng tài khoản ngân hàng, mà vẫn “quen” với nhu cầu nhận tiền mặt, nên đã gây khó khăn cho công tác chi hỗ trợ. Cùng với đó, phải có các phương án về CNTT khi lượng người tra cứu, lượng hồ sơ quá nhiều, dẫn đến các trang web và phần mềm nghiệp vụ thường xuyên bị quá tải, tốc độ chậm hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến việc xử lý hồ sơ…
Đặt mình vào vị trí của NLĐ
Bên cạnh thách thức, BHXH các địa phương cũng xác định có điểm thuận lợi lớn là chính sách có sự đồng thuận mạnh mẽ, đặc biệt là sự ra đời và triển khai ứng dụng VssID, nên giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Về phía NLĐ, việc cài đặt ứng dụng VssID giúp họ có thể ngồi ngay tại nhà để đăng nhập thông tin cá nhân và số tài khoản thụ hưởng, sau đó bấm gửi là có thể nộp hồ sơ qua dịch vụ công một cách hết sức dễ dàng, thuận tiện. Đối với cán bộ BHXH, việc tiếp nhận hồ sơ điện tử sẽ nhanh chóng hơn nhiều so với hồ sơ giấy, do giảm bớt được các khâu tiếp nhận, số hóa, in phiếu chuyển trả hồ sơ giấy… Các phong trào thi đua đã được BHXH các địa phương đồng loạt triển khai, nhằm chi hỗ trợ được sớm nhất và đầy đủ nhất cho NLĐ và DN.
BHXH các địa phương đều thể hiện quyết tâm cao
Tại Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh cho biết, hệ thống BHXH tỉnh đã gửi danh sách NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp cho 1.916 đơn vị SDLĐ với khoảng 160.000 NLĐ, để các DN và NLĐ rà soát, cập nhật thông tin. Để triển khai chính sách hỗ trợ kịp thời, BHXH tỉnh đã quán triệt và yêu cầu toàn thể CBVC nỗ lực vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao nhất. Đặc biệt, yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xuống 50% so với quy định đối với hồ sơ đúng, đủ thông tin.
Tại An Giang, ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, để triển khai Nghị quyết 116 được sâu rộng, BHXH tỉnh đã có sáng kiến thiết kế các thông tin dưới dạng Infographic; kết quả giải quyết được BHXH tỉnh thông báo công khai hàng ngày để NLĐ, DN có thể cập nhật, tham khảo. Toàn tỉnh An Giang ước tính sẽ chi hỗ trợ cho hơn 72.000 NLĐ với số tiền hơn 168 tỷ đồng; bên cạnh đó giảm đóng cho 1.537 đơn vị SDLĐ với hơn 40,6 tỷ đồng… Đây là thách thức không nhỏ mà BHXH tỉnh An Giang phải nỗ lực giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ được kịp thời.
“Chúng tôi đặt ra yêu cầu đảm bảo tất cả các hồ sơ hợp lệ của NLĐ phải được chi trả kịp thời, sớm nhất có thể. Mọi khó khăn, vướng mắc cần phải được báo cáo kịp thời và giải quyết nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu mỗi CBVC cần vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, chính xác, minh bạch. Hãy đặt mình vào vị trí của NLĐ đang chờ nhận tiền hỗ trợ”- ông Đặng Hồng Tuấn chia sẻ.
Tại TP.HCM, BHXH Thành phố đã sớm liên hệ với các DN để xác định việc hỗ trợ theo Nghị quyết 116 và nhiều DN đã nhận được hỗ trợ kịp thời. Đáng chú ý, BHXH quận 3 còn lập một nhóm chat Zalo, nên đã hỗ trợ các DN rất nhanh và bất kể thời điểm nào. Chính vì vậy, việc thực hiện gói hỗ trợ được triển khai rất hiệu quả.
Tạp chí BHXH
“Hướng dẫn cái đặt và đăng ký tài khoản VssID - ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển ...
Giới thiệu ứng dụng VssID Tiếng Hàn Quốc
Hội nghị giao ban 9 tháng đầu năm 2024 với công chức Văn ...
BHXH huyện Cư Kuin: Tuyên truyền chính BHXH tự nguyện, BHYT ...
BHXH huyện Lắk: tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho ...
240 hội viên hội phụ nữ huyện Krông Bông được tuyên truyền ...
02 xã đầu tiên của huyện Krông Ana vận động 100% lực lượng ...