Mỗi ngày bốn bận còi tầm...

27/06/2011 01:13 AM


thiết kế nội thất chung cư
(Lao Động) “Mỗi ngày bốn bận còi tầm” – tiếng thởi dài của một người bạn khiến tôi phải “rình” nghe cho bằng hết đầy đủ âm thanh tiếng còi tầm của thành phố Buôn Ma Thuột trong ngày nó như thế nào.
Có lẽ cả nước bây giờ chẳng nơi nào còn lưu giữ được tiếng còi tầm một ngày bốn bận như thành phố cao nguyên này, bởi vậy nó vẫn “rất lạ” dù đã quen thuộc đến mức có khi nhàm chán đối với nhiều thế hệ người dân...

Nghe một lần đã thấy nhớ

Chọn một quán cà phê ở ngã 6 thành phố Buôn Ma Thuột để “ngồi đồng” từ sáng sớm cho tới 11h trưa; sau đó từ 1h30 cho đến 5h chiều chỉ để nghe cho đủ bốn lần còi hụ phát đi từ  trên mái một căn nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp hiếm hoi còn sót lại trong khuôn viên Sở Điện lực tỉnh Đắk Lắk. Thật tình tâm trạng mỗi lúc mỗi khác, nhưng nghe lần nào cũng chỉ mỗi chuỗi âm thanh rền vang, chói gắt... lạ lẫm như thể một “người rừng” ngơ ngáo giữa phố xá hiện đại và sầm uất. Với người lạ, thứ âm thanh đó vừa như chào mừng, lại vừa có phần đe doạ rằng “hãy cẩn thận, bởi sau đây là tai hoạ ập xuống...”.

stt hay , stt vui , stt yêustt thả thính , stt mệt mỏi


Đặc biệt là những tiếng “khẹc khẹc” già nua và ốm yếu rất dài phía sau nghe như  thể “hơi tàn” phát ra từ cổ họng của một người nghiện thuốc lá lâu năm rằng “ta mệt mỏi với cuộc đời này quá rồi”.

Nhưng với tác giả của “mỗi ngày bốn bận còi tầm”, không hiểu bạn ấy nghe thế nào mà thành ra “đầu giờ sáng - chiều là sự háo hức, thúc giục về một phiên làm việc mới, còn cuối giờ sáng - chiều là tiếng thở phào nhẹ nhõm như thể vừa trút xuống một gánh rất nặng trên vai”. Nhà bạn ở rất gần với tiếng còi, nên bạn kể từ khi mới “biết nghe” âm thanh, cuộc sống của bạn từ đi học, ăn uống, vui chơi... đều được ba mẹ lấy tiếng còi tầm làm chuẩn. Mấy năm trước bạn lấy chồng, “mỗi lần còi hụ là mỗi lần mình thở phào với nụ cười rất tươi khi nghĩ đến việc ra chợ chọn cái gì đó thật tươi ngon về làm cơm cho lão ấy”.

Cận cảnh còi tầm ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Nhưng rồi niềm vui ấy cũng không kéo dài được bao lâu vì bây giờ mỗi lần tiếng còi hú lên báo hiệu một phiên làm việc nữa đã hết là mỗi lần bạn thở dài ngán ngẩm. Đơn giản việc phải gặp “lão ấy”, phải nấu cơm cho “lão ấy” hai bữa trưa - chiều đối với bạn giờ đã thành... ác mộng (!).  

Ông Châu - chủ quán cà phê mà tôi “ngồi đồng” - năm nay đã gần 80 tuổi. Ông là người Bắc di cư vào Buôn Ma Thuột từ trước những năm 1960. “Vẫn là thứ âm thanh đáng ghét ấy từ bao nhiêu năm nay. Thành phố này đã đổi thay rất nhiều qua thời gian, nhưng tiếng còi tầm thì vẫn thế, có thay đổi chăng là dạo này âm thanh nhỏ hơn, không còn rền vang khắp cả thành phố như ngày xưa do ảnh hưởng của nhà cao tầng, tiếng còi xe, máy nổ và mấy lần hỏng hóc...”.

Nhưng vì sao nó lại đáng ghét? Ông Châu cười giải thích: “Là thi thoảng nó làm tôi nhớ quê cũ, gợi nhớ về những bộ phim chiến tranh, tiếng máy bay gầm rú, những ngày xuống hầm tránh bom, những trại tù, lò thiêu... Đôi khi tôi nghĩ sao người ta không dẹp nó đi cho rồi”.

Với “du khách”, Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên nói chung huyền ảo và lắm chuyện là thế, nhưng không hiểu sao cái tiếng còi tầm một ngày bốn bận ấy là âm thanh đầu tiên mà người ta nghĩ đến mỗi khi nhớ về vùng đất ấy. Một đồng nghiệp ở Buôn Ma Thuột kể, anh có mấy người bạn ở Huế, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... bao nhiêu năm nay, bao giờ câu hỏi đầu tiên khi gặp nhau vẫn luôn là: “Tiếng còi tầm ở Buôn Ma Thuột giờ còn không?”. Còn với anh và nhiều công dân khác của thành phố này, âm thanh ấy thân quen tới mức thành nhu cầu.

“Có mấy bận không hiểu sao hắn không thèm kêu như mọi hôm nữa, rứa là mọi người giật mình dáo dác hỏi nhau không biết chuyện gì đang xảy ra. Thậm chí có người còn gọi điện cho Giám đốc Sở Điện lực để hỏi. Trong lòng, ai cũng thấy thiếu thiếu một cảm giác gì đó không thể gọi tên. Hình như bây giờ, tiếng còi tầm là biểu tượng, là một trạng thái của thành phố Buôn Ma Thuột mất rồi...”.

Còi tầm được đặt trên sân thượng của một tòa nhà có từ thời Pháp. Ảnh: H.V.M

Đồng hồ của cả thành phố        

Ông Ninh, một nhân viên của Sở Điện lực tỉnh Đắk Lắk dẫn tôi lên xem cái còi tầm với ánh mắt đầy ngạc nhiên: “Hình như chú là người đầu tiên đến đây với yêu cầu rất kỳ quặc là muốn lên xem còi tầm”. Còi được đặt trên sân thượng của một toà nhà kiến trúc Pháp hai tầng được xây dựng từ năm 1933 với tên gọi nguyên thuỷ là “nhà đèn”, có cấu tạo rất đơn giản: 6 cái còi hình loa toả đi sáu hướng, trên có mái che, dưới là một công tơ điện ba pha và giá đỡ 4 chân. Theo ông Ninh thì nguyên lý hoạt động của còi cũng rất đơn giản, kiểu như kèn đồng, nhưng thay vì thổi hơi tạo lực thì bật công tắc, dòng điện tác động lên những lá đồng và phát ra âm thanh...

Ông Nguyễn Văn Thoan - Chánh văn phòng Sở Điện lực Đắk Lắk - đầy tự hào khi khoe rằng còi tầm ngày xưa chỉ dùng để báo giờ làm việc và nghỉ ngơi của riêng “nhà đèn”, nhưng sau này đã trở thành đồng hồ làm việc chung cho cả các cơ quan, ban, ngành khác của thành phố với khung lịch không đổi.  Chưa hết, nó bây giờ không phải là tài sản của Sở Điện lực mà đã trở thành tài sản của UBND tỉnh Đắk Lắk, do trực tiếp Chánh văn phòng UBND tỉnh quản lý. “Mỗi lần hỏng hóc hay vì lý do nào đó mà nó không báo giờ được, chúng tôi phải điện thoại báo cáo, cũng như xin ý kiến xử lý đối với văn phòng UBND tỉnh”, ông Thoan nói.

Ông Thoan còn kể một chuyện vui là năm 1992, ông chuyển ngành từ bộ đội sang làm bảo vệ kiêm luôn việc đóng còi tầm tại Sở Điện lực. Trong phiên làm việc đầu tiên, mới đến 4h30 ông đã cho còi hú inh ỏi vì nghĩ giờ làm việc ở đây cũng giống như trong quân đội làm mọi người hoảng cả lên. “Sau đó đích thân lãnh đạo của Sở phải gọi văn phòng UBND tỉnh để giải thích là do... còi hỏng nên kêu bậy”, ông kể. Hiện tại, Điện lực Đắk Lắk đã hợp đồng với Cty Đại Hải để thuê 3 vệ sĩ bảo vệ và thay phiên nhau đóng còi trong ngày thay cho lực lượng bảo vệ như trước đó.

Ngạc nhiên là khi được hỏi về lai lịch của cái còi tầm, chính bản thân ông Thoan cũng mù mờ kiểu “hình như có từ thời Pháp, cùng lúc với ngôi nhà thì phải”. Bà Dung, người được ông Thoan giới thiệu là một trong những người đầu tiên có mặt tại Buôn Ma Thuột để tiếp quản Sở Điện lực năm 1979 khi thành phố được giải phóng cũng không cung cấp được thông tin gì mới hơn. Thậm chí bà còn nhầm lẫn chức năng của cái còi tầm khi cho rằng ngoài báo giờ, còi tầm ở Buôn Ma Thuột còn có thêm chức năng báo cháy, báo máy bay Mỹ ném bom...

May còn có ông Châu chủ quán cà phê. Số là chuyện một hồi quanh cái còi, ông mới mở lòng giới thiệu mình cũng nguyên là cán bộ của Sở Điện lực, nhưng là làm chính thức từ ngày 21.1.1960 (dưới thời Ngô Đình Diệm), sau đó giải phóng lại ở lại làm việc cho đến ngày nghỉ hưu. “Cái còi tầm đó không phải có từ thời Pháp, cùng tuổi với ngôi nhà (1933) như nhiều người nói. Bởi khi tôi vào đó làm việc năm 1960 thì ở bên hông toà nhà có một cái kẻng rất lớn dùng để báo giờ làm và giờ nghỉ.

Sau đó đến năm 1963 hay 1964 gì đó thì cái kẻng kia mới được dẹp đi để thay bằng cái còi như bây giờ chúng ta thấy. Đáng tiếc là tôi không nhớ được cái còi ấy ra đời trong hoàn cảnh nào và ai là người đẻ ra nó”, ông nói. Ông Châu khẳng định: Khác với ngoài Bắc, còi tầm ở Buôn Ma Thuột chỉ có một chức năng báo giờ chứ không có thêm chức năng báo động. Và thời chế độ cũ, việc kéo còi do một người gọi là “ôtuỳ phái” phụ trách. Người “ôtuỳ phái” không giống với bảo vệ như bây giờ mà ngoài việc vệ sinh lau chùi văn phòng, kéo còi, có có thêm việc giữ khuôn dấu cho lãnh đạo.

Lại nhớ hôm đó hỏi ông Nguyễn Văn Thoan, nhân dịp ông khoe đã đi làm việc, giao lưu với hầu hết các sở điện lực trong Nam ngoài Bắc rằng: “Cả nước bây giờ còn nơi nào có còi tầm báo giờ làm việc cho cả thành phố như Buôn Ma Thuột không?”. Ông bóp trán nhớ: “Ngày trước thì nhiều, nhưng hình như bây giờ chỉ ở Cần Thơ có một cái nữa thôi thì phải”. Chợt nhớ “hình như” khác của một nhà văn: “Cũng gần chục năm nay, trên văn đàn Việt Nam hình như không có tác phẩm nào viết về tiếng còi tầm”. Nghe thế tự nhiên lại thấy lo. Cứ nghĩ vẩn vơ một ngày nào đấy, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk hứng lên, chả thèm quan tâm tới chuyện “biểu tượng”  hay “trạng thái” gì đó của thành phố, rồi nói thôi dẹp đi, thời buổi ni cả điện thoại di động cũng có đồng hồ, duy trì cái còi ấy chỉ mỗi việc tốn điện và điếc tai... thì sao nhỉ?

Hoàng Văn Minh