Cán bộ, công chức cấp xã được tính thời gian công tác trong quân đội để hưởng BHXH

05/12/2011 07:02 AM



Ảnh: từ Internet
Tuy nhiên, thời gian tính hưởng BHXH không chỉ bắt đầu từ tháng 01/1998 mà còn tính cả thời gian công tác trước đó nếu thuộc các chức danh được quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ. Khi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành thì cách tính thời gian công tác để hưởng BHXH của cán bộ, công chức cấp xã được mở rộng hơn so với Nghị định số 09/1998/NĐ-CP trước đó.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của liên Bộ: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì cán bộ, công chức cấp xã ngoài thời gian giữ các chức danh ở xã được quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì các trường hợp sau đây cũng được tính là thời gian công tác đã đóng BHXH:

- Cán bộ, công chức cấp xã có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15/12/1993 và không hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Trường hợp có thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước chưa hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần hoặc BHXH một lần, được điều động về xã giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì được cộng nối thời gian là công nhân, viên chức Nhà nước với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hưởng BHXH.

- Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, nếu trước tháng 01/1998 được các cơ quan có thẩm quyền cử đi học chuyên môn, chính trị, sau khi hoàn thành nhiệm vụ khóa học tiếp tục giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì thời gian đi học này được tính thời gian công tác liên tục để tính hưởng BHXH.

- Đối với cán bộ cấp xã thuộc chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP có thời gian gián đoạn trước tháng 01/1998 không quá 12 tháng thì được cộng nối thời gian công tác trước đó với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.

Hiện nay hầu hết cán bộ, công chức cấp xã đã được cấp sổ BHXH, việc ghi nhận thời gian công tác có đóng BHXH được thực hiện theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, do vậy, có nhiều trường hợp phải điều chỉnh bổ sung, ghi tăng thời gian công tác theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH nói trên nhưng chưa được thực hiện. Qua kiểm tra, rà sóat ở một số xã, phường, thị trấn, dù đã gần 2 năm thực hiện nhưng nhiều nơi vẫn chưa nắm bắt được những quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, chưa hướng dẫn cho cán bộ, công chức kê khai bổ sung thời gian công tác được hưởng BHXH.
Những quy định mới tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP là quyền lợi rất quan trọng đối với cán bộ cấp xã, nhiều người đã từng đi bộ đội phục viên, xuất ngũ; hoặc có thời gian là cán bộ, công chức; hoặc có thời gian đi học; thời gian công tác bị gián đoạn …nhưng không biết là thời gian đó được tính để hưởng BHXH. Do vậy, các cấp, ngành nhất là Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để cán bộ, công chức cấp xã biết được các quyền lợi về BHXH; tổ chức kê khai bổ sung và hướng dẫn cho cán bộ, công chức cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan để ghi và xác nhận thời gian công tác theo quy định mới. Đối với cán bộ, công chức cấp xã đã nghỉ hưu từ ngày 01/01/2010 trở đi, có thời gian công tác như đã nói ở trên mà chưa được tính hưởng BHXH thì cung cấp hồ sơ, giấy tờ cho cơ quan BHXH tỉnh để được điều chỉnh bổ sung.

Trương Văn Bá
BHXH tỉnh Đắk Lắk