Thất thu quỹ BHXH, BHYT, BHTN từ việc không thực hiện xây dựng thang, bảng lương của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

08/12/2011 12:06 AM



Ảnh từ Internet

Trong khi đó, tiền lương thực tế giữa người sử dụng lao động thoả thuận với người lao động bình quân 1.600.000 đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp không thực hiện xây dựng thang, bảng lương đăng ký với cơ quan Nhà nước về quản lý lao động ở địa phương nên BHXH chỉ căn cứ trên mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định để thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (gọi tắt là BHXH).
Theo Nghị định 108/2010/NĐ-CP ngày 29/10/2010 của Chính phủ thì mức lương tối thiểu vùng tại Tp.Buôn Ma Thuột là 1.050.000 đồng, thị xã và các huyện còn lại là 830.000 đồng (áp dụng từ 01/01/2011 đến 30/09/2011); với mức lương này các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang áp dụng để đóng BHXH cho người lao động so sánh với tiền lương thực nhận của người lao động bình quân nói trên có sự chênh lệch 550.000 đồng đối với Tp.Buôn Ma Thuột và 770.000 đồng đối với thị xã, các huyện còn lại. Như vậy, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2011, với mức tiền lương chênh lệch tại Tp.Buôn ma Thuột là 550.000 đồng, BHXH tỉnh Đắk Lắk đã thất thu quỹ BHXH với số tiền gần 20 tỷ đồng; đồng nghĩa với doanh nghiệp sử dụng lao động được hưởng lợi từ số tiền nói trên. Nếu tình trạng này kéo dài qua nhiều năm thì quỹ BHXH sẽ thất thu với số tiền là rất lớn.
Trong khi đó, tại khoản 3 điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 13/2003/TT-BLĐTB&XH; Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTB&XH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 114/NĐ-CP quy định:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động theo các nguyên tắc sau khi tham khảo ý kiến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và phải công bố công khai trong doanh nghiệp, cơ quan. Thang lương, bảng lương phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp, cơ quan đặt trụ sở chính. Thang lương, bảng lương của doanh nghiệp, cơ quan áp dụng làm cơ sở để:
- Thoả thuận tiền lương trong ký kết hợp đồng lao động; xác định đơn giá tiền lương, thực hiện chế độ nâng bậc lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.
- Đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
- Trả lương ngừng việc và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
- Giải quyết các quyền lợi khác theo thoả thuận của hai bên và theo quy định của pháp luật lao động.


Như vậy, thang, bảng lương của các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình và cá nhân có sử dụng lao động.. trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều phải xây dựng thang, bảng lương đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk để thoả thuận tiền lương trong ký kết hợp đồng lao động; đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; trả lương ngừng việc và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động đối người lao động.
Qua kế hoạch kiểm tra của BHXH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2011 có khoảng 90% doanh nghiệp ngoài quốc doanh không thực hiện xây dựng thang, bảng lương đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk. Để nguồn quỹ BHXH không bị thất thu như đã nói ở trên; các sở, ban, ngành của tỉnh; nhất là cơ quan Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường công tác phối, kết hợp thanh, kiểm tra nhằm đôn đốc và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm hoặc cố tình trốn trách không thực hiện xây dựng thang, bảng lương để đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định nhằm đảm bảo nguồn quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Nguyễn Tiến Vượng 
BHXH tỉnh Đắk Lắk