Người phụ nữ trong gia đình Việt Nam ngày nay

14/10/2015 02:57 AM



Qua các chặng đường lịch sử loài người, vai trò người phụ nữ trong gia đình có những biến đổi.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, vai trò của phụ nữ được xác nhận đúng với chân giá trị con người của nó. Bác Hồ nói: “Non song gấm vóc Việt Nam đều do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm rực rỡ”.

Nghị quyết số 04/NQ-TW của Bộ Chính trị ra ngày 27-7-1993 đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người công dân, người lao động, vừa là người mẹ và người thầy đầu tiên của con người”; “Phụ nữ có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình cần tạo điều kiện để phụ nữ kết hợp hài hòa giữa nghĩa vụ công dân và chức năng người mẹ trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.


Vai trò quan trọng đó được thể hiện như thế nào?

Ở việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ là người tạo dựng nên nhân cách con người từ trong bụng mẹ, là “tay hòm chìa khoá" là trung tâm các mối quan hệ tình cảm là người tích cực nhất trong gia đình, giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc, phong tục tập quán tốt đẹp ở làng, thôn, khu phố...

Ngày nay, đất nước mở cửa hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, đặc biệt kinh tế hộ gia đình càng có điều kiện phát triển, nhiều doanh nhân làm giàu chính đáng cho gia đình, cho đất nước. Phong trào làm từ thiện ngày càng lan rộng ra nhiều tổ chức, cá nhân… Song ở nơi này, nơi khác còn phát sinh ra những biểu hiện, những hành vi tiêu cực do ảnh hưởng của đồng tiền, vàng, đô-la làm khuynh đảo mọi giá trị đạo đức như con bất hiếu với cha mẹ, tình cảm vợ chồng anh em phai nhạt, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút… Việc hạn chế, đẩy lùi những tồn tại nêu trên càng đòi hỏi vai trò của người mẹ, người vợ trong gia đình, nhà trường, xã hội rất lớn, đặc biệt người mẹ trực tiếp dẫn con bước qua các cửa ải phi đạo đức và sự ngu dốt, tạo cho con có ý chí, nghị lực vượt khó khăn trong cuộc đời.

Thiên chức và xã hội đã trao cho phụ nữ phần việc lớn hơn nam giới trong gia đình, đó là việc sinh nở ra con cái để duy trì nòi giống, nội trợ lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ trong nhà, “nhen lên và canh giữ bếp lửa gia đình” tạo nên sự ấm áp, yên vui làm điểm tựa cho chồng, cho con, cho cháu… bằng cái tâm và đức của mình. Vì vậy, Nhà nước ta, các cấp, các ngành luôn luôn chăm lo cho tế bào xã hội - tổ ấm gia đình; động viên, vun đắp tạo điều kiện cho mỗi gia đình kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa.

Đất nước ta ngày nay được độc lập, tự do, hạnh phúc là nhờ vào hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông, của Đảng, Bác Hồ vĩ đại, song chúng ta không thể không biết ơn các bà mẹ vĩ đại tạo ra các thế hệ danh nhân, anh hùng của đất nước – từ văn hóa gia đình. Người Việt Nam rất coi trọng cái “Phúc”, ông bà cha mẹ để phúc cho con và cái “Đức” - con nhờ đức mẹ là một sự thực, một chân lý.

TS Vũ Thị Hiểu
Ủy viên BCH Trung ương Hội NCT Việt Nam
Giám đốc Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT