Cả nước có 162 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

01/04/2016 07:40 AM



162 hồ sơ tự ứng cử ĐBQH và 79 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh

Báo cáo số 86/BC-HĐBCQG cho biết, về công tác tiếp nhận hồ sơ ứng cử, Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan, tổ chức ở địa phương về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của từng địa phương.

Theo đó, tính đến thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ ứng cử, lúc 17 giờ ngày 13/3/2016, đã có 197 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và 1012 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gửi đến Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố, trong đó có 162 hồ sơ tự ứng cử.

Sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố đã làm thủ tục chuyển và bàn giao hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Quốc hội về Hội đồng bầu cử quốc gia. Nhìn chung, hồ sơ của những người tham gia ứng cử bảo đảm kê khai đầy đủ và đúng theo quy định, tuy nhiên cũng có một số hồ sơ kê khai còn thiếu thông tin hoặc chưa đầy đủ đã được Tổ giúp việc nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn và gửi lại Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố để yêu cầu người ứng cử tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Về hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đã có 7.799 hồ sơ của những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi về Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố. Trong đó có 7.720 hồ sơ của những người ứng cử được các cơ quan, nhà nước tổ chức giới thiệu và 79 hồ sơ tự ứng cử.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lượng người tự ứng cử ĐBQH cao nhất cả nước

Căn cứ kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh lần thứ nhất và phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu khóa XIV cho các cơ quan, đơn vị ở Trung ương là 198 đại biểu (39,6%), ở địa phương là 302 đại biểu (60,4%). Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã tiến hành giới thiệu người ra ứng cử và triển khai quy trình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác đối với những người được giới thiệu ứng cử.

Tính đến ngày 18/3/2016 là thời hạn cuối cùng của việc hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử. Sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ở cả Trung ương và địa phương là 1.146 người, trong đó Trung ương là 197 người; địa phương là 949 người với 154 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trong tổng số 154 người tự ứng cử ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có 48 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Đây là 2 thành phố có số lượng người tự ứng cử cao nhất cả nước.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật

Để chuẩn bị các công việc còn lại, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra thành công trong thời gian tới, Báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian như tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử từ nay đến 12/4/2016 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng pháp luật; phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương đảm bảo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ.

Tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và ban hành Nghị quyết công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, trong đó đảm bảo đạt tỷ lệ nữ và dân tộc thiểu số theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Đẩy mạnh công tác truyên truyền về bầu cử, tổ chức đa dạng các hình thức truyên truyền, nhất là về danh sách những người ứng cử, củng cố các cụm khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tranh cổ động tại các khu vực đông dân cư và các địa điểm bỏ phiếu.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch, phản động. Giao ban thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ bầu cử. Kiên quyết không để các thế  lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử. Bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng của nhân dân trong dịp bầu cử. Đối với các địa bàn trọng điểm, địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, cần tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng hữu quan trên địa bàn đảm bảo cuộc bầu cử tiến hành đạt kết quả tốt.../.

Theo Quochoi.vn