BHXH Việt Nam triển khai nhiệm vụ quý II/2016

14/04/2016 12:47 AM


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết: Thời gian vừa qua, ngành BHXH đã nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành khác xây dựng Luật, các văn bản quy phạm pháp luật chính sách BHXH, BHYT với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã thực hiện được hơn một năm; Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2016. Để xây dựng được cơ chế chính sách đã khó nhưng quá trình triển khai tổ chức thực hiện vào thực tế đòi hỏi toàn Ngành BHXH cần nỗ lực, cố gắng. Có cơ chế chính sách tốt sẽ tạo điều kiện để chúng ta làm việc tốt hơn. Quý II năm 2016, ngành BHXH tiếp tục tích cực cải cách hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và nâng cao chất lượng công việc…

Báo cáo về công tác thu, phát triển đối tượng, Trưởng Ban Thu Trần Đình Liệu cho biết, đến hết ngày 31/3/2016, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 69,8 triệu, đạt 95,2% kế hoạch giao, tăng 11,5 nghìn người so với cuối năm 2015 và 598 nghìn người so với cùng kỳ năm 2015; Tổng số thu là 50.945 tỷ đồng, đạt 21,7% so với kế hoạch giao, tăng 7.911 tỷ đồng (18,4%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu BHXH bắt buộc là 34.669 tỷ đồng (đạt 22,9% kế hoạch giao), thu BHXH tự nguyện là 197 tỷ đồng (đạt 15,3% kế hoạch giao), thu BH thất nghiệp là 2.512 tỷ đồng (đạt 24,4% kế hoạch giao), thu BHYT là 13.481 tỷ đồng (đạt 20,8% kế hoạch giao).

Về phát triển đối tượng tham gia BHYT, đã có 56 tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo hoặc kế hoạch tổ chức thực hiện Quyết định số 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 43 tỉnh, thành phố đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng BHXH cho hộ cận nghèo, trong đó 29 tỉnh hỗ trợ cả 30%, 14 tỉnh hỗ trợ dưới 30%.

Trưởng Ban Thu Trần Đình Liệu báo cáo về công tác thu và phát triển đối tượng

Công tác cải cách hành chính, giao dịch điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Trên cơ sở tổng rà soát các thủ tục hành chính của Ngành, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo hướng thuận lợi và tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Xác định triển khai giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT là một trong những nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm của ngành nên đã tích cực hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ để liên thông với phần mềm giao dịch điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giao dịch điện tử vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: cán bộ làm công tác BHXH ở một số đơn vị sử dụng lao động chưa nắm vững nghiệp vụ BHXH cũng như sử dụng phần mềm vì vậy cán bộ BHXH phải hướng dẫn nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ; cơ sở vật chất, máy tính, đường truyền Internet… của một số cơ quan, doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.

BHXH các tỉnh, thành phố đã quyết liệt triển khai công tác lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT. Tính đến ngày 10/4/2016, toàn quốc đã lập dữ liệu 84,6 triệu người, đạt 92,5 dân số cả nước. 14 tỉnh, thành phố có kết quả nhập dữ liệu đạt 100% dân số, bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng. Tuy mẫu kê khai lập danh sách hộ gia đình được thiết kế đơn giản, đủ thông tin để cấp mã định danh theo quy định nhưng một số hộ gia đình chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc kê khai danh sách nên vẫn còn sai sót, thiếu thông tin, chưa kê khai hết các tiêu chí, khó dịch, sửa đổi, dập xóa nhiều nên khó xác định thông tin.

Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao, theo Trưởng Ban Thu Trần Đình Liệu cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong nhân dân về chính sách BHXH, BHYT để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trong tham gia và thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Khẩn trương hoàn thành việc lập danh sách người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện BHXH, BHYT; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc cung cấp thông tin về doanh nghiệp…

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Hùng Sơn đã triển khai nội dung Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Theo ông Lê Hùng Sơn, Nghị định 01/2016/NĐ-CP là cơ sở pháp lý để BHXH Việt Nam triển khai việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Việc tăng cường chức năng thanh tra cho ngành đã khẳng định vai trò của Ngành, trở thành tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác. Quy định về đổi tên một số đơn vị trực thuộc giúp việc Tổng Giám đốc từ Ban thành Vụ nhằm bảo đảm phù hợp với vai trò, chức năng của cơ quan BHXH trong việc thực hiện một số nhiệm vụ có tính chất quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc đổi tên, chuyển đổi mô hình tổ chức Ban Tuyên truyền thành Trung tâm Truyền thông là nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, đúng theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.

Hội nghị còn được nghe Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra Trần Đức Long triển khai Nghị định số 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan BHXH; Vụ trưởng vụ Tài chính – Kế toán Nguyễn Thị Thanh Xuân triển khai việc thực hiện cơ chế tài chính mới theo Quyết định 60/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch Đầu tư Đặng Thu Hà báo cáo về công tác kế hoạch và đầu tư của Ngành.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, quý I/2016, toàn Ngành đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả khả quan. Nghị định 01/2016/NĐ-CP, Nghị định số 21/2016/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Ngành, tuy nhiên một số ban nghiệp vụ cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ mới được giao. Ở địa phương, việc thực hiện một số quy trình nghiệp vụ không thay đổi, thêm chức năng, nhiệm vụ trong khi biên chế không được tăng, đòi hỏi mỗi cán bộ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố.

Về công tác thanh tra, phải xây dựng toàn bộ các quy trình, quy định từ Trung ương đến địa phương; chú trọng đào tạo đội ngũ thanh tra. Phải làm thí điểm ở Trung ương trước, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai ra BHXH các tỉnh, thành phố. Quyết liệt triển khai việc rà soát, nhập dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Các ban nghiệp vụ phải có trách nhiệm cùng BHXH TP Hồ Chí Minh - đơn vị đang triển khai thí điểm phần mềm lõi, tháo gỡ khó khăn về quy trình nghiệp vụ, sau đó triển khai thống nhất trong toàn quốc. Toàn Ngành quyết liệt triển khai các hoạt động nghiệp vụ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quý II/2016./.



Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam