Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

14/04/2016 01:18 AM


Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và hơn 60 đại biểu là phóng viên các báo, tạp chí, cán bộ Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Thực tế của Việt Nam trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho thấy mặc dù hiện nay, tỷ lệ đại biểu nữ còn phổ biến dưới 30%, nhưng các đại biểu nữ đã mang tới diễn đàn chính sách ở Trung ương cũng như địa phương những ý kiến và quan điểm gây sự quan tâm, chú ý về tầm quan trọng của vấn đề, về tác động xã hội, các góc nhìn về giới, các vấn đề của phụ nữ, vấn đề môi trường, bạo lực gia đình, sinh kế, lao động, giáo dục, bảo vệ trẻ em, phát triển bền vững… Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng thừa nhận, chính trị là một lĩnh vực mà nam giới vốn chiếm ưu thế. Chuẩn mực xã hội, hình ảnh rập khuôn về phụ nữ và vai trò của họ, nhận thức về năng lực và sự kiên trì của họ… đã tạo thành những áp lực, những thách thức rất lớn và các rào cản đối với những phụ nữ mong muốn được tham gia vào chính trị nói chung và cơ quan dân cử nói riêng. Do đó, theo Thứ trưởng, việc hỗ trợ nâng cao nhận thức công chúng để phá vỡ định kiến cho rằng về mặt bản chất thì nam giới phù hợp với vị trí lãnh đạo hơn so với nữ giới là vai trò vô cùng quan trọng của truyền thông.

Toàn cảnh hội thảo

Xét về khía cạnh đại diện, tham gia cơ quan dân cử là tham gia đại diện cho dân cư thuộc mọi tầng lớp xã hội, nghề nghiệp và giới tính. Phụ nữ chiếm tới hơn một nửa dân số thế giới, và tỷ lệ này cũng đúng với nước ta, vì vậy, phụ nữ càng phải tham gia vào cơ quan dân cử để có tỷ lệ đại diện bình đẳng với nam giới. Mặt khác phụ nữ không thua kém nam giới về năng lực, nhất là năng lực trong công tác cộng đồng, tiếp xúc và thuyết phục các tầng lớp dân cư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định thì cần có ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước. Cũng chính vì vậy, chỉ tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là một chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đây cũng là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới.

Cũng tại hội thảo, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, phương tiện truyền thông là một lực lượng mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi và ảnh hưởng lớn nhất của truyền thông trong chính trị là trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử. Truyền thông có thể đóng một vai trò có sức ảnh hưởng quyết định theo nhiều cách để giúp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị.

Trong thời điểm cả nước ta đang hướng tới kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Hội thảo được tổ chức là một sáng kiến rất có ý nghĩa nhằm trao đổi, chia sẻ, tìm ra cách thức truyền thông hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu mong muốn. Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, trong thời điểm quan trọng này, các cơ quan truyền thông có thể tập trung tuyên truyền về một số nội dung như sau:

Thứ nhất, truyền thông cụ thể đối với từng nhóm đối tượng:

Nhóm đối tượng là người xây dựng chính sách và trực tiếp thực hiện công tác bầu cử: truyền thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong tham chính, từ đó thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm có ít nhất 30% phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cụ thể như bảo đảm sự cân bằng về giới tính trong các cơ quan có quyền ra quyết định về bầu cử tại địa phương; tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Ủy ban bầu cử các cấp tại địa phương; tránh xếp nữ ứng cử viên vào cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn…

Nhóm đối tượng là cử tri: truyền thông góp phần nâng cao hiểu biết về vai trò, vị trí của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý; giảm thiểu định kiến giới và tích cực ủng hộ phụ nữ tham chính. Đặc biệt đối với cử tri là nam giới, truyền thông cần xây dựng hình ảnh nam giới cùng gánh vác công việc gia đình, vợ chồng chia sẻ quyền ra quyết định đối với những việc quan trọng trong cuộc sống, nam giới và phụ nữ chia sẻ quyền ra quyết định tại cộng đồng và tại nơi làm việc. Và trách nhiệm của nữ cử tri phải tham gia bầu cử trực tiếp, không được “nhờ người đi bầu hộ”, đánh mất quyền, nghĩa vụ công dân của mình.  

Nhóm đối tượng là nữ ứng cử viên: truyền thông góp phần khích lệ họ tự tin về vai trò, khả năng lãnh đạo của mình, từ đó phát huy hết khả năng trong hoạt động tham chính, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Thứ hai, các thông điệp truyền thông cần định hướng và xây dựng những thông điệp cụ thể nhằm truyền tải chủ đề chính và quan điểm rõ ràng cho các nhóm đối tượng khác nhau. Thực tiễn cho thấy các thông điệp truyền thông liên quan đến bình đẳng giới nói chung và phụ nữ tham gia chính trị nói riêng hiện nay còn tập trung vào mô tả những khía cạnh tiêu cực như bạo lực gia đình; phụ nữ là lãnh đạo phải gánh thêm trách nhiệm do vừa phải cố gắng làm người lãnh đạo giỏi, vừa phải là người phụ nữ theo đúng chuẩn mực và phong cách truyền thống; hoặc đưa ra các lời kêu gọi mang tính khẩu hiệu chỉ định. Mặc dù những thông tin như vậy cũng có đóng góp cho việc nâng cao nhận thức, tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại những thông điệp như trên sẽ gây hiệu ứng ngược lại là “trơ thông tin” cho người đọc, và trong nhiều trường hợp có thể tạo phản ứng ngược lại, khiến cho các nỗ lực truyền thông không đạt kết quả như mong đợi./.


Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Theo molisa.gov.vn)