Già hoá dân số: Cần biến thách thức thành cơ hội

20/04/2016 12:35 AM




Tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam bắt đầu trở thành một trong những quốc gia già hoá dân số, với tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã được hưởng “lợi tức dân số”, tức là tăng trưởng kinh tế cao tạo ra bởi lợi thế từ nhóm dân số đang ở độ tuổi lao động.


Nhu cầu chăm sóc y tế cho người già sẽ tăng cao-Ảnh minh họa

“Lợi tức” này hiện đã được sử dụng gần hết vì thành phần dân số ở độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 2013 và hiện nay đang bắt đầu giảm xuống. “Dân số Việt Nam trong những năm tới sẽ có sự thay đổi lớn khi tỉ lệ lao động đạt đỉnh điểm. Cùng với đó là tốc độ già hoá dân số diễn ra nhanh chóng, Việt Nam chỉ mất 18 năm để nhóm dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Do đó, già hoá dân số đặt ra những thách thức lớn đối với quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam, nhất là vấn đề bảo vệ lợi ích NLĐ”- bà Victoria Kwakwa- Giám đốc quốc gia WB nhận định.

Dự báo của Liên Hợp quốc cho thấy, lực lượng lao động ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống nhanh chóng sau năm 2035. Số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm hơn 18% dân số. Đến năm 2040, tỉ lệ phụ thuộc của người cao tuổi lên NLĐ- là số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở độ tuổi từ 15- 64 sẽ tăng lên xấp xỉ 26 (hiện nay là 10), trong khi số lượng tuyệt đối người ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống.

Thay đổi chính sách để “thích ứng”

Cũng theo báo cáo của WB, tốc độ già hoá nhanh đang tạo ra thách thức về chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như nhiều rủi ro xã hội khác. Nếu không cải cách thì chi hưu trí sẽ tăng lên mức 8%- 10% GDP vào năm 2070. Đồng thời hệ thống y tế chưa được chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh vì các bệnh như ung thư, bệnh tim, tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi KCB vào năm 2030. Trong khi đó, lớp người cao tuổi sẽ nhận được sự chăm sóc từ gia đình ít hơn.

Để giảm tác động tiêu cực của già hoá dân số, WB cho rằng giải pháp tăng lực lượng lao động là kéo dài thời gian lao động của NLĐ cao tuổi. Đặc biệt, khả năng tăng tuổi lao động đối với người dân đô thị ở Việt Nam vẫn còn lớn. Tuy nhiên, vấn đề này lại nảy sinh nguy cơ khác do tăng trưởng, đô thị hoá và mở rộng các chương trình an sinh xã hội sẽ làm cho khu vực nông thôn bắt chước khu vực thành phố nghỉ hưu sớm. Chính vì vậy, cần thực hiện thay đổi chính sách để tận dụng lợi thế về cung lao động. Các thay đổi cần thiết sẽ là những thách thức về mặt chính trị và đòi hỏi thay đổi hành vi đáng kể từ phía NLĐ, chủ DN và toàn xã hội. “Muốn kéo dài thời gian lao động của người cao tuổi, cần thực hiện cải cách BHXH, chính sách lao động và chính sách di trú”- WB khuyến nghị.

Còn ông Giang Thanh Long- Giám đốc Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, người già bệnh nặng, sức yếu, chi phí y tế lớn là một trong nhiều vấn đề mà Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á đang phải đối mặt, tạo nhiều áp lực kinh tế và rủi ro xã hội. Nếu không cải cách thì chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên và hệ thống y tế cũng chưa chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh. Chính vì vậy, cần có những chính sách phù hợp để kích thích sự đóng góp, sức lao động của người già hơn là nhìn họ như những người lệ thuộc, phải chăm sóc. “Dự báo, dân số già sẽ tăng lên trong khoảng thời gian đến năm 2035, sau đó sẽ giảm dần, không thể giảm ngay. Căn cứ vào đó, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội rất tốt bắt kịp xu thế dân số già trong vòng 3- 4 thập kỷ tới. Hệ thống an sinh xã hội cần tập trung vào người cao tuổi nông thôn vì tỉ lệ người có BHXH, BHYT, hưu trí thấp, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, tích luỹ thấp.”- ông Long nhận định./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội