Tuyên truyền về công tác bầu cử - huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia.

22/04/2016 02:17 AM


Kết quả, đến nay 100% huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch TT-TT về  bầu cử tại địa phương. Qua gần 1 tháng triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền bầu cử đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng. Qua đó cho thấy cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc để phục vụ cho công tác tuyên truyền đảm bảo để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, đi bầu đủ, bầu đạt.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử Sở đã có Công văn số 631/SVHTTDL-NVVH ngày 06/4/2016 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ bầu cử và các ngày lễ lớn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo Phòng Văn hóa –Thông tin kiểm tra, sửa chữa, làm mới các cụm pa nô, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động trực quan về bầu cử gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo thương mại phù hợp, không để ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, Sở đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác tuyên truyền bầu cử bằng phương thức cổ động trực quan, làm mới vị trí cửa ngõ trung tâm thành phố, và trên tuyến đường liên huyện.

Khẩu hiệu tuyên truyền về công tác bầu cử được triển khai trên các tuyến phố tại thành phố
Buôn Ma Thuột.

Tại các tuyến đường ở địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, công tác tuyên truyền bầu cử được các đơn vị triển khai bằng phương pháp cổ động trực quan như: trang trí lại 10 hộp đèn lớn, thay đổi nội dung trên 32 panô, tháo gỡ 360 bảng biển tuyên truyền kết hợp quảng cáo tại các trục đường để tập trung phục vụ cho khẩu hiệu liên quan đến công tác bầu cử. Ngoài ra, UBND các xã, phường, thị trấn cũng tiến hành thay mới các cụm cờ được trang trí tại các cổng thôn, buôn, tổ dân phố góp phần chuyển tải thông điệp bầu cử đến người dân kịp thời.

Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh trình diễn kịch bản về công tác bầu cử.

Bên cạnh đó, để hoạt động tuyên truyền thiết thực, gần gũi với người dân, và phục vụ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kết hợp nhiều phương thức tuyên truyền như : cổ động trực quan, xe loa, hội thi, dạ hội điện ảnh…Tất cả đều gắn với thực tiễn ở địa phương để nhằm phát huy được hiệu quả tối đa thông điệp cần chuyển tải. Theo thống kê ban đầu của Trung tâm Văn hóa tỉnh, thời gian qua trung tâm đã thực hiện được 7 buổi biểu diễn lưu động tuyên truyền bầu cử, tuyên truyền bằng xe loa, tham mưu tổ chức liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ 15 về bầu cử. Nội dung chương trình tuyên truyền được dàn dựng xoay quanh các thể loại như kịch thông tin, tấu hài, hỏi đáp về Luật Bầu cử xen kẽ những tiết mục văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước. Dự kiến trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức trưng bày, triển lãm ngoài trời 71 tranh cổ động về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.

Cán bộ Hội Phụ nữ thành phố Buôn Ma Thuột thực hành trình bày về Chương trình hành động của cá nhân tại Hội nghị tập huấn nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Để giúp nữ giới sẵn sàng và tự tin tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chính trị và hành chính công trong nhiệm kỳ tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã bám sát mục tiêu nâng tỷ lệ ứng cử viên nữ ĐBQH và HĐND các cấp đạt từ 35% trở lên. Từ đó, công tác tuyên truyền về bầu cử của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng được tiến hành dưới nhiều hình thức  vừa tập huấn kết hợp thanh, kiểm tra, tổ chức giao lưu ở các tổ chức Hội cơ sở. Từ tháng 3 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 01 lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho 200 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử HĐND cấp huyện, xã. Đồng thời tiến hành nhiều đợt đi khảo sát thực tế tại các cấp ở cơ sở để nắm bắt tình hình và hỗ trợ những tổ chức Hội làm công tác tuyên truyền, giúp hội viên mạnh dạn tham gia ứng cử. Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, hoạt động trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong công tác tuyên truyền bầu cử là tổ chức tập huấn. Đây vừa là nơi thực tập, giao lưu, chia sẻ những chương trình hành động của các ứng cử viên nữ, giúp chị em tự tin trước mỗi cuộc tiếp xúc cử tri. Mô hình này đã được các thành viên tham gia sôi nổi và các cấp Hội đều chủ động nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ nữ  sau các lần hiệp thương được ứng cử cao hơn so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, tỷ lệ ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tăng 2,2%, từ  28,57% lên 30,76%. Ứng cử viên đại biểu HĐND  cấp tỉnh tăng 2,82%, từ  35% lên 37,82%. Toàn tỉnh có 15/15 huyện, thị, thành phố có tỷ lệ ứng cử viên đại biểu HĐND đạt từ 35% trở lên. Cấp xã tăng 19 đơn vị có tỷ lệ giới thiệu nữ ứng cử viên đạt từ 35% trở lên.

Cần nhắm tới đối tượng cụ thể

Tại cuộc họp Tiểu ban TT- TT diễn ra vào ngày 13/4, các thành viên thuộc Tiểu ban TT- TT đều cho rằng: để tuyên truyền bầu cử sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các thành viên của Tiểu ban TT- TT cần phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt chú ý đến nhóm nông dân, sinh viên, người dân tộc thiểu số...Từ đó, tùy theo chức năng chuyên môn và nhiệm vụ được phân công của từng đơn vị trong công tác tuyên truyền về bầu cử, các đơn vị sẽ phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể, UBND xã, hệ thống truyền thanh cơ sở để triển khai hoạt động tuyên truyền sát với thực tế địa phương, phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn về kỹ năng tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tháng 4/2016.

Xác định tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bầu cử, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng phương thức nghe, nhìn, huy động sự tham gia hệ thống truyền thanh cơ sở và các nhà mạng di động để đảm bảo an toàn – an ninh thông tin trong suốt thời gian diễn ra bầu cử. Sở đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền gửi đến các Đài Truyền thanh – Truyền hình, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, Phòng Văn hóa- Thông tin và đơn vị liên quan đề nghị tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, Sở đã xây dựng 13 chương trình phát thanh tuyên truyền về cuộc bầu cử, thời lượng gốc 224 phút gửi cho Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và 184 Đài Truyền thanh cấp xã phát sóng. Bên cạnh đó, Sở phối hợp cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên thực hiện chương trình Tọa đàm trực tiếp phát sóng trong chương trình Thời sự Tây Nguyên của Đài Tiếng nói Việt Nam để tuyên truyền về công tác bầu cử….  Đồng thời Sở đã tổ chức tập huấn công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử cho các đơn vị liên quan với hơn 110 đại biểu tham dự. Nhờ đó, các cơ quan truyền thông của tỉnh đã bám sát định hướng, chủ động đầu tư về thời lượng, hình thức, chất lượng của sản phẩm truyền thông tuyên truyền về bầu cử. Cụ thể, Báo Đắk Lắk đăng 43 tin, bài, xây dựng chuyên mục “Tiến tới Ngày bầu cử đại Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021”… Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đăng phát 117 tin, bài, phóng sự; 02 chuyên đề thời lượng (1 chuyên đề phát thanh, 1 chuyên đề truyền hình) phát trong chương trình thời sự và lồng ghép vào các chuyên mục khác (mỗi tin, bài phát 3 lần). Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đăng phát 453 tin, bài về bầu cử; xây dựng 88 chương trình chuyên trang, chuyên mục về bầu cử; phát sóng 4.224 phút chương trình truyền hình tuyên truyền bầu cử; 7.560 phút  chương trình phát thanh tuyên truyền về bầu cử do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp.
Ông Trần Chi – Trưởng Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Krông Năng cho biết: công tác tuyên truyền về bầu cử của Đài luôn bám sát theo định hướng của UBBC tỉnh và Tiểu ban TT-TT. UBND huyện cũng tổ chức sửa chữa cụm loa tại các xã, phường. Từ tháng 03/2016 đến nay, Đài đã tiến hành 02 đợt tuyên truyền -Ngoài việc tổ chức thực hiện phát sóng theo chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông cấp phát, phóng viên của Đài cũng xây dựng được khoảng 30 tin, bài phản ánh về công tác chuẩn bị bầu cử địa phương nhằm thông tin đến nhân dân trong huyện nắm bắt kịp thời.
Qua triển khai thực tế cho thấy, việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền tuy còn nhiều bất cập do chưa tập trung vào từng đầu mối cụ thể khi ban hành. Tuy nhiên, kết quả thực hiện đã tạo nên sức mạnh lan tỏa giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nắm vững được những quy định của pháp luật về bầu cử, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, từ đó phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bối cảnh bầu cử hiện nay khác xa 5 năm về trước do việc bùng nổ thông tin, sức chi phối của mạng xã hội rất lớn. Do đó, đơn vị làm công tác tuyên truyền phải lưu ý nắm bắt dư luận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo từng đợt, từng nội dung cụ thể để kịp thời có định hướng dư luận bằng những nguồn tin chính thống,  ông Trần Trung Hiển – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Tiểu ban TT-TT nhấn mạnh./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk