Người cao tuổi đang sử dụng dịch vụ KCB BHYT nhiều nhất

25/04/2016 01:01 AM




Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS-TS.Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ là nền tảng để đảm bảo tài chính bền vững, chất lượng dịch vụ y tế, ổn định nguồn tài chính và kiểm soát quỹ BHYT, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi của bệnh nhân, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thực hiện lộ trình xây dựng và triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, trong thời gian qua, Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, các bên liên quan đã triển khai các hoạt động, bao gồm thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng lộ trình thực hiện, dự thảo thành lập hội đồng thường trực về GDVYTCB và hoàn thành điều tra thống kê BHYT tại 7 tỉnh thí điểm.

Báo cáo kết quả Phân tích thống kê BHYT trong lộ trình xây dựng GDVYTCB giai đoạn II đã nêu ra các phát hiện chính gồm: Xu hướng của các nhóm tham gia BHYT; tỉ lệ sử dụng dịch vụ và chi phí; sự khác nhau giữa các tỉnh.

Cụ thể, về xu hướng các nhóm tham gia BHYT, tỉ lệ tham gia đạt gần 100% đối với nhóm >60 tuổi, nhưng lại thấp rõ rệt ở nhóm tuổi trung niên và thấp nhất ở nhóm từ 40-59 tuổi.

Về tỉ lệ sử dụng dịch vụ và chi phí, thống kê cho thấy tần suất KCB ngoại trú ở mức 1,5- 2,0/người/năm, riêng Đồng Tháp là tỉnh có tần suất gấp đôi tần suất trung bình. Chi phí KCB ngoại trú theo các nhóm được BHYT chi trả tăng đều trong các năm từ 2008 đến 2012, sau đó giảm và ổn định… TP.HCM có chi phí KCB ngoại trú cao nhất, giữ ổn định ở mức trên trung bình. Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có chi phí thấp hơn mức trung bình đáng kể.

Chi phí trung bình KCB nội trú tăng ở tất cả các tỉnh, tương đối ổn định ở mức từ 15-20%/năm, riêng TP.HCM có tỉ lệ KCB nội trú cao nhất theo các nhóm được BHYT chi trả. Đặc biệt, chi phí KCB nội trú và ngoại trú đều cho thấy tỉ lệ cao hơn ở nhóm người cao tuổi và có sự khác biệt rõ rệt giữa các tỉnh. Cụ thể, nhóm người cao tuổi chiếm 41% tổng chi phí KCB nội trú; nhóm người từ 40 tuổi trở lên chiếm khoảng 70% tổng chi phí KCB nội trú.

Tỉ lệ phí BHYT thu được và cho phí có xu hướng giảm rõ rệt từ năm 2012-2013 và hiện đang ở mức 65%-70%

Từ kết quả phân tích này, nhóm nghiên cứu đề xuất các vấn đề cần quan tâm trong thực hiện chính sách và các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, với chiến lược thứ nhất là “Tăng tỉ lệ tham gia BH lên đến 80%”, BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng cần tập trung tăng tỉ lệ tham gia BH ở nhóm tuổi từ 20-39 và từ 40-59.

Chiến lược thứ hai là: “Tìm hiểu lý do tại sao chi phí của việc cung cấp dịch vụ lại khác biệt rõ rệt giữa các tỉnh”. Phân tích các chi phí cơ bản của việc cung cấp dịch vụ ở các tỉnh này và tại sao lại có sự khác biệt giữa các tỉnh (bao gồm cả việc thu thập thêm số liệu từ các cơ sở y tế).

Chiến lược 3: “Gói DVYTCB cần bao gồm tất cả các dịch vụ cần thiết cho nhóm cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên)”. Nhóm nghiên cứu lưu ý: Hầu như tất cả nhóm cao tuổi hiện nay đang có BHYT và là nhóm sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất, chiếm khoảng 50% chi phí KCB nội trú. Do đây là nhóm điển hình sử dụng các dịch vụ KCB BHYT nhiều nhất nên bất cứ thay đổi nào trong việc cung cấp DVYT cho nhóm người cao tuổi sẽ có tác động lớn tới tình hình tài chính chung của quỹ BHYT, đặc biệt là với nhóm dân số già hóa.

Bộ Y tế khẳng định: Xây dựng GDVYTCB do quỹ BHYT chi trả tại Việt Nam là một vấn đề mới, rất khó. Theo quy định, việc xây dựng GDVYTCB do quỹ BHYT chi trả phải được xây dựng trước 2018 và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Do đó, cần phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để xác định dịch vụ là cơ bản/thiết yếu. Sau đó, thông qua 28 Hội đồng chuyên môn để loại bỏ, xây dựng điều kiện thanh toán cho các dịch vụ có tác động lớn nhất đến quỹ BHYT, nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng KCB. Cách tiếp cận xây dựng GDVYTCB có thể áp dụng phương pháp từ trên xuống (TOP-DOW) hoặc/và từ dưới lên (BOTTOM-UP) để có được kết quả phù hợp với thực tế nhất./.


Nguồn: Theo Báo Bảo hiểm xã hội