Triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH

26/04/2016 12:51 AM



Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT với Đoàn công tác

Theo Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam, đến hết ngày 31/3/2016, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 69,8 triệu, đạt 95,2% kế hoạch giao, tăng 11,5 nghìn người so với cuối năm 2015 và 598 nghìn người so với cùng kỳ năm 2015; Tổng số thu là 50.945 tỷ đồng, đạt 21,7% so với kế hoạch giao, tăng 7.911 tỷ đồng (18,4%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu BHXH bắt buộc là 34.669 tỷ đồng (đạt 22,9% kế hoạch giao), thu BHXH tự nguyện là 197 tỷ đồng (đạt 15,3% kế hoạch giao), thu BH thất nghiệp là 2.512 tỷ đồng (đạt 24,4% kế hoạch giao), thu BHYT là 13.481 tỷ đồng (đạt 20,8% kế hoạch giao).

BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19/NQ-CP để giảm thiểu các biểu mẫu, các chỉ tiêu trong các biểu mẫu hồ sơ, tờ khai nhằm cắt giảm tối đa thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân. Cụ thể, đã cắt giảm từ 115 thủ tục xuống còn 33 thủ tục; số lượng hồ sơ giảm 56%; chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu giảm 82%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 78%. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT của các đơn vị, DN giảm từ 235 giờ xuống còn 81 giờ.

Trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã thực hiện kiểm tra BHXH tại 14 tỉnh, kiểm tra đột xuất công tác giám định, thanh quyết toán chi phí tại 03 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra đã phát hiện 1.117 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 10.808 lao động đóng thiếu mức đóng, thời gian đóng; thu hồi về quỹ BHXH hơn 1,6 tỷ đồng, quỹ BHYT hơn 21 tỷ đồng chi không đúng quy định và hơn 11 tỷ đồng trả chế độ BHXH cho người đã nghỉ việc. Tại BHXH các địa phương đã tiến hành kiểm tra 16.950 đơn vị, đã phát hiện 43.268 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc, 1309 lao động truy đóng không đúng quy định phạm và đề nghị thu hồi hơn 69 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, báo cáo về công tác thu và phát triển đối tượng, Trưởng Ban Thu Trần Đình Liệu cho biết, số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 13.096 tỷ đồng, chiếm 6% kế hoạch thu, giảm 0,4% so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm 2015. Trong đó, nợ BHXH là 9.547 tỷ đồng (chiếm 72,9% tổng số nợ); nợ BH thất nghiệp là 539 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng số nợ); nợ BHYT là 3.010 tỷ đồng (chiếm 23% tổng số nợ). Hiện nay, có rất nhiều vướng mắc trong giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động tại các DN trốn đóng, nợ đóng BHXH hoặc có chủ bỏ trốn. Trong đó, đặc biệt là có tới hơn 4.000 lao động của 106 DN chủ nước ngoài bỏ trốn với số tiền nợ là 51,5 tỷ đồng; 1,4 nghìn lao động của 1.931 DN trong nước không còn hoạt động sản xuất kinh doanh với số tiền nợ là 89,5 tỷ đồng. BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện, khi phát hiện ra DN không đóng BHXH, đến nơi chủ DN đã bỏ trốn về nước trong khi tài sản đều đã bị cầm cố ở ngân hàng. BHXH Việt Nam đang kiến nghị đưa ra giải pháp, khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc phá sản, ưu tiên trước tiên là trả lương cho người lao động và sau đó là trả nợ BHXH thì mới đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách BHYT, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn nêu rõ: Năm 2015, cả nước có 69,97 triệu người tham gia BHYT, tăng khoảng 4,4 triệu người (tương đương với 4,8%)  so với năm 2014, đạt 100,9% so với kế hoạch giao. Năm 2016, BHXH Việt Nam cố gắng đưa độ bao phủ lên 78% dân số, phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Việc tăng độ bao phủ BHYT sẽ ngày càng khó khăn đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ngành BHXH.

Báo cáo về tình hình chậm thực hiện việc cấp thẻ BHYT cho nhân dân vùng bãi ngang, ven biển, ông Phạm Lương Sơn cho biết, Nhà nước đã đưa rất nhiều đối tượng thuộc diện ưu đãi xã hội trong đó có những người dân thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân thuộc vùng bãi ngang ven biển, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là được cấp thẻ BHYT miễn phí. Bộ Tài chính cũng đã bố trí nguồn ngân sách để cấp từ Trung ương về các địa phương. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có 131 xã thuộc 22 tỉnh, Thành phố thuộc diện xã bãi ngang. Một số tỉnh triển khai rất tích cực nhưng một số tỉnh cũng còn đang chậm. Trong việc cấp chậm thẻ BHYT, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan. BHXH cấp tỉnh, thành phố sẽ cấp thẻ BHYT trên cơ sở danh sách của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển sang. Việc chậm này là trách nhiệm của nhiều cấp trong đó có một phần của cơ quan BHXH. BHXH cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho UBND cấp tỉnh, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng, thúc đẩy nhanh việc lập danh sách, việc đảm bảo nguồn tài chính, rà soát, in thẻ và đưa thẻ đến với người dân khi thẻ đã được in ra.

Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra Trần Đức Long cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có sự phối hợp rất tích cực của Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Bộ Lao động trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra ở hai bộ này còn mỏng mà khối lượng công việc quá nhiều, thanh tra BHXH, BHYT chỉ là hai nhánh nhỏ trong hoạt động nghiệp vụ nên còn nhiều lúc chưa thanh tra được kịp thời, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trước đây, cơ quan BHXH chưa có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; nội dung xử lý sau kiểm tra mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên các kiến nghị này cũng chưa được xem xét triệt để; việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của cơ quan chức năng còn ít và chưa có hiệu quả răn đe.

Ngày 31/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT của cơ quan BHXH tạo thuận lợi cho ngành BHXH trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Hiện nay, ngành BHXH có trên 5.000 cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả cán bộ thu, chi của BHXH các tỉnh, thành phố).

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh kiến nghị, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn BHXH Việt Nam nghiệp vụ về chức năng thanh tra chuyên ngành và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; quan tâm phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho công chức, viên chức cơ quan BHXH; chỉ đạo Thanh tra Nhà nước ở các địa phương quan tâm, hướng dẫn cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn. Thanh tra Chính phủ quan tâm đến lĩnh vực BHXH, BHYT để có những kiến nghị kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình nghiệp vụ.

Trong việc triển khai thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật và Nghị định 21/2016/NĐ-CP, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn nhấn mạnh, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ; Tập trung công tác thanh tra, kiểm tra vào một số lĩnh vực như: nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bội chi quỹ BHYT, lạm dụng trong khám chữa bệnh BHYT,…; Nghiên cứu kỹ Luật Thanh tra và bám sát các hoạt động nghiệp vụ của mình để xây dựng Quy trình thanh tra; Rà soát, thống kê lại số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn theo các vùng miền. Thanh tra Chính phủ sẽ hỗ trợ BHXH Việt Nam trong đào tạo nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác này đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật; Đồng thời sẽ hỗ trợ hoặc chỉ đạo thanh tra trong lĩnh vực nợ đọng BHXH, BHYT đối với các đơn vị, DN có khả năng nhưng chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT./.


Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam