Bảo đảm An sinh xã hội cho trẻ em

06/05/2016 02:57 AM



Với  7 Chương 106 Điều, Luật Trẻ em thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 bảo đảm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tương thích hơn với Công ước của LHQ về quyền trẻ em.
Luật Trẻ em cũng góp phần tạo khuôn khổ pháp lý với những quy định đổi mới, bổn phận trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Điều 33 Luật Trẻ em quy định rõ: Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm An sinh xã hội theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.
Về chăm sóc sức khỏe trẻ em, Điều 43 quy định: Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho trẻ em theo quy định của pháp luật về BHYT phù hợp với độ tuổi, nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017.

07 văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 bao gồm: Luật Báo chí, Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Dược; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Điều ước quốc tế.


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội