Tổ chức thực hiện tốt Luật BHXH 2014 đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới

06/05/2016 07:29 AM



1. Những điểm mới của Luật BHXH 2014
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Nhằm tăng nhanh diện bao phủ BHXH theo mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Luật BHXH 2014 đưa ra nhiều quy định nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, cả trong BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, cụ thể: Mở rộng BHXH bắt buộc đến các đối tượng người có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động (áp dụng từ năm 2018); người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đi làm việc theo quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam ở nước ngoài - nhóm đối tượng này được tham gia BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Đối với BHXH tự nguyện, Luật không giới hạn trần tuổi tham gia như quy định tại Luật BHXH 2006, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc) có nguyện vọng, đều được tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, quy định mức sàn thu nhập tối thiểu đóng BHXH tự nguyện bằng chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn (hiện nay là 400.000 đồng) để phù hợp với khả năng tham gia của người dân; quy định Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện tiền đóng BHXH; quy định phương thức đóng BHXH một cách linh hoạt hơn (có thể đóng BHXH một lần cho nhiều năm còn thiếu hoặc nhiều năm sau).
Bổ sung thêm quyền của người lao động khi tham gia BHXH
Luật BHXH 2014 bổ sung một số quyền cho người lao động tham gia BHXH như: Quyền được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH (quy định hiện hành giao cho người sử dụng lao động quản lý); được người sử dụng lao động định kỳ cung cấp thông tin về việc đóng BHXH; hàng năm, được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH. Quyền được chủ động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ và được Quỹ BHXH thanh toán phí giám định y khoa khi đủ điều kiện hưởng. Với những quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động giám sát người sử dụng lao động trong việc tham gia đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi của mình.
Quy định quản lý nhà nước về BHXH
Nhằm phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về BHXH, Luật 2014 bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trong đó, đáng chú ý: Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động; UBND các cấp có trách nhiệm xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình HĐND cùng cấp quyết định.
Quyền và trách nhiệm của cơ quan BHXH
Luật BHXH 2014 giao bổ sung một số quyền cho cơ quan BHXH, trong đó: Giao chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN và xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực này. Quyền được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập; định kỳ 06 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn; được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của người sử dụng lao động, định kỳ hằng năm được cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động…
Cùng với đó, trách nhiệm của cơ quan BHXH cũng được Luật BHXH 2014 tăng lên rất nhiều: Hàng năm, xác nhận thời gian đóng BHXH cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ; cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của người lao động hàng năm để người sử dụng lao động niêm yết công khai; hàng năm, báo cáo UBND cùng cấp về tình hình thực hiện BHXH, BHYT, BHTN.
Sửa đổi, bổ sung các chế độ BHXH
Các quy định về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tách ra để đưa vào Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016; vì vậy, các quy định về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của Luật BHXH năm 2006 vẫn được tiếp tục thực hiện đến hết tháng 06/2016. Ngoài ra, trong kết cấu của từng chế độ BHXH, cũng có những thay đổi theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động, cân bằng đóng – hưởng và bảo đảm An sinh xã hội trong dài hạn. Đồng thời, sửa đổi nhiều nội dung trong chế độ BHXH tự nguyện nhằm thống nhất chính sách giữa BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện về chế độ hưu trí, tử tuất như công thức tính lương hưu; thời điểm hưởng lương hưu; BHXH một lần; chế độ tử tuất...
Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
Quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thiết kế theo hướng từ khi Luật này có hiệu lực thi hành đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Xử lý vi phạm pháp luật về BHXH
Cùng với việc giao chức năng thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH, Luật cũng giao cụ thể thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cho cơ quan BHXH. Sửa đổi quy định về việc phạt đối với số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng BHXH (hiện nay bằng lãi đầu tư của Quỹ BHXH).
Các quy định trên sẽ làm cho việc tuân thủ pháp luật BHXH nghiêm minh hơn, hạn chế được tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, nợ đọng để chiếm dụng tiền đóng BHXH, sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao hơn và thủ tục phức tạp hơn như mức tiền phạt lãi hiện hành.
Hồ sơ và trình tự thực hiện BHXH
Trên cơ sở pháp điển hóa các quy định về thủ tục, hồ sơ từ các văn bản hướng dẫn thi hành luật; tiếp thu phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ liên quan đến thủ tục thực hiện, Luật quy định cụ thể và đầy đủ hơn về hồ sơ, quy trình thực hiện, giảm thời gian thực hiện thủ tục. Khác biệt căn bản trong quy định của Luật này là thay đổi quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản theo hướng cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ từ người sử dụng lao động, giải quyết, tổ chức chi trả cho người lao động thông qua các hình thức khác nhau (quy định hiện nay là người sử dụng để lại 2% trên tổng quỹ tiền lương đóng BHXH để giải quyết và chi trả kịp thời chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động tại đơn vị, sau đó quyết toán với cơ quan BHXH); đồng thời, giảm thời hạn giải quyết của cơ quan BHXH từ 15 ngày xuống còn 10 ngày.

2. Thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai và những kết quả bước đầu
Với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia và tăng tính bền vững của hệ thống BHXH, Luật BHXH 2014 là sự phát triển, kế thừa Luật BHXH 2006, những kết quả thực hiện chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH 2006 chính là thuận lợi cơ bản nhất để việc tổ chức thực hiện Luật BHXH 2014 thành công. Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về công tác BHXH có chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành, tạo thuận lợi hơn. Chính sách BHXH với vai trò là một trong hai trụ cột chính quan trọng của hệ thống An sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn phát sinh.
Là đơn vị được giao trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHXH Việt Nam chủ động, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các công việc chuẩn bị triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2014: đánh giá, tổng kết, nghiên cứu, xây dựng và triển khai các văn bản quản lý nghiệp vụ, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ, triển khai tập huấn nghiệp vụ theo quy định của Luật BHXH 2014 trên phạm vi toàn quốc… Bên cạnh đó, năm 2015, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên các nội dung thu, chi, quản lý các quỹ; cải cách hành chính, tạo đà cho việc triển khai Luật BHXH trong năm 2016 được thuận lợi.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng có không ít những khó khăn cả về khách quan và chủ quan như: Các văn bản hướng dẫn thực hiện chậm ban hành: Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016 nhưng đến 11/11/2015 mới ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật về BHXH bắt buộc, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn về BHXH tự nguyện ngày 29/12/2015; Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện BHXH bắt buộc ngày 29/12/2015; ngày 31/3/2016 mới ban hành Nghị định quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH…
Ngoài ra, các văn bản có liên quan về tiền lương khu vực doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động cũng chậm được ban hành (Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động… trong đó có nội dung về tiền lương cũng đến ngày 26/11/2015 mới ban hành…). Do đó, các doanh nghiệp không triển khai kịp thời các quy định mới của Bộ luật Lao động về tiền lương để làm căn cứ thu BHXH theo quy định của Luật BHXH sửa đổi.
Nhằm thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực BHXH, công tác giao dịch điện tử trong kê khai thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN được cơ quan BHXH triển khai từ năm 2015 nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn do các đơn vị, doanh nghiệp nhỏ ít có phát sinh thay đổi thông tin, không có cán bộ làm công tác BHXH, BHYT chủ yếu là kiêm nhiệm; hạ tầng, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nền kinh tế tuy đã có phục hồi chậm nhưng vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ, nợ BHXH, BHYT, phá sản, giải thể, giảm quy mô sản xuất kinh doanh, giảm nhu cầu lao động. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH chậm, nợ đóng, chậm đóng BHXH của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Thu nhập của người dân còn thấp, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện khó khăn.
Tính tuân thủ pháp luật về BHXH chưa chuyển biến đáng kể, tình trạng cố tình trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng còn nhiều. Pháp luật về BHXH chưa quy định cơ chế xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN, những khoản nợ không có khả năng thu hồi của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động do chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích chưa được xử lý, ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH của người lao động.
Với nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống BHXH, tính đến hết ngày 31/03/2016, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHTN là 12,285 triệu người. Trong đó, BHXH bắt buộc là 12,09 triệu người, đạt 97,1% kế hoạch, tăng 11,5 nghìn người so với thời điểm cuối năm 2015 và tăng 589 nghìn người so với cùng kỳ 2015; BHXH tự nguyện là 195 nghìn người, đạt 67,8% kế hoạch giao, giảm 30,7 nghìn người so với thời điểm cuối năm 2015, nguyên nhân do đối tượng hoạt động không chuyên trách cấp xã đang tham gia BHXH chuyển sang đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH 2014; BHTN là 10,3 triệu người, đạt 98,2% kế hoạch giao.
Tổng số thu BHXH, BHTN là 37.378 tỷ đồng, trong đó: thu BHXH bắt buộc là 34.669 tỷ đồng, đạt 22,9% kế hoạch giao; thu BHXH tự nguyện là 197 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch giao; thu BHTN là 2.512 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch giao. Tính đến hết ngày 31/03/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHTN là 10.086 tỷ đồng, trong đó: Nợ BHXH là 9.547 tỷ đồng, nợ BHTN là 539 tỷ đồng (trong số nợ BHTN, đơn vị sử dụng lao động nợ 504 tỷ đồng; ngân sách nhà nước chưa chuyển trả 35 tỷ đồng hỗ trợ đóng BHTN.

3. Cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Để Luật BHXH 2014 đi vào cuộc sống, phát huy được những điểm mới, tiến bộ trong thiết kế chính sách, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới, mở rộng hơn phạm vi bao phủ của sàn An sinh xã hội và vì một hệ thống An sinh xã hội bền vững, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cơ quan tổ chức thực hiện cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Một là, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần khẩn trương ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) và các Luật chuyên ngành có liên quan như: Luật Vệ sinh, an toàn lao động có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, trong đó có quy định về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Luật Việc làm để từ đó xem xét sự hợp lý của việc kết cấu chế độ BHTN tại luật này, từ đó có đề xuất sửa đổi phù hợp; quy định cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi của người lao động.
Hai là, HĐND các tỉnh, thành phố cần đưa chỉ tiêu mở rộng bao phủ BHXH, BHYT, BHTN vào kế hoạch phát triển hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm của địa phương; trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố cụ thể hóa, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc; chỉ đạo các sở, ngành liên quan như phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin quản lý doanh nghiệp, lao động, tiền lương, tạo điều kiện phục vụ doanh nghiệp, người dân tham gia, thụ hưởng chính sách theo đúng quy định của pháp luật.
Ba là, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan BHXH, đẩy mạnh công tác giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT, kiến nghị kịp thời với cơ quan nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, tạo diều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể tiếp cận chính sách, bảo đảm quyền được An sinh xã hội của mọi công dân theo Hiến định.
Bốn là, đối với Ngành BHXH Việt Nam, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ theo quy định của Luật BHXH 2014 theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, làm cơ sở khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, quyết liệt thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu – nộp BHXH, BHYT, trên cơ sở đó tiếp tục triển khai giao dịch điện tử trong thủ tục hồ sơ hưởng BHXH; tổ chức thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành về thu nộp BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật; không ngừng đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT, BHTN./.


Nguồn: Theo Tạp chí Bảo hiểm xã hội