Sức nặng của lá phiếu

17/05/2016 03:08 AM



Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở nước ta đã trải qua 70 năm kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946.
Nhiều công việc trong các kỳ bầu cử đã thành nền nếp và có kinh nghiệm. Theo đó, tất cả mọi công việc trong chuẩn bị và tiến hành bầu cử đều hướng tới phát huy tốt nhất dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, của mỗi ứng cử viên và mỗi cử tri để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh thật sự của dân, do dân, vì dân.
Sau các hội nghị hiệp thương giới thiệu các ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp, hiện nay, tiến trình của cuộc bầu cử đã bước vào giai đoạn các ứng cử viên tiếp xúc với đại diện cử tri, thực hiện vận động bầu cử. Đây là công việc rất cần thiết và hệ trọng trong mỗi cuộc bầu cử.
Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã có những cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri.
Trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu ngắn gọn và sâu sắc. Người nhấn mạnh: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép ai, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy…”.
Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Bác Hồ thực chất mang ý nghĩa tranh cử cho các đại biểu thật sự vì đất nước, vì đồng bào.
Ở cuộc bầu cử lần này, công việc tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử đã được coi trọng hơn và chú ý tới tính thực chất.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử. Qua đó, cử tri hiểu rõ trình độ, năng lực, đạo đức, bản lĩnh của ứng cử viên mà bản lý lịch trích ngang chưa thể nói hết, từ đó quyết định sẽ lựa chọn ai.
Cũng qua tiếp xúc cử tri mà ứng cử viên hiểu rõ hơn mong muốn của cử tri, từ đó ý thức được trách nhiệm mà người đại biểu của dân phải làm.
Khi tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, các ứng cử viên thường có những lời hứa trước cử tri sẽ làm gì nếu trúng cử.
Các ứng cử viên hoàn toàn có thể hứa làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, hứa không tham nhũng, lãng phí, quan liêu, góp phần làm cho bộ máy Nhà nước thật sự trong sạch vững mạnh. Chắc chắn lời hứa đó sẽ được người cầm lá phiếu bầu ghi nhớ và kiểm chứng. Lời Bác Hồ nhấn mạnh: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh" chính là thước đo lời hứa ấy.
Với mỗi công dân, bầu cử là một hoạt động quan trọng dù công việc này 5 năm mới diễn ra một lần và gói gọn trong một ngày.
Trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu ngày 5/1/1946, Bác Hồ chân thành mong muốn: "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Đi bỏ phiếu để bầu ra người đại biểu của chính mình là quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm công dân cao cả. Đó là quyền làm chủ về chính trị thiêng liêng của công dân. Quyền cơ bản đó là quyền con người mà dân tộc ta phải đổ biết bao xương máu mới giành được.
Chính vì vậy, công dân phải thấy hết giá trị thiêng liêng đó để đi bầu cử với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Mỗi cử tri tự tay cầm lá phiếu để bầu chọn đại biểu mà mình tín nhiệm là hành động vừa nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức chính trị và cũng là cách thể hiện rõ nhất quyền và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm công dân, qua đó, vừa góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Hành động ấy của mỗi công dân cũng chính là công sức góp phần xây dựng Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương trong sạch, liêm chính, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.


Nguồn: Theo chinhphu.vn