Cách tính lương, phụ cấp đóng BHXH

19/05/2016 01:32 AM



Phó Trưởng Ban Thu Đinh Duy Hùng trao đổi tại Hội nghị

Đối tượng tham gia

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: Quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 năm 2014. Trong đó, mở rộng đối tượng:Người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) không cần điều kiện trước đó đã đóng BHXH nhưng chưa hưởng BHXH một lần;Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (cán bộ không chuyên trách cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2016; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2018; Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ (thực hiện từ ngày 01/01/2018; hiện nay chưa có hướng dẫn).

Đối tượng tham gia BH thất nghiệp: Quy định tại Điều 43 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 năm 2013, bao gồm: Người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ 03 tháng trở lên; Người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc (HĐLV) không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn (tập trung trong các đơn vị sự nghiệp công lập); Người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương (Khoản 2 Điều 2 Nghị định só 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về BH thất nghiệp). Đối tượng tham gia BH thất nghiệp theo quy định mới đã mở rộng hơn là hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên trong tất cả các đơn vị sử dụng lao động.

Đối tượng tham gia BHYT: Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHXH số 46/2014/QH13 thì đã mở rộng đến toàn dân, chia làm 05 nhóm đối tượng.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Tại Khoản 4 Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13: là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (không giới hạn trần tuổi).

Mức đóng


Mức đóng BHXH bắt buộc: bằng tỷ lệ % mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cụ thể: Tổng mức đóng BHXH bắt buộc (cả 5 chế độ) hiện nay là 26% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, trong đó: Người lao động đóng bằng 8%; người sử dụng lao động đóng bằng 18%: 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, do người sử dụng lao động đóng toàn bộ; 1% đóng vào quỹ tai nan lao động, bệnh nghề nghiệp, do người sử dụng lao động đóng; 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, do người lao động đóng bằng 8%, người sử dụng lao động đóng bằng 14%.

Mức đóng BH thất nghiệp: bằng tỷ lệ % mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BH thất nghiệp: Mức đóng của người lao động 1%, người sử dụng lao động bằng 1%; ngân sách nhà nước hỗ trợ quỹ BHTN tối đa bằng 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BH thất nghiệp.

Mức đóng BHYT: bằng tỷ lệ % mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHYT, hiện nay tỷ lệ chung là 4,5%. Quy định cũ: có 02 đối tượng đóng bằng 3% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHYT (thân nhân người lao động và học sinh, sinh viên).

Mức đóng BHXH tự nguyện: bằng tỷ lệ % mức thu nhập do người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện.

Ảnh minh họa

Phương thức đóng

Phương thức đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp thực hiện hằng tháng. Riêng người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì có thể đóng theo phương thức hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

Phương thức đóng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ  chỉ đóng BHXH bắt buộc: 3 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phương thức đóng BHXH tự nguyện: Hằng tháng; 03 tháng một lần; 06 tháng một lần; 12 tháng một lần; Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng, thời gian đóng tối đa là 05 năm (60 tháng); hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng, chỉ áp dụng với đối tượng đã đủ tuổi đời (nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên) còn thiếu tối đa không quá 10 năm (120 tháng) thì đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

Đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định gồm: Cán bộ, công chức, viên chức (làm việc theo hợp đồng làm việc) trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện; sỹ quan hạ sỹ quan, quân đội, công an; quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân; Cán bộ, công chức cấp xã (phường, thị trấn); Viên chức quản lý chuyên trách (thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc,  Kế toán trưởng) trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (gọi tắt là Công ty 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước).

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%)  trên cơ sở mức mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động (bao gồm viên chức chuyên môn, nghiệp vụ..) trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng vẫn áp dụng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/5/2013 thì thực hiện từ ngày 01/01/2016; Người quản lý doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân có hưởng tiền lương; người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. Riêng người quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng vẫn áp dụng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/5/2013 thì thực hiện từ ngày 01/01/2016.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc: Đối với người làm việc theo HĐLĐ: Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong HĐLĐ. Từ ngày 01/01/2018 trở đi là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong HĐLĐ. Đối với người quản lý doanh nghiệp là tiền lương do doanh nghiệp quyết định; người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do Đại hội thành viên quyết định.

Đối tượng đóng BHXH bắt buộc căn cứ mức lương cơ sở: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (cán bộ không chuyên trách cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng là mức lương cơ sở. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.

Tiền lương làm căn cứ đóng BH thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm: Tại Điều 58 Luật Việc làm quy định:

“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BH thất nghiệp.

2. Người lao động đóng BH thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng BH thất nghiệp.”

Như vậy, tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc. Riêng người lao động đóng BH thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định có mức tiền lương tháng cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng.

Ảnh minh họa

Tiền lương làm căn cứ đóng BHYT

Đối với người lao động (trừ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đóng trên cơ sở mức lương cơ sở): tiền lương đóng BHYT như tiền lương đóng BHXH bắt buộc (cùng văn bản pháp quy quy định về tiền lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT). Mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHYT, trong đó người lao động đóng bằng 1/3 (1,5%), người dụng lao động đóng bằng 2/3 (3%).

Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng: Đóng trên căn cứ tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động do quỹ BHXH đóng (4,5%).

Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đóng trên căn cứ tiền trợ cấp thất nghiệp, do quỹ BHXH đóng (4,5%).

Các đối tượng còn lại đóng trên căn cứ mức lương cơ sở: Mức đóng trách nhiệm đóng từ ngày 01/01/2015 bằng 4,5% mức lương cơ sở. Đối với người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ: Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/ 2015 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01/01/2015 chưa đủ 05 năm thì thời gian còn lại được hỗ trợ thấp nhất là 01 năm; Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại. Số còn lai 30% do cá nhân người thuộc hộ cận nghèo đóng.

Đối với đối tượng học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ: được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%, còn lại cá nhân tự đóng.

Mức đóng đối với tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình từ ngày 01/01/2015 và được giảm trừ mức đóng như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động (Ủy ban nhân dân xã, phường thị trấn) đóng 2/3, cá nhân đóng 1/3.

Người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng, mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở do quỹ BHXH đóng.

Các đối tượng còn lại mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở do ngân sách nhà nước đóng.

Đóng BHXH tự nguyện

Từ ngày 01/01/2016 người tham gia BHXH tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở:

Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)

Trong đó: Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn; CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng); m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.

Từ ngày 01/01/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước địa phương hỗ trợ mức đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác (còn lại)./.


Nguồn: Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam