Dự kiến giá dịch vụ y tế tiếp tục điều chỉnh từ tháng 8

07/06/2016 01:05 AM




Hàng chục nghìn dịch vụ sẽ tăng giá

Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) vừa cho biết: Bộ Y tế đang đề xuất việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới thành nhiều đợt, mỗi đợt sẽ thực hiện từ 8- 12 tỉnh, thành phố và chỉ áp dụng cho người có BHYT.

Theo đó, đợt điều chỉnh đầu tiên vào cuối tháng 8/2016 với các địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT từ 95% trở lên; tháng 10/2016 tại các tỉnh có tỉ lệ BHYT khoảng 90%; tháng 11/2016 áp dụng cho các tỉnh có tỉ lệ trên 85%; tháng 12/2016, áp dụng cho các tỉnh có tỉ lệ dân số tham gia BHYT trên 80%. Đến tháng 1/2017 sẽ áp dụng cho toàn bộ các tỉnh còn lại. Những BV thuộc Trung ương đóng tại địa bàn tỉnh, TP nào thì sẽ điều chỉnh cùng thời điểm điều chỉnh giá giá dịch vụ y tế tại địa phương đó.

Trước đó, vào tháng 3/2016, liên bộ Tài chính- Y tế đã điều chỉnh dịch vụ của gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế. Giá điều chỉnh lần đó mới chỉ cộng thêm phụ cấp trực ngày giường và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật.

Còn đợt điều chỉnh lần này (dự tính từ cuối tháng 8/2016) sẽ đưa cả chi phí tiền lương của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế. Theo tính toán, giá dịch vụ y tế lần này sẽ tăng khoảng 50% so với trước thời điểm tháng 3/2016. Còn 9 BV trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính đã được tính giá dịch vụ y tế bao gồm cả lương và phụ cấp ngay từ 1/3/2016. Cụ thể là các BV: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Tai Mũi Họng T.Ư, Mắt T.Ư, Răng Hàm mặt T.Ư, Răng hàm mặt TP.HCM, Nội tiết, Phụ sản T.Ư.

Trước đó, ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Ngoài gần 1.900 dịch vụ đã được điều chỉnh, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế ban hành giá của hơn 17.000 dịch vụ kỹ thuật khác và “phiên tương đương” cho hơn 6.000 dịch vụ của 26 chuyên khoa khác nhau. Như vậy, danh mục dịch vụ kỹ thuật mà Quỹ BHYT chi trả đã có gần 25.000 dịch vụ. Với danh mục kỹ thuật đã khá đầy đủ, các BV sẽ không còn phải lúng túng, khó khăn trong việc thanh toán BHYT vì không tìm được kỹ thuật đã điều trị cho bệnh nhân trong danh mục quy định.

Có thể thấy, đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới đây sẽ có hàng chục nghìn dịch vụ kỹ thuật tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng 50%. Có thể kể đến một số dịch vụ như: Phá thai to từ tuần 13 đến tuần 22 tăng từ 430.000 đồng lên 1 triệu đồng; mổ quặm 4 mi gây tê tăng từ 790.000 đồng lên 1.176.000 đồng; cắt amidan gây mê tăng từ 660.000 đồng lên 1.033.000 đồng…

BHYT sẽ là cứu cánh

Cả nước hiện có 5 tỉnh có tỉ lệ bao phủ BHYT từ 95% dân số trở lên là Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Như vậy, nếu đề xuất của Bộ Y tế được thông qua thì 5 tỉnh nói trên sẽ nằm trong danh sách tăng giá dịch vụ y tế vào cuối tháng 8/2016 tới.

Giá dịch vụ y tế tăng, người bệnh sẽ được điều trị tốt hơn

Ông Nguyễn Nam Liên nhận định, sau khi giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng có BHYT thì Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất tăng giá dịch vụ y tế với đối tượng chưa có BHYT. Thời gian tới còn tính thêm 3 trong 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế còn lại gồm: Chi phí khấu hao trang thiết bị y tế; chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng; chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học. Với mức tăng giá dịch vụ y tế như vậy, nếu người dân không có BHYT sẽ gặp khó khăn rất lớn khi ốm đau.

“Hiện vẫn còn 23,5% dân số chưa tham gia BHYT. Do đó, thời gian tới, ngành BHXH cũng như các bộ, ngành khác cần phải có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu được lợi ích thiết thực của BHYT. Nếu không có BHYT có thể sẽ rơi vào bẫy đói nghèo”- ông Liên nhận định.

Theo ông Phạm Lương Sơn, dù mới chỉ cộng thêm phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá giá dịch vụ y tế, nhưng sau 2 tháng thực hiện giá dịch vụ y tế mới, người bệnh đã hạn chế được chi phí tiền túi do phải mua thêm vật tư bên ngoài khi giá giá dịch vụ y tế thấp. Việc thực hiện đồng giá các dịch vụ (trừ tiền ngày giường, tiền khám) giúp người dân mọi vùng miền được hưởng chất lượng dịch vụ như nhau.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường- Phó Giám đốc BV Việt Đức khẳng định: Giá dịch vụ y tế tăng giúp người bệnh được hưởng dịch vụ chất lượng hơn, đỡ tiền túi hơn.

Tuy nhiên, bà Hường cũng nhận định, hiện nay vẫn còn khoảng 30% bệnh nhân chưa có BHYT. Trong khi các dịch vụ ở BV tuyến cuối như Việt Đức có giá rất cao. Nếu người dân không tham gia BHYT thì khi bị tai nạn, cấp cứu đột xuất có thể sẽ không chịu nổi gánh nặng giá dịch vụ y tế.

Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Thời gian qua, cơ quan BHXH đã kiểm tra và phát hiện một số cơ sở y tế vẫn thu thêm các chi phí đã tính vào giá dịch vụ y tế như bơm tiêm, găng tay, băng dính, tiền tiêm-truyền, ống sonde, hoặc để bệnh nhân tự mua thuốc đã nằm trong phạm vi thanh toán của quỹ. Một số cơ sở cũng chưa đầu tư nâng cấp phòng khám, phòng điều trị tương xứng với giá giá dịch vụ y tế mới… Do đó, tất cả những vấn đề này cần phải được chấn chỉnh khi tới đây giá dịch vụ y tế tăng./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội