Tổ chức công đoàn cần sớm vào cuộc

07/06/2016 06:44 AM


Nhiều cán bộ thu, quản lý nợ của BHXH tỉnh Hải Dương lo lắng việc giải quyết vấn đề nợ đọng sẽ gặp khó khăn khi tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH.

Khó khăn trong thu hồi nợ

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, BHYT tính đến 30-4-2016 là 14.901,3 tỷ đồng, tăng 1.814,3 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 30-3-2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.436,2 tỷ đồng, nợ BH thất nghiệp 611,1 tỷ đồng, nợ BHYT 3.853,9 tỷ đồng (ngân sách địa phương chưa chuyển 1.871,7 tỷ đồng, chiếm 51,2% tổng nợ BHYT)...

Có thể nói, một trong những “công cụ pháp lý” đang được các cơ quan BHXH áp dụng hiệu quả đối với các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT thời gian vừa qua là khởi kiện. Vì vậy, việc TAND tối cao vừa chỉ đạo các cấp tòa không thụ lý đơn kiện của cơ quan BHXH từ ngày 1-1-2016 trong khi các chế tài hình sự mới chưa được áp dụng, các tổ chức công đoàn chưa vào cuộc đã thật sự gây không ít lo ngại cho cơ quan BHXH trong việc thu hồi nợ đọng cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Theo phản ánh của BHXH các địa phương, mới đây TAND các cấp ở Quảng Nam vừa trả lại 54 hồ sơ khởi kiện đơn vị nợ BHXH cho cơ quan BHXH, theo văn bản hướng dẫn của TAND tối cao. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, nếu thực hiện đúng theo chỉ đạo của TAND tối cao, TAND quận, huyện ở thành phố sẽ phải đình chỉ 1.194 đơn khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH của cơ quan BHXH với số tiền nợ chưa thu hồi được là 210 tỷ đồng... Đây là một trở ngại lớn cho cơ quan BHXH trong quá trình thực hiện chính sách và bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Trước sự thay đổi này, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh Cao Văn Sang cho rằng: Việc Luật BHXH (sửa đổi) quy định, ngành BHXH có thêm chức năng thanh tra không có nghĩa là sẽ không cần khởi kiện. Quy trình thanh tra và khởi kiện hoàn toàn không đồng nhất, mà chỉ bổ trợ cho nhau. Một bên là xử lý hành chính, một bên là quan hệ dân sự giữa chủ nợ và bên bị nợ. Thực tế cho thấy, từ khi ngành BHXH được chính thức kiện doanh nghiệp vi phạm, hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Năm 2014, BHXH TP Hồ Chí Minh đã khởi kiện hơn 1.700 đơn vị với tổng số tiền nợ hàng trăm tỷ đồng. Năm 2015 cũng khởi kiện hơn 1.900 DN vi phạm và hiệu quả thấy rõ. Theo thống kê, cứ sau khi khởi kiện hai năm thì sẽ thu hồi được khoảng 65% số nợ. Bên cạnh đó, việc khởi kiện còn có tác dụng răn đe rất lớn, nhiều doanh nghiệp sợ bị khởi kiện sẽ cân nhắc việc vi phạm; các doanh nghiệp cũng nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của mình, đã tự nguyện truy nộp vì không muốn mang tiếng xấu… Thực tế giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT thời gian vừa qua cho thấy, ngoài biện pháp khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm về BHXH thì các biện pháp khác đều không mấy khả thi. Như, việc phạt vi phạm hành chính, với mức phạt tối đa chỉ là 75 triệu đồng, các doanh nghiệp sẵn sàng chọn cách đóng phạt vì nó "rẻ” hơn nhiều so với khoản tiền phải nộp BHXH, thậm chí là chây ỳ không thực hiện quyết định hành chính...

Tổ chức công đoàn cần sớm vào cuộc

Có thể nói, khi ngành BHXH không còn quyền khởi kiện doanh nghiệp vi phạm, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động bằng cách khởi kiện các doanh nghiệp sẽ đặt nặng lên tổ chức công đoàn theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi).

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về việc lập hồ sơ, trình tự khởi kiện, ủy quyền của người lao động trong khởi kiện. Bên cạnh đó, có thể thấy đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn hiện nay quá ít so với yêu cầu thực tiễn, chưa có kinh nghiệm trong các vụ kiện... Điều kiện kèm theo để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ này cũng chưa có quy định cụ thể nên rất khó thực hiện.

Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam Lê Trọng Sang cho biết: Để tạo thuận lợi cho các cấp công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng những vụ án lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng dự thảo quy trình công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cung cấp các mẫu hồ sơ công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự như giấy ủy quyền tham gia tố tụng; đơn khởi kiện; đơn đề nghị về việc nhập, tách vụ án, áp dụng án lệ; giấy giới thiệu; đơn khiếu nại... để các cấp công đoàn áp dụng khi tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật; tổ chức tốt hoạt động phối hợp cơ quan BHXH Việt Nam, TAND tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự; hoàn thiện và ban hành quy trình công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể để hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện... Điều này, đòi hỏi Tổng LĐLĐ sớm hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn các cấp, tăng cường phối hợp chặt chẽ, cụ thể, trách nhiệm giữa công đoàn, cơ quan BHXH, TAND. Cơ quan BHXH cần chủ động phối hợp LĐLĐ hỗ trợ tổ chức công đoàn về mặt số liệu, thủ tục lập hồ sơ khởi kiện cũng như quy trình khởi kiện và thi hành án nhằm mục đích thu hồi nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để giải quyết quyền lợi chính đáng của người lao động./.


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử