Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật BHXH, Luật BHYT

10/06/2016 03:23 AM



Chủ nhiệm UBVCVĐXH của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên trong bối cảnh y tế thường xuyên chịu nhiều tác động của kinh tế - xã hội; Để đáp ứng tốt yêu cầu quản lý của Ngành, cũng như bắt kịp các thành tựu về kinh tế - xã hội, pháp luật về y tế cần phải được pháp điển hóa quy phạm pháp luật, xây dựng mới các văn bản để đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học công nghệ trong y học, góp phần xây dựng nền y tế Việt Nam công bằng, hiệu quả và phát triển. Bộ Y tế đề xuất, chương trình xây dựng Luật năm 2016 – 2018 liên quan đến lĩnh vực Y tế dự kiến bao gồm: Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia; Luật về máu và tế bào gốc; Luật Dân số; Luật chuyển đổi giới tính.

Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh giai đoạn 2018 – 2021 bao gồm: Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm (sửa đổi); Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật phòng chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm, miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sửa đổi); Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); Luật Y học cổ truyền; Luật về quản lý trang thiết bị y tế; Luật về quản lý mỹ phẩm.

Các đề xuất này vẫn chưa được đánh giá tác động của mục tiêu chính sách dự kiến được quy định trong dự án Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Về ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật thuộc lĩnh vực Y tế, các thành viên Ủy ban tham dự cuộc họp đã chất vấn lãnh đạo Bộ Y tế về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật BHXH (năm 2014), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động, Pháp lệnh người có công;…

Cụ thể, Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016, các nội dung giao cho Bộ Y tế ban hành thì đến nay vẫn chưa ban hành được như: quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng sức khỏe của người mẹ sau khi sinh con mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật; quy trình giám định khả năng lao động, danh mục bệnh nguy hiểm khác liên quan đến tính mạng, danh mục chất ma túy, tiền chất ma túy, danh mục nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại đặc biệt nặng nhọc độc hại…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hiện nay vẫn còn 03 Thông tư đang trong giai đoạn xây dựng, bao gồm: Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược, hóa chất thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT hướng dẫn khoản 14, Điều 1; Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT và Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả …

Các ủy viên thường vụ Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật đang gây rất nhiều khó khăn cho người lao động, nhân dân có liên quan đến những vấn đề này và đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc

Lý giải cho điều này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số lượng văn bản phải ban hành hằng năm của Bộ là rất lớn, trong đó có nhiều văn bản không do Bộ Y tế chủ trì xây dựng hoặc không có đề xuất nhưng vẫn có quy phạm giao Bộ Y tế ban hành nên việc theo dõi, lập kế hoạch xây dựng văn bản hướng dẫn cũng như kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ pháp luật ở Việt Nam nên không đủ thời gian. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác kiểm tra, rà soát và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với định mức chi còn thấp. Biên chế làm công tác pháp chế nói chung cũng như cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị còn thiếu. Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt đốc thúc nhưng vẫn bị chậm tiến độ theo quy định.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, phân công các đơn vị chức năng trong Bộ soạn thảo các Luật, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn chi tiết các luật đã ban hành. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đề xuất đưa nội dung giám sát việc xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết các Luật, Pháp lệnh đã ban hành vào chương trình Giám sát tối cao của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Y tế, trong việc thực hiện các Luật, Pháp lệnh trong lĩnh vực y tế luôn theo dõi, rà soát, đánh giá nếu có vướng mắc thì tổng hợp, có đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời./.


Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam