Thực hiện mục tiêu 50% NLĐ tham gia BHXH: Cần nhiều quyết tâm

28/06/2016 04:10 AM




Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 5, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 194.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH là hết sức khó khăn, do các giải pháp mở rộng đối tượng này chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực phi chính thức. Trong khi đó, việc tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị SDLĐ chưa nghiêm, tình trạng trốn đóng BHXH vẫn là vấn đề “nóng” trong nhiều năm qua.

Muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH, cần tập trung mở rộng BHXH ở khu vực nông nghiệp

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng nhận định: Nếu không có các giải pháp kịp thời, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu 50% NLĐ tham gia BHXH vào năm 2020.

Ông Diệp phân tích: Hiện nay, số lao động thuộc khu vực chính thức (có quan hệ lao động, tiền lương, tiền công) mới chiếm 41%, còn 59% lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức. Trong khi đó, thống kê thị trường lao động của cơ quan này cho thấy, mỗi năm chỉ có khoảng 2% lao động gia nhập thị trường lao động chính thức. Với tốc độ phát triển như vậy, đến năm 2020, số lao động trong khu vực chính thức vẫn chưa đạt đủ tỉ lệ 50%. Do đó, bên cạnh việc khai thác số lao động mà các DN “trốn” tham gia, chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống BHXH, mục tiêu 50% NLĐ tham gia BHXH sẽ phải tập trung vào nhóm đối tượng phi chính thức, khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện.

Đánh giá con số 194.000 người tham gia BHXH tự nguyện là rất thấp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Chính phủ nên có các chính sách riêng biệt cho từng nhóm đối tượng để phát triển BHXH tự nguyện.

Trên thực tế, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện (có hiệu lực từ 15/2/2016) đã quy định nhiều hình thức khuyến khích lao động tự do tham gia BHXH như đưa mức đóng thấp nhất dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn. Chính phủ cũng quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện dựa trên mức đóng này (người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% số tiền phải đóng, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác được hỗ trợ 10%). Tuy nhiên, mức hỗ trợ này đến năm 2018 mới có hiệu lực. Do đó, một trong những giải pháp trước mắt để phát triển hệ thống BHXH bền vững, theo ông Diệp là phải có chính sách giữ lại nhóm lao động đang tham gia BHXH sắp ra khỏi hệ thống. Cụ thể như công nhân các KCN nghỉ việc, muốn hưởng trợ cấp một lần; người đến tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Ông Diệp đề xuất: Nên chăng, có chính sách tạo nguồn tài chính cho nhóm đối tượng đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà phần “thế chấp” chính là khoản lương hưu mà họ sẽ nhận được?

Ngay trong Nghị định số 134/2015/NĐ-CP cũng đang tạo thêm điều kiện cho NLĐ tham gia hoặc tham gia nối tiếp BHXH bắt buộc bằng BHXH tự nguyện. Cụ thể như mở rộng phương thức đóng BHXH cho người dân đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian công tác còn thiếu (không quá 10 năm), thì được đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu. Nếu người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm, thì được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Lúc đó, người tham gia BHXH được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu (theo diện thiếu không quá 10 năm như trên).

Ngoài ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng lưu ý, hiện nay chức năng tạo việc làm từ nguồn BH thất nghiệp đang mờ nhạt mà chỉ nặng về chi trả trợ cấp. Rất ít lao động được đào tạo việc làm để quay lại thị trường lao động thông qua quỹ này, trong khi đây mới là giá trị cốt lõi khi xây dựng chính sách BH thất nghiệp, giúp NLĐ tiếp tục có việc làm, đồng thời tiếp tục ở lại trong hệ thống BHXH.

Phản ánh dưới một góc độ khác, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận xét, bên cạnh tỉ lệ tham gia BHXH chưa đạt một nửa chỉ tiêu 50% NLĐ, vấn đề đáng lo ngại là tỉ lệ này thậm chí không đồng đều tại các địa phương. Kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban MTTQ cùng với ngành Lao động, LĐLĐ cho thấy, nhiều địa phương còn chưa đạt đến 10%, thậm chí chỉ có 6% NLĐ tham gia BHXH. Nhiều địa phương trải thảm thu hút nhà đầu tư, “ưu ái” đến mức “lờ” đi cả việc DN trốn nghĩa vụ BHXH cho NLĐ.

“Nếu chúng ta không có các giải pháp quyết liệt và kiên quyết hơn thì sẽ không thể thực hiện được mục tiêu đề ra”- ông Chính nhận xét. Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị: Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu người dân tham gia BHXH vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội song song với chỉ tiêu về BHYT.

Phát biểu tại cuộc làm việc với BHXH Việt Nam ngày 8/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng phải đạt được mục tiêu 50% NLĐ tham gia BHXH đặt ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam phân loại các địa phương đang có tỉ lệ tham gia BHXH thấp, có giải pháp đôn đốc cụ thể tùy theo tình hình thực tế; đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHXH để các địa phương đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế thực hiện tốt ủy nhiệm thu, liên thông dữ liệu tránh gian lận của DN trong thực hiện các nghĩa vụ này. Với chức năng thanh tra mới được trao, cơ quan BHXH cần triển khai quyết liệt việc chấp hành pháp luật về BHXH tại các đơn vị SDLĐ. Trong năm 2016, BHXH Việt Nam cung cấp thông tin cho LĐLĐ để khởi kiện những DN vi phạm điển hình theo tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ 1/7/2016) để tăng tác dụng răn đe…/.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội