Tác động của thông tuyến khám, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế

30/06/2016 01:02 AM



Khám, chữa bệnh cho bệnh nhi tại Trung tâm y tế huyện Mường Nhé (Điện Biên)

Được áp dụng từ ngày 1-1-2016, quy định thông tuyến KCB tại tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc cho thấy phù hợp với xu hướng phát triển y tế và nguyện vọng của người tham gia BHYT. Người có thẻ BHYT bỏ được thủ tục chuyển tuyến từ tuyến xã lên huyện hay từ huyện này sang huyện khác mà vẫn được KCB và bảo đảm quyền lợi BHYT. Với những trường hợp đi công tác, đi làm ăn xa… thay vì phải đổi thẻ BHYT như trước đây thì hiện nay chỉ cần thẻ BHYT và một trong các giấy tờ tùy thân là được chấp nhận KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến, không phân biệt y tế công lập hay tư nhân.

Liên thông trong KCB được coi là bước khởi đầu cho cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các cơ sở y tế để thu hút người bệnh và có nguồn thu trang trải cho các hoạt động của mình. Cơ sở có chất lượng KCB tốt, tinh thần, thái độ phục vụ đúng mực sẽ thu hút được người bệnh. Qua sáu tháng thực hiện thông tuyến, việc tiếp cận cơ sở KCB của người dân đã có sự thay đổi so với trước. Người bệnh lựa chọn KCB nhiều hơn tại các cơ sở KCB tư nhân (người bệnh tăng từ 60% đến 80% so với trước). Trong khi đó, các trạm y tế xã giảm từ 30% đến 50% số người KCB, chỉ có số ít trạm y tế có điều kiện KCB tốt thì có người bệnh từ địa bàn xã khác đến khám. Một số bệnh viện tuyến huyện ở gần bệnh viện tư nhân bị sụt giảm số lượng người bệnh nhưng nhìn chung, ở khu vực đồng bằng, bệnh viện tuyến huyện tăng số lượng người bệnh từ 10% đến 30%, trong đó, chủ yếu là người bệnh từ tuyến xã lên khám hoặc từ các địa bàn huyện khác đến. Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, sự lựa chọn của người dân có liên quan đến chất lượng chuyên môn, thái độ phục vụ và trang, thiết bị của cơ sở KCB. Tuyến xã giảm số người bệnh do danh mục dịch vụ kỹ thuật hạn chế, danh mục thuốc chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều người bệnh, nhất là bệnh mãn tính, không lựa chọn tuyến xã mà lên thẳng các cơ sở KCB tuyến huyện vì điều kiện KCB tốt hơn. Nguyên nhân tăng người bệnh tại cơ sở y tế tư nhân, theo Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc là do cơ sở y tế tư nhân đón tiếp, hướng dẫn người bệnh chu đáo, thậm chí có những cơ sở còn đưa ra hình thức khuyến mại, hỗ trợ người bệnh chi trả BHYT khiến người bệnh lựa chọn nhiều hơn.

Những thuận lợi từ thông tuyến KCB đã góp phần tạo động lực để người dân tham gia BHYT. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm một triệu người tham gia BHYT, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Sự gia tăng này là đáng kể , nhất là trong số đó đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là chủ yếu. Có thể nói, người dân sẽ chủ động tham gia BHYT hơn nếu thẻ BHYT ngày càng giá trị, chính sách BHYT ngày càng tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế.

Bên cạnh những tác động tích cực, thông tuyến KCB đã kéo theo một số hệ lụy cần nhận diện và tháo gỡ. Đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế trong việc tăng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết để “lấy lòng” người bệnh như siêu âm, nội soi… Người bệnh vẫn lầm tưởng việc được cung cấp nhiều dịch vụ y tế, thuốc trong mỗi lần KCB như vậy đồng nghĩa với chất lượng KCB tốt. Các trạm y tế xã, phường không còn người bệnh đến khám sẽ ảnh hưởng đến chính sách tăng cường KCB ban đầu tại y tế cơ sở. Đồng thời, các bệnh viện tuyến huyện sẽ rơi vào tình trạng quá tải, người bệnh lại bị thiệt thòi, không được thăm khám kỹ càng. Thực tế, qua kiểm tra công tác KCB tại tuyến huyện, BHXH Việt Nam đã ghi nhận một số cơ sở y tế số lượng bàn khám, phòng khám quá ít so với số đối tượng đăng ký KCB ban đầu. Đáng chú ý, quy định thông tuyến đã bị một số cơ sở y tế lợi dụng để tiếp nhận và làm thủ tục chuyển người bệnh lên tuyến trên nhằm hưởng chế độ BHYT đúng tuyến. Theo BHXH Việt Nam, đã có tình trạng “xin-cho” giấy chuyển viện, cơ sở KCB chuyển tuyến theo đề nghị của người bệnh trong khi cơ sở mình chữa được bệnh đó. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các cơ sở KCB tuyến trung ương, số người bệnh khám đúng tuyến tăng nhiều, chiếm 70% số người bệnh. Tình trạng này nếu không kiểm soát tốt không những không giảm tải cho y tế tuyến trên mà còn làm gia tăng chi phí KCB BHYT do càng KCB tuyến trên thì giá dịch vụ càng cao, cả người bệnh và quỹ BHYT cùng phải chi trả càng nhiều. Thông tuyến KCB cũng ảnh hưởng lớn đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện y học cổ truyền trong việc thiếu người bệnh để duy trì hoạt động…

Từ những tác động không mong muốn của chính sách thông tuyến KCB nêu trên, ngành y tế và BHXH cần kiểm soát chặt điều kiện cung cấp, thực hiện dịch vụ y tế của các cơ sở KCB để người dân được cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng; tháo gỡ thông tuyến cho các bệnh viện chuyên khoa, y học cổ truyền để duy trì hoạt động bình thường. Người bệnh cũng cần được tuyên truyền để tuân thủ chỉ định về dịch vụ kỹ thuật, về chuyển tuyến và lựa chọn cơ sở KCB, tránh lãng phí cho quỹ BHYT./.


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử