Thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân: Giải pháp chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

07/07/2016 03:26 AM



Ảnh minh họa

Một số kết quả đạt được

Tăng tỷ lệ tham gia BHYT
Năm 2016 là năm thứ hai triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều quy định mới có tính đột phá, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy phát triển chính sách BHYT và sự quyết tâm trong tổ chức thực hiện, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân. Phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong phát triển BHYT, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, số người tham gia BHYT năm 2015 là 70 triệu người, chiếm 76,52% dân số, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao; đến tháng 04/2016, đã có 70,8 triệu người tham gia BHYT.
Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở giúp người dân được hưởng một cách tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xem đây là một trong những giải pháp cốt lõi để vận động người dân tham gia BHYT. Bộ Y tế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng tiếp cận dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT. Các giải pháp bao gồm: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có những chuyển đổi mạnh mẽ trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện với nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn, thông tin và phổ biến quy định pháp luật về BHYT, khám, chữa bệnh, kể cả việc hỗ trợ xã hội liên quan đến công tác điều trị; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án giảm quá tải bệnh viện, Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án bác sỹ gia đình.
Trong vấn đề nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, một công cụ quan trọng được Bộ Y tế ban hành là Bộ tiêu chí đánh giá về chất lượng bệnh viện, bao gồm các tiêu chí về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ, thời gian chờ đợi, môi trường cảnh quan, chuyên môn kỹ thuật, sự hài lòng của người bệnh.Việc thực hiện thống nhất trên toàn quốc Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/04/2013 hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện đã đem lại kết quả rất rõ nét. Thời gian khám bệnh được tính từ khi người bệnh bắt đầu đăng ký thủ tục khám bệnh tới khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và phát thuốc đã giảm được 48,5 phút so với trước khi tiến hành cải tiến quy trình khám bệnh.
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 09, tháng 10/2015 của Chính phủ,  Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; trong đó, quy định mức giá của 1.898 dịch vụ theo lộ trình tính giá quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế làm tăng quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT do không phải trả thêm một số chi phí trước đây chưa tính trong giá. Giá của các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã được tăng lên nên khuyến khích tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Sự phát triển của hệ thống y tế cơ sở là nhân tố cơ bản trong đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân theo cách thức phổ quát, công bằng, và hiệu quả nhất. Việc đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế nhằm giảm dần việc cấp ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển sang hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHYT nhằm thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, đảm bảo tính công bằng trong đánh giá hiệu quả hoạt động giữa các cơ sở y tế trên cả nước, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT.
Triển khai tin học hóa trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT
Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang triển khai quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán BHYT trong toàn ngành với mục tiêu giảm quá tải, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2015 và năm 2016, với nỗ lực rất lớn và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị cung ứng dịch vụ CNTT đã cơ bản hoàn thành các nội dung chuyên môn và kỹ thuật như ban hành bộ mã danh mục dùng chung, chuẩn dữ liệu đầu ra thanh toán BHYT, bước đầu sẵn sàng cho việc kết nối liên thông giữa cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến với cơ quan BHXH.

Một số khó khăn, tồn tại

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, một số cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương, đơn vị chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Luật BHYT tại địa phương, đơn vị. Kế hoạch triển khai của nhiều UBND tỉnh, thành phố chưa chỉ đạo cụ thể, chưa hướng dẫn chi tiết việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình…
Công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn, người dân vẫn thiếu thông tin về chính sách BHYT, về quyền lợi khi tham gia BHYT, về nơi mua BHYT, đại lý bán BHYT… Công tác tuyên truyền chỉ đẩy mạnh vào một số dịp nhất định trong năm, người dân chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm tham gia BHYT. Tại một số địa phương, vẫn còn một số cán bộ chưa hiểu rõ về chính sách BHYT.
Việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với trên 20% dân số chưa tham gia BHYT rất khó đạt được nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là một số nhóm đối tương: Hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình…
Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT mặc dù đã có những chuyển biến rất rõ nét, nhưng vẫn cần được tiếp tục cải tiến để đáp ngày càng tốt hơn với sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám, chữa bệnh, chuyển tuyến, thanh toán BHYT. Một số cơ sở khám, chữa bệnh có tình trạng nơi khám, chữa bệnh BHYT thì để chật chội, quá tải, nơi khám, chữa bệnh dịch vụ thì xây dựng rộng rãi, tiện nghi, điều này tạo ra tâm lý không tốt của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh BHYT.
Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, làm cho chi tiền túi của người dân có thẻ BHYT vẫn còn cao.

Một số định hướng trong thời gian tới

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BHYT. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành phù hợp thực tiễn và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để mở rộng các nhóm đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT theo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020; chỉ tiêu phát triển BHYT theo Quyết định 1584/QĐ-TTg ngày 14/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đổi mới nhận thức, tư duy về quản lý chất lượng, lấy “người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”. Triển khai nghiêm túc các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám bệnh, thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, BHYT; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, tăng tiếp cận dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định, công cụ quản lý chất lượng Bộ Y tế đã ban hành. Bộ Y tế sẽ công bố công khai điểm chất lượng các bệnh viện hạng 01 trở lên, tiến tới công bố chất lượng của toàn bộ các bệnh viện trên toàn quốc, để người dân có thêm thông tin lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh sau khi các bệnh viện được khám thông tuyến BHYT... Mở rộng dịch vụ, song song với cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, chú ý vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để người dân có khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; triển khai thực hiện mô hình bác sỹ gia đình; thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.
Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT. Thực hiện quy định giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện theo lộ trình tính đúng, tính đủ, để từng bước đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng; đồng thời, đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế. Xây dựng Gói dịch vụ y tế cơ bản, đổi mới phương thức thanh toán, bảo đảm cân đối thu - chi Quỹ BHYT, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ an toàn, hợp lý, chi phí hiệu quả...
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT: Củng cố đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác tham mưu quản lý nhà nước về BHYT; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT trong phạm vi toàn quốc; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT./.


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội