Nhiều khó khăn trong công tác thu, phát triển đối tượng

19/07/2016 02:51 AM



Công nhân Công ty may Hà Quảng (Quảng Bình) may hàng xuất khẩu. Ảnh: NGUYỄN DUY
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6, số người tham gia BHXH bắt buộc là 12.338.189 người, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2015; BH thất nghiệp là 10.505.758 người, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015; BHXH tự nguyện là 191.558 người, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2015 và 72.810.574 người (đã bao gồm lực lượng vũ trang) tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 78,7% dân số và tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia gặp không ít khó khăn, khi người tham gia BHXH vẫn tăng chậm so cuối năm 2015. Tính đến hết tháng 6-2016, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chỉ tăng khoảng 170 nghìn người (tăng 1,4%), trong khi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện giảm khoảng 40 nghìn người (giảm 14%) so cuối năm 2015. Đặc biệt, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và xảy ra ở tất cả địa phương làm cho số nợ BHXH, BHYT tiếp tục tăng cao. Đến hết tháng 6, số nợ là hơn 12.810 tỷ đồng, chiếm 5,87% so với kế hoạch giao thu, tăng 1.973,3 tỷ đồng (18,2%) so với cùng kỳ năm 2015; cả nước có tới 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành.

Tuy không phải là địa phương có tỷ lệ nợ cao, nhưng tại tỉnh Thanh Hóa, đến hết tháng 6 có tới 1.861 doanh nghiệp nợ đọng BHXH từ ba tháng trở lên, với tổng số tiền hơn 147 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, mặc dù người lao động đã trích nộp 8% để đóng BHXH từ quỹ lương hằng tháng, nhưng không nộp 18% còn lại theo quy định, mà chiếm dụng luôn số tiền đã trích nộp.

Giám đốc BHXH TP Thanh Hóa Trần Đại Nghĩa cho biết: BHXH thành phố quản lý thu hơn 2.200 đơn vị sử dụng lao động với hơn 36.000 lao động tham gia BHXH bắt buộc; hơn 34.000 lao động tham gia BH thất nghiệp… Tuy nhiên, số nợ BHXH, BHYT đến hết tháng 5 đã hơn 138 tỷ đồng. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chuyển biến chậm, chưa được khắc phục và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp và một số đơn vị hành chính sự nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền lớn và thời gian dài, như: Công ty CP Xây dựng HANCORP.2 nợ 16,3 tỷ đồng; ba đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin nợ 10,9 tỷ đồng...

Tại Bắc Giang, có khoảng 1.045 đơn vị nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền hơn 153,2 tỷ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc các ngành dệt may, cơ khí, xây dựng. Một số doanh nghiệp chây ỳ được cơ quan BHXH thanh tra, kiểm tra liên tục, áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng vẫn chưa hiệu quả…

Trong bối cảnh tỷ lệ nợ đọng, trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp, có thể nói, việc lùi thời hạn thi hành (từ ngày 1-7-2016) của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) thêm một thời gian nữa, sẽ khiến ngành BHXH gặp không ít khó khăn trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Theo Điều 216, Bộ luật Hình sự 2015: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng, hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, với số tiền không đóng từ 50 triệu đồng hoặc không đóng cho từ 10 người trở lên, thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến bảy năm. Đồng thời, pháp nhân công ty trốn đóng bảo hiểm cũng bị phạt từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.

Liên quan vấn đề này, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam cho rằng: Việc hình sự hóa trốn đóng BHXH chỉ áp dụng với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH cho người lao động. Còn các doanh nghiệp vì khó khăn hoặc vì nguồn tiền kinh doanh chưa về kịp nên chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động, thì cơ quan BHXH vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp chậm đóng một vài tháng.

Tuy nhiên, thực tế việc chậm đóng hay trốn đóng sẽ rất khó phân biệt, nếu không có quy định rõ ràng thì các doanh nghiệp vi phạm dễ bị rơi vào vòng lao lý. Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu Bộ Tư pháp để có hướng dẫn rõ ràng, phù hợp, tránh áp dụng máy móc quy định này. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại những quy định liên quan lao động trong Bộ luật Hình sự 2015, nếu có thể sẽ giải quyết bằng biện pháp hành chính hoặc quan hệ lao động, trước khi áp dụng biện pháp hình sự.

Theo BHXH Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, số nợ là 12.810,5 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH 9.242,4 tỷ đồng, nợ BHTN 499 tỷ đồng, nợ BHYT 3.069,2 tỷ đồng (trong đó ngân sách các địa phương chưa chuyển 1.478 tỷ đồng, chiếm 48,2% tổng nợ BHYT).


Nguồn: 9cachnhiet.com Báo Nhân dân điện tử