Xây dựng chính sách an sinh xã hội thích ứng già hóa dân số

27/07/2016 02:28 AM



Khám mắt cho người bệnh cao tuổi tại Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Ảnh: QUANG MINH

Thách thức của việc "già hóa dân số"...

Kết quả điều tra biến động dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, nhưng Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già, với tỷ lệ dân số hơn 65 tuổi chiếm 14%. Dự báo, đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước có dân số "siêu già" giống Nhật Bản hiện nay, với hơn 21% dân số có độ tuổi từ 65 trở lên. Tốc độ già hóa dân số nhanh đang và sẽ tiếp tục tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống. Già hóa dân số đang làm thay đổi cơ cấu chi của mỗi gia đình và cơ cấu chi của toàn xã hội...

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân cho biết: Hiện nay, khoảng 70% số người cao tuổi (NCT) Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; hơn 70% số NCT không có tích lũy vật chất, chỉ có chưa đầy 30% số NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội... Điều này dẫn tới tình trạng đời sống vật chất của NCT gặp nhiều khó khăn, trong khi đó hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng, chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho NCT...

Bên cạnh đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT của Việt Nam chưa bắt kịp với sự đổi thay này. Hiện nay, NCT đang là nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ y tế nhiều nhất. Ước tính chi phí y tế ở NCT thường cao gấp 7- 10 lần người trẻ; mặc dù hiện chỉ chiếm hơn 10% dân số nhưng NCT sử dụng hơn 50% tổng lượng thuốc của toàn xã hội và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế. Trong khi đó, chỉ có 35,6% số NCT ở thành phố và 21,9% ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước; 70 - 80% số NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Mặt khác, NCT Việt Nam sống “già nhưng không khỏe”, chỉ có 4,8% NCT có sức khỏe tốt, trong khi đó, có đến 30% số NCT không có thẻ BHYT, hơn 51% không đủ tiền chi trả cho việc điều trị dẫn đến không điều trị...

Hiện nay, phần lớn NCT được chăm sóc y tế trong hệ thống y tế chung, cùng với các đối tượng khác. Mặc dù theo Luật Người cao tuổi, các bệnh viện phải thành lập Khoa lão, tuy nhiên chỉ có khoảng 50% số bệnh viện đa khoa tỉnh có Khoa lão, chủ yếu là lồng ghép với khoa khác. Nội dung hoạt động của các khoa này cũng chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu nhân lực được đào tạo, cơ sở vật chất còn hạn chế. Hầu hết các bệnh viện chưa tổ chức phòng khám riêng cho NCT tại Khoa Khám bệnh. Bên cạnh đó, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe nói chung, nội dung về chăm sóc sức khỏe cho NCT nói riêng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các dịch vụ hỗ trợ khác cho NCT tại cộng đồng còn rất hạn chế...

Xây dựng các chính sách thích ứng

Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có hơn 1,5 triệu NCT đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đầy đủ và đúng thời gian quy định (khoảng 16% tổng số NCT). Đã có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập Khoa Lão trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; hơn hai triệu NCT được phổ biến kiến thức và khám sức khỏe định kỳ; gần 1,8 triệu NCT được lập sổ theo dõi sức khỏe… Tuy nhiên, công tác về NCT còn gặp nhiều khó khăn, do nhận thức về vấn đề già hóa dân số sẽ tác động tới phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, nguồn lực dành cho công tác chăm sóc, bảo trợ NCT còn khiêm tốn, và nhất là bản thân NCT chưa nhận thức được sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân mình bằng các chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện hiện có...

Đề cập việc đổi mới chính sách trợ cấp xã hội đối với NCT, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, TS Nguyễn Ngọc Toản cho rằng: Cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách trợ cấp, chăm sóc, nuôi dưỡng NCT; hoàn thiện các chính sách theo hướng mở rộng đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội và điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với NCT phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của đất nước... Đặc biệt, cần nâng cao tính chủ động chuẩn bị cho tuổi già, như: Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm nhân thọ; tiết kiệm chi tiêu, tích lũy cho tuổi già. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình chủ động tìm hiểu tâm lý và những nguyện vọng chính đáng của NCT, học hỏi kỹ năng chăm sóc NCT…

Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Bộ Y tế dự kiến sẽ triển khai một nghiên cứu tổng thể về thực trạng NCT, xem NCT thật sự cần hỗ trợ gì và tỷ lệ đó là bao nhiêu. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ xây dựng và đề xuất các giải pháp phù hợp tình hình thực tế. Chiến lược mà Bộ Y tế hướng tới là tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ y tế cho NCT tại tuyến y tế cơ sở, kết hợp lồng ghép với mô hình bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe NCT, nhằm tạo thêm nguồn lực, nâng cao hiệu quả chăm sóc NCT.

Tại Việt Nam, do xu hướng già hóa dân số nên số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Năm 1996, có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu; con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu.


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử