Báo động bội chi quỹ KCB BHYT

12/08/2016 06:57 AM



Bội chi quỹ KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016 ở mức báo động

Theo báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 70,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015); tổng quỹ KCB BHYT được xác định trên 28.466 tỉ đồng. Tuy nhiên, BHXH các địa phương phải chi trả tới hơn 30.350 tỉ đồng (tăng 40% so cùng kỳ) cho khoảng 67.604.879 lượt KCB BHYT (tăng 12%). Trong đó, chi KCB ngoại trú trên 11.958 tỉ (tăng 38%), chi KCB nội trú gần 18.082 tỉ đồng (tăng 40%) so với cùng kỳ năm 2015, chi chăm sóc sức khỏe ban đầu gần 310 tỉ đồng. Bội chi gần 1.900 tỉ đồng.

Chỉ tính chi phí KCB tại tuyến tỉnh, có 31 tỉnh có tỉ lệ chi tăng cao hơn tốc độ chung toàn quốc. Trong đó có những địa phương như Cà Mau tăng tới 203%, Tây Ninh 120%, Bắc Giang 89%, Lạng Sơn 81%; có 25 tỉnh có tần suất KCB/thẻ tăng cao; 17 tỉnh có chi phí bình quân KCB/thẻ cao.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng, hiện có 3 nhóm nguyên nhân khiến mức chi KCB BHYT trong 6 tháng đầu năm vượt tổng quỹ KCB BHYT: Thứ nhất, là tăng cơ học, do tần suất KCB tăng theo số thẻ BHYT; thứ hai, tác động của giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo Thông tư 37; thứ ba, gia tăng theo những thay đổi của chính sách BHYT, một số quy định mới mở rộng quyền lợi người bệnh có hiệu lực, trong đó chủ yếu là tác động từ thông tuyến huyện.

Báo cáo của các tỉnh cho thấy, số lượt KCB nội trú có sự gia tăng khá cao so với 6 tháng đầu năm 2015 (tăng 19%). Đáng quan tâm nhất là số lượt KCB đa tuyến nội tỉnh (do được khám thông tuyến huyện) tăng trên 49%, tương ứng với số tiền đa tuyến nội tỉnh tăng 48%.

Cũng theo Ban Thực hiện chính sách BHYT, tình trạng chi phí KCB nội trú tăng cao có thể còn do BV đưa bệnh nhân trái tuyến tỉnh vào điều trị nội trú dài ngày. Tình trạng này hiện khó kiểm soát. Do đó, Ban Thực hiện chính sách BHYT đã đề nghị các địa phương cần phân tích tình hình, đồng thời cần kiểm tra đột xuất tình trạng nằm viện của bệnh nhân…
Kiểm soát chặt chi phí đa tuyến

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các địa phương phải chủ động phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng bội chi khá trầm trọng ngay trong nửa đầu năm nay, trong đó đánh giá mức độ tác động để có giải pháp phù hợp trong những tháng cuối năm.

Dự kiến, trong tháng 8, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với BHXH các tỉnh để nắm tình hình và thảo luận kế hoạch kiểm soát chi phí KCB BHYT những tháng cuối năm. Sau đó, BHXH Việt Nam sẽ yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT phối hợp với Trung tâm Giám định BHYT&TTĐT khu vực phía Bắc, Ban Dược&VTYT thành lập tổ công tác đến những “điểm nóng” về gia tăng chi phí để kiểm tra; ban hành văn bản yêu cầu gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu và Phó Giám đốc phụ trách.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo cho rằng, để chỉ đạo, điều hành hiệu quả, nhất thiết phải có thông tin về thực trạng sử dụng quỹ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Với hệ thống thông tin giám định BHYT đã được đưa vào hoạt động, các địa phương phải kiểm soát chi phí hàng tuần.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo cũng yêu cầu BHXH các địa phương cần chủ động phối hợp với các sở, ban ngành vào cuộc, dứt khoát phải tìm ra giải pháp quản lý và kiểm soát quỹ BHYT hiệu quả. Lo ngại về mức tăng chi phí đa tuyến, ông Thảo yêu cầu Trung tâm Giám định BHYT&TTĐT khu vực phía Bắc hướng dẫn các địa phương phân tích nhanh, kỹ tình hình để cùng Ban Thực hiện chính sách BHYT tổng hợp, báo cáo BHXH Việt Nam trước ngày 15/8.

Đặc biệt, cần có giải pháp xử lý, hạn chế tình trạng bệnh nhân điều trị tiểu đường, tăng huyết áp thông thường tại BV đầu ngành, bởi bệnh này hoàn toàn có thể điều trị tại BV tuyến dưới./.


Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội