Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế

23/08/2016 02:20 AM


Người dân có BHYT khám, chữa bệnh tại Bệnh viện An Phước, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: MAI DUNG)

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến ngày 31-7, số đối tượng tham gia BHYT là 72,991 triệu người (bao gồm cả 1,1 triệu người trong lực lượng vũ trang), tăng khoảng ba triệu người (tăng thêm khoảng 4,3%) so năm 2015, đạt tỷ lệ 100,3% so chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg giao và đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,2% dân số. Đến nay, đã có 31 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 79% dân số và còn 32 tỉnh, thành đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 79% dân số, trong đó có nhiều tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thống kê cho thấy, một số nhóm đối tượng có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp đang tập trung vào: Người thuộc hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh sinh viên (HSSV); hộ gia đình. Nguyên nhân chính là do các gia đình còn khó khăn về kinh tế; nhận thức về chính sách BHYT của một bộ phận gia đình còn hạn chế và công tác tuyên truyền vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả… Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam Nguyễn Trí Đại cho biết: Đây cũng là những nhóm đối tượng mà BHXH Việt Nam sẽ tập trung có các giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT trong thời gian tới.

Trong đó, đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo, các tỉnh đã được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT thì BHXH các địa phương tiếp tục báo cáo HĐND, UBND tỉnh đưa vào Nghị quyết thực hiện đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Các tỉnh chưa được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHYT trong năm 2016 thì tiếp tục bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ, bảo đảm 100% số đối tượng cận nghèo tham gia BHYT. Nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình cần được hội nông dân, các tổ chức đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền. Và tập trung, huy động các nguồn lực tài chính hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho đối tượng này, để mỗi năm có thể tăng từ 10% đến 20% đối tượng tham gia BHYT.

Riêng nhóm HSSV, ngành BHXH cũng đang kiến nghị thực hiện việc cấp thẻ BHYT cho toàn bộ HSSV, gắn trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện thu BHYT phần trách nhiệm đóng của HSSV theo hướng linh hoạt (ba tháng, sáu tháng, 12 tháng) để giảm nhẹ số tiền đóng góp. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Riêng đối với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình, cơ quan BHXH cũng đang nghiên cứu đề xuất có cơ chế hỗ trợ mức đóng khi tham gia BHYT, như: Hỗ trợ người cao tuổi tối thiểu 50% mức đóng; các đối tượng còn lại hỗ trợ tối thiểu 10% mức đóng...

Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, khi Việt Nam hoàn toàn có thể đạt hơn 80% dân số tham gia BHYT trong năm 2016, “cán đích” trước bốn năm theo yêu cầu của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành BHXH, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển đối tượng BHYT.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, mục tiêu bao phủ BHYT ít nhất 90% dân số vào năm 2020 theo Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn khả thi, bởi chúng ta đang có những hướng đi đúng đắn và nhiều điều kiện để thực hiện như: Chuyển dần hỗ trợ cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp người dân tham gia BHYT, chủ trương thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế... Tuy nhiên, để đạt được độ bao phủ BHYT nhanh và bền vững, nhiệm vụ của ngành BHXH, y tế là làm sao để người dân thấy ích lợi BHYT, thấy được họ đang được chăm sóc sức khỏe như thế nào, nguồn quỹ BHYT đang được quản lý hiệu quả ra sao...

Để triển khai Quyết định 1167/QĐ-TTg hiệu quả trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể để có thể đạt được chỉ tiêu mà Chính phủ giao. Trong đó, yêu cầu BHXH các địa phương phải xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2016-2020 đối với địa bàn cấp huyện. Trong đó cân đối nguồn tài chính hỗ trợ thêm phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT theo hướng giảm dần chi phí cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ nguồn ngân sách nhà nước sang mua thẻ BHYT. BHXH Việt Nam cũng dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ tham gia BHYT cho một số nhóm đối tượng, trong đó ưu tiên hỗ trợ 30% mức đóng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo và nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho các đối tượng người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, HSSV và hộ gia đình. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp đến người dân. Kiện toàn, mở rộng đại lý thu BHXH, BHYT đến các tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT…

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động và người lao động đóng đến hết tháng 7 có khoảng 12,407 triệu người (đạt khoảng 80% so tổng số người lao động thuộc diện tham gia BHYT) và còn khoảng 20% (3 triệu người) chưa tham gia BHYT, trong đó chủ yếu ở người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tuy nhiên, đây là nhóm đóng góp số thu BHYT lớn nhất, mặc dù số đối tượng chỉ chiếm 16,9% số người tham gia.


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử