Chế độ về ốm đau, TNLĐ, BHYT, mai táng phí... cho người tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

25/08/2016 04:00 AM



Diễn tập tìm kiếm cứu nạn (Ảnh minh họa)

Về chế độ đối với người làm nhiệm vụ trực, dự thảo Nghị định nêu rõ người trực tại Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp được hưởng chế độ như sau: Mức 01 trực đêm từ 04 giờ trở lên được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 0,04 lần mức lương cơ sở; Mức 02 trực đêm từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 0,02 lần mức lương cơ sở.

Về chế độ đối với người được huy động làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền được trợ cấp ngày công lao động từng ngành nghề theo mức do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với lao động phổ thông, mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,04 so với lương cơ sở, đối với lao động có liên quan trực tiếp đến chất phóng xạ, tác nhân sinh học, hóa chất độc hại mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,1 so với lương cơ sở; nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi; làm nhiệm vụ ở nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại thì được bồi dưỡng tại chỗ theo quy định của pháp luật. Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về theo quy định chế độ công tác của Bộ Tài chính; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do UBND cấp tỉnh quy định. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên được huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau, tai nạn trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động: Bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc, kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền; bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ, khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau trong khi làm nhiệm vụ nếu chưa tham gia đóng BHYT thì được thanh toán tiền khám, chữa bệnh như tiêu chuẩn của người tham gia đóng BHXH.

Trường hợp bị tai nạn được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện; người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật. Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia đóng BHXH, thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Nếu người bị chết có tham gia đóng BHXH, thì thực hiện theo quy định của pháp luật về BHXH. Người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi làm nhiệm vụ có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác để tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức, trách nhiệm và phổ cập kiến thức cơ bản cho toàn dân về ứng phó ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Việc bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, phổ cập kiến thức và các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm được tổ chức hàng năm theo hướng dẫn. Thời gian huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm là 3% trong tổng thời gian huấn luyện chuyên môn theo chương trình huấn luyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với học sinh, sinh viên, học viên đào tạo trong các học viện, nhà trường, thời gian huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là 08-15 tiết/năm và được thực hiện trong chương trình giáo dục của từng năm học./.


Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội