Hội thảo tham vấn Hội đồng tư vấn quốc gia về xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản

09/09/2016 08:14 AM



Toàn cảnh Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đồng chủ trì Hội thảo; tham dự Hội thảo có đông đảo các thành viên Hội đồng tư vấn Quốc gia về chính sách BHYT; đại diện Vụ, cục thuộc Bộ Tài chính, Bộ Y tế; đại diện BHXH Việt Nam; một số Bệnh viện Trung ương, các Sở Y tế các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Phú Thọ; đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)…

Hội thảo lần đầu tiên chính thức giới thiệu ý nghĩa, tầm quan trọng và cách tiếp cận gói DVYTCB làm cơ sở xây dựng gói dịch vụ này.

Đảm bảo sự minh bạch và công bằng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, theo yêu cầu của Quốc hội, gói DVYTCB do Bộ Y tế làm đầu mối trủ trì xây dựng phải hoàn thiện trước năm 2018. Tuy nhiên trong bối cảnh thực hiện chính sách y tế đang cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại về quản lý quỹ BHYT. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe không ngừng tăng lên, chi phí y tế ngày càng gia tăng, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xác định việc xây dựng một gói DVYTCB trong điều kiện ngân sách có hạn để đảm bảo y tế tối thiểu là nhiệm vụ cấp bách, và đặt mục tiêu hoàn thiện các nội dung chính của gói dịch vụ này ngay trong năm 2016, đẩy nhanh tiến độ xây dựng gói DVYCB để sớm đưa vào thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn phân tích, ý nghĩa quan trọng của gói DVYTCB là đảm bảo sự minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình. Qua đó, tất cả các bên tham gia (người có thẻ BHYT, cơ sở KCB, cơ quan BHXH) đều xác định được trách nhiệm của mình trong việc sử dụng quỹ hợp lý hơn. Gói dịch vụ này cũng đảm bảo được sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người tham gia BHYT, không phân biệt đối xử và phụ thuộc vào khả năng chi trả, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho số đông để hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân. Gói DVYTCB cũng sẽ đáp ứng khả năng cân đối của Quỹ BHYT, tăng hiệu suất trong phân bổ, sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe.

Trình bày thực trạng sử dụng Quỹ BHYT tại Việt Nam hiện nay, ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại về khả năng cân đối quỹ BHYT khi mức chi BHYT đang có tốc độ gia tăng lớn trong những năm qua, đặc biệt gia tăng đột biến trong nửa đầu năm 2016 khi một số quy định mới trong thực hiện chính sách BHYT có hiệu lực như tăng giá dịch vụ y tế, thông tuyến KCB ở tuyến huyện… “Dù chỉ thực hiện tăng giá dịch vụ y tế từ 1/3/2016, chi KCB 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 40% so với 2015. Nếu như năm 2015, quỹ BHYT vẫn kết dư 7.500 tỷ thì với tốc độ sử dụng quỹ KCB BHYT này, ước tính năm 2016, quỹ BHYT không những không có khả năng cân đối mà có thể bội chi 7.000 tỷ đồng”, ông Bằng dẫn chứng. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, năm 2017, các yếu tố tăng chi trên, cùng tác động trọn vẹn của việc tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ khiến mức chi KCB BHYT tăng thêm 23.000 tỷ đồng, do đó đến năm 2018 sẽ buộc phải tăng phí tham gia BHYT để đảm bảo cân đối Quỹ BHYT.

Chia sẻ mối lo ngại này, TS Trần Văn Tiến - chuyên gia về BHYT chỉ ra rằng, mức phí BHYT của Việt Nam hiện nay với mức tương đương 30 USD/người thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế về chi phí KCB của xã hội. Cán cân lệch về thu- chi này không thể không đặt ra vấn đề tăng phí BHYT. Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu tính trên tổng đầu tư, NSNN dành cho y tế của Việt Nam hiện nay đang chiếm 6% GDP, cao hơn các nước có cùng thu nhập trên thế giới (4 - 5% GDP).

Tăng cường y tế cơ sở để người dân tiếp cận DVYT

Giới thiệu cách tiếp cận gói DVYTCB, Viện Chiến lược và chính sách y tế đề xuất, Việt Nam sẽ tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, xây dựng gói DVYTCB từ gói quyền lợi hiện có, chấp nhận các tồn tại lịch sử. Bên cạnh đó, tập trung vào việc rà soát, lựa chọn, đánh giá công nghệ y tế đối với một số dịch vụ, lập danh sách đối với các dịch vụ “không cung ứng” để khuyến nghị loại khỏi danh mục dịch vụ. Đồng thời bổ sung thêm dịch vụ mới có tính chi phí- hiệu quả, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu vào gói quyền lợi. Cập nhật định kỳ gói dịch vụ này, có thể điều chỉnh phạm vi theo từng giai đoạn phụ thuộc vào khả năng cân đối cuả quỹ BHYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Theo đó, các dịch vụ được ưu tiên rà soát tại Việt Nam được thực hiện thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là ưu tiên đánh giá toàn diện cả về chi phí - hiệu quả, an toàn… đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc có chi phí lớn; rà soát bổ sung thêm dịch vụ kỹ thuật, thuốc cho tuyến huyện, xã. Sang giai đoạn 2, sẽ đánh giá công nghệ y tế đối với dịch vụ có tần suất sử dụng nhiều, dịch vụ khó có sự thống nhất giữa BHXH và bệnh viện; đánh giá hiệu quả đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc mới.

Góp ý kiến về nội dung này với góc độ cơ sở y tế, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc BV Bạch Mai bày tỏ, gói DVYTCB cần đặc biệt quan tâm đến tính hiệu quả, ưu tiên vào chăm sóc sức khỏe nhóm trẻ dưới 6 tuổi và các bệnh cấp tính. Gói dịch vụ cũng nên tập trung mở rộng vào tuyến huyện vì đây là nơi người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhiều và hiệu quả nhất.

Chung góc nhìn này, Phó Giám đốc BV Lão khoa Trung ương - Nguyễn Trung Anh dẫn chứng những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế của nhóm người cao tuổi do thiếu vắng những dịch vụ chuyên khoa, trợ giúp tại tuyến y tế cơ sở. Ông Trung nhấn mạnh, việc phát triển dịch vụ kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở là chiến lược cần thiết, cần được tiếp tục đẩy mạnh để đảm bảo gói DVYTCB phục vụ cho số đông. Hiện nay, quỹ BHYT đang sử dụng chủ yếu cho điều trị, do đó đề xuất về việc tăng cường các nhóm dịch vụ về sàng lọc bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe, KCB tại nhà… về lâu dài cần đề xuất sửa Luật để thuộc phạm vi thanh toán của BHYT. Nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục rà soát các dịch vụ kỹ thuật, thuốc để đảm bảo gói DVYTCB đạt hiệu quả cao nhất cả về chi phí - hiệu quả cũng như cân đối quỹ BHYT…




Nguồn: Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam