Tăng cường phòng, chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết

20/09/2016 02:49 AM




Bộ Y tế cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 28/8/2016, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây truyền của vi rút Zika; 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Đặc biệt, tại Singapore, sau trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên được thông báo ngày 28/8/2016, chỉ trong 4 ngày (đến ngày 31/8/2016), quốc gia này đã ghi nhận 82 trường hợp. Bên cạnh đó, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và châu Mỹ La- tinh.

Đến nay, Việt Nam cũng đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm vi rút Zika và có một số trường hợp người nước ngoài phát hiện nhiễm vi rút Zika sau khi đi du lịch trở về từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã chững lại trong những tuần gần đây, nhưng hiện đang vào thời điểm mùa mưa kèm theo các diễn biến bất thường của thời tiết đã tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết phát triển, nên vẫn có nguy cơ gia tăng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Để chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cân đối, bố trí cấp sớm kinh phí từ nguồn địa phương, đảm bảo triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, quan tâm và chỉ đạo một số nội dung phòng chống dịch như: Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị- xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh....); các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và vùng có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy. Đề nghị UBND địa phương tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu toàn ngành y tế giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm nhằm đánh giá sự lưu hành của vi rút Zika và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2- 3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế.

Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, WHO chưa khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika. Do đó, các Sở TT-TT cần phối hợp với Sở Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan về dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết; các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng chống, không hoang mang, lo lắng cũng như không ảnh hưởng đến du lịch, thương mại trên địa bàn./.




Nguồn: Báo Bảo hiểm xã hội