Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

20/09/2016 09:02 AM




Những kết quả đạt được bước đầu, hạn chế và yêu cầu đặt ra

Chỉ thị 05 nêu rõ: “Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên, hội viên.
Trong Hội nghị toàn quốc Tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thẳng thắn chỉ ra rằng một bộ phận người đứng đầu cũng thiếu ý thức tự giác, không ít lãnh đạo, không ít nơi coi đây như một phong trào, một cuộc vận động, học nhiều nhưng kết quả làm theo đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều hạn chế. Trách nhiệm nêu gương, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa cao. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chuẩn mực đạo đức, đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở nhiều nơi vẫn còn hình thức. Việc thực hiện Chỉ thị 03 chưa đạt được mục đích đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tiêu cực. Công tác tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị chưa thật sinh động, hấp dẫn, chưa tạo sức lan tỏa mạnh mẽ từ các điển hình tiêu biểu trong Đảng và xã hội.
Một điều cần nhấn mạnh là không những kết quả làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn hạn chế, vừa hình thức, vừa không thường xuyên, mà còn có nơi, có lúc, một bộ phận cán bộ từ Trung ương xuống cơ sở còn làm trái lời Bác dặn. Chẳng hạn làm việc quan liêu, một số chủ trương, chính sách được đưa ra không xuất phát từ thực tiễn, từ nguyện vọng của lòng dân, không hợp lòng dân. Làm việc không tin dân, không dựa vào dân, không học dân, không hỏi dân, không giải thích cho dân… Trong khi toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn ngang nhiên tham nhũng, lãng phí, vác mặt làm quan cách mạng, hành dân, vô trách nhiệm. Trong công tác cán bộ đang có vấn đề theo tư duy “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Những biểu hiện suy thoái đạo đức, đi ngược lại tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Yêu cầu đặt ra hiện nay là các cấp ủy cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tập trung khắc phục và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng tron    g sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn nữa những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Những nội dung chính, điểm mới và yêu cầu thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW

Chỉ thị 05 nêu ba nội dung gắn bó chặt chẽ với nhau:

Về tư tưởng, đó là hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…
Về đạo đức, đó là các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội…
Về phong cách, đó là phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, độc đáo, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương…

Điểm mới của Chỉ thị 05

Thứ nhất, Chỉ thị 05 nêu ba nội dung: tư tưởng - đạo đức - phong cách thành một chỉnh thể, phản ánh một giá trị lớn, bền vững - giá trị nhân cách Hồ Chí Minh. Giá trị này chứa đựng cả lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa lịch sử, hiện tại và tương lai, đối với dân tộc và nhân loại.
Thứ hai, so với Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 đưa thêm nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh với một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là điều mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đội ngũ trí thức từ nhiều năm nay. Nói về Hồ Chí Minh trước hết là nói về một nhà tư tưởng, nhà lý luận mang sắc thái, diện mạo Hồ Chí Minh, nhà lý luận, tư tưởng kiểu Hồ Chí Minh. Chúng ta đều biết không có lý luận cách mạng, không có phong trào cách mạng. Cách mạng Việt Nam thắng lợi trước hết là nhờ trí tuệ Việt Nam, mà người vun bồi, xây đắp trí tuệ, tư tưởng, lý luận đó là Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi. Ngày nay công cuộc đổi mới đang tiến hành dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết.
Thứ ba, Chỉ thị 03 chỉ nói về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị 05 bàn về việc học tập và làm theo cả quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhận thức như Chỉ thị 05 là khoa học. Bởi vì quan điểm và hành động luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhận thức quan điểm chưa đến nơi, đến chốn, không thể có hành động đến nơi, đến chốn. Quan điểm còn chưa rõ ràng, nhận thức chưa khoa học, làm sao có hành động khoa học. Nhận thức quan điểm sai, mơ hồ thì tất yếu hành động sai. Một trong những nguyên nhân Chỉ thị 03 chưa đạt một số mục đích đề ra là do thiếu nhận thức, nhận thức lệch lạc, mơ hồ, chưa đúng đắn, khoa học về vai trò, vị trí, tầm vóc, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thậm chí có nhận thức cho rằng, nói về đạo đức, chỉ cần làm, học đủ rồi. Sai lầm gốc đó dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thứ tư, Chỉ thị 05 đưa thêm nội dung phong cách Hồ Chí Minh. Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với nhau, là sự thống nhất biện chứng. Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện cụ thể qua đạo đức và phong cách của Người. Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chứa đựng hệ tư tưởng lớn về cách mạng Việt Nam. Nhấn mạnh và đề cao tư tưởng là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn, nhưng khi học tập Hồ Chí Minh mà chỉ dừng lại ở thuyết lý tư tưởng suông thì không đi vào lòng người. Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất cần những người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt có được phong cách theo phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên và nhân dân chán ghét những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu nói hay, đưa ra những câu nói ấn tượng nhưng hành động thì dở. Vì vậy lần này, Chỉ thị 05 bàn đến việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp.

Điểm nhấn của Chỉ thị 05

Không thể và không được tách rời ba bộ phận tư tưởng - đạo đức - phong cách trong quá trình triển khai việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ta nghiên cứu Hồ Chí Minh là nghiên cứu, tìm hiểu một con người “hoàn toàn” như cách nói của Hồ Chí Minh, con người hoàn mỹ. Bây giờ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo, đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng phải được xây dựng như vậy. Không thể đào tạo một loại cán bộ chỉ giỏi lý thuyết suông mà méo mó về đạo đức, phong cách. Cũng không thể xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, mà lý luận lơ mơ, không có tầm nhìn xa, trông rộng, không hiểu biết gì về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Toàn bộ nội dung học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần này, nếu cô đọng lại thì tập trung vào một từ DÂN. Hệ thống quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh là do dân, vì dân. Đạo đức Hồ Chí Minh vì dân. Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách quần chúng, từ nhân dân mà ra, sống trong lòng dân và cuối cùng lại muốn trở về với nhân dân, trở thành dân, gần gũi dân. Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh phải thấy rõ điều này. Theo Hồ Chí Minh, dân vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy mục tiêu của Người là làm cho dân có Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Người sáng lập Đảng là để Đảng làm người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người sáng lập Nhà nước, Chính phủ là để thực hiện chức năng công bộc của dân. Người xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên là để phục vụ nhân dân, làm đày tớ trung thành cho dân. Phong cách Hồ Chí Minh là dựa vào dân.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần này đặc biệt chú trọng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt, đứng đầu và cán bộ, đảng viên. Họ phải là những tấm gương sáng tiêu biểu thực sự trong việc học trước, làm trước.
“Xây” kết hợp chặt chẽ với “chống”. Điều này phải được làm rõ trong di sản Hồ Chí Minh và trong thực tiễn hiện nay. Phải khen, chê kịp thời, khách quan, đúng mực thì mới có tác thúc đẩy nhân tố tích cực và ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực.

Yêu cầu thực hiện Chỉ thị 05

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai thực hiện theo phương châm “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học đi đôi với làm theo, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể; kết hợp “xây” đi đôi với “chống”. Xây dựng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến về làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương học trước, làm theo trước. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”./.




Nguồn: Tạp chí Bảo hiểm xã hội