Ứng dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư

21/09/2016 02:48 AM



Chuẩn bị một ca chụp PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai)

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS, TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cùng các cộng sự thực hiện nghiên cứu trong suốt 20 năm vừa giành giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016 đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng đó. Trong lĩnh vực y tế, bức xạ ion hóa được sử dụng chủ yếu ở ba chuyên ngành: điện quang, y học hạt nhân và ung bướu (xạ trị ung thư). Các thiết bị sử dụng bức xạ ion hóa này phần lớn được ứng dụng cho hai lĩnh vực chính là chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong điều trị bệnh ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp như: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích... trong đó, hơn 50% số người bệnh ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị với các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp sát, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc... Vì vậy, bên cạnh việc tìm tòi, chọn lọc đưa về ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa, nhóm nghiên cứu chủ động nghiên cứu các phương pháp phù hợp điều kiện thực tế, phù hợp người Việt Nam để từ đó nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn phát hiện sớm.

Cụm công trình giành giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ gồm năm nhóm công trình: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ positron (PET/CT) để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ; nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị tiên tiến để điều trị ung thư; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết.

Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn nêu trên đang được áp dụng thường quy tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác đã tạo bước ngoặt trong chẩn đoán, điều trị loại bệnh hết sức nguy hiểm đang ngày càng tăng tại nước ta. Nhờ ứng dụng các kỹ thuật mới mà những người thầy thuốc đã chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh cũng như đánh giá hiệu quả điều trị đối với một số lượng lớn loại bệnh ung thư khác nhau và một số bệnh lý khác. Trên cơ sở đó đã giúp đưa ra được các phương pháp điều trị chính xác, phù hợp, hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Điều đáng nói là những kỹ thuật mới đã góp phần giải quyết các khó khăn trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân ung thư tái phát, di căn, mà các phương pháp điều trị trước đó không đáp ứng được. Những thành công nêu trên đã tạo niềm tin cho nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư là người Việt Nam ở lại điều trị trong nước và tạo được uy tín trong khu vực. Nhiều người bệnh ở các nước trong khu vực bị mắc bệnh ung thư và một số bệnh lý khác đã đến điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai bằng các kỹ thuật hiện đại nêu trên.

Đến nay, Trung tâm đã thực hiện được hơn 60 nghìn mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ; hơn 60 nghìn người bệnh ung thư các loại được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, SPECT; hơn 3.400 người bệnh u não và một số bệnh lý sọ não được điều trị bằng dao gamma quay, 6.200 người bệnh ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật xạ trị điều biến liều và kỹ thuật 3D kết hợp hình ảnh PET/CT hoặc CT mô phỏng; hơn 2.100 trường hợp ung thư tuyến giáp và 1.500 người bệnh bướu tuyến giáp lan tỏa nhiễm độc được điều trị bằng I-131… Ước tính, tổng số tiền tiết kiệm được khi ứng dụng các kỹ thuật của cụm công trình này là 88,45 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở của người bệnh, người nhà người bệnh nếu phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn này đã được phổ biến, đào tạo, chuyển giao cho 18 bệnh viện trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh ung thư ở Việt Nam, tăng tỷ lệ điều trị trong nước, giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư và chi phí xã hội cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Tổng số sản phẩm khoa học của cụm công trình này bao gồm 154 bài báo trong nước, 13 bài báo quốc tế, 11 báo cáo tại hội nghị quốc tế, 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; đào tạo 13 tiến sĩ và tám thạc sĩ... Đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những nước ứng dụng thành công một số kỹ thuật hiện đại, tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư./.




Nguồn: Báo Nhân dân điện tử